Toàn cảnh hành trình của ĐT Việt Nam tại UAE (Bản quyền VTVCab)

ĐT Việt Nam nằm ở nhóm hạt giống cuối cùng, chung nhóm với Lebanon. Với cục diện hiện tại, việc phải đối đầu với những đội bóng mạnh nhất châu Á khi bốc thăm ở vòng loại World Cup 2022 là không thể tránh khỏi. Đó sẽ là Nhật hoặc Iran, Australia hoặc Hàn Quốc, Saudi Arabia hoặc UAE, Iraq hoặc Trung Quốc, Oman hoặc Syria. Tóm lại, đó sẽ là những thử thách lớn với thầy trò HLV Park Hang Seo.

ĐT Việt Nam xuất sắc vượt qua vòng loại thứ hai World Cup 2022

Dù đây mới là lần đầu ĐT Việt Nam lọt đến vòng loại thứ 3 của một kỳ World Cup, nhưng trong quá khứ, Việt Nam từng gặp hầu hết các đối thủ này. Và không ít lần Việt Nam phải đón nhận những trận thua rất đậm.

Vòng loại thứ hai World Cup 2018, ĐT Việt Nam chơi tương đối tốt, ghi 7 bàn và lọt lưới 8 bàn sau 6 trận. Đã không có trận thua theo kiểu vỡ trận nào, thất bại đậm nhất là thua 0-3 trước Thái Lan ở Mỹ Đình. Nhưng ở vòng loại của kỳ World Cup 2014, Việt Nam đã thua đậm Qatar 0-3 và bị loại luôn từ vòng đầu tiên.

Vòng loại đầu tiên của World Cup 2010 mới thực sự là nỗi thống khổ. ĐT Việt Nam thua UAE 0-6 sau 2 lượt trận, trong đó trận đấu ngày 28/10/2007 tại Abu Dhabi thực sự là cơn ác mộng. Do để thua 0-1 tại Mỹ Đình, đội bóng của HLV Riedl quyết định chơi đôi công với đối thủ hòng xoay chuyển tình thế.

Tiếc rằng Việt Nam đã không lường hết sức mạnh của đội chủ nhà. Kết quả, Việt Nam thua thảm 0-5, hiệp 1 thủng 2 bàn, còn hiệp 2 thủng 3 bàn. Điều đáng nói, chỉ trước đó mấy tháng Việt Nam còn thắng UAE 2-0 để giành vé vào tứ kết Asian Cup 2007.

Vòng loại World Cup 2006, ĐT Việt Nam chung bảng đấu với Hàn Quốc, Lebanon và Maldives. Khi đó, “Những ngôi sao vàng” giành được 4 điểm sau 6 trận, thắng được Maldives 4-0 sau trận ra quân ở Mỹ Đình, hòa được Lebanon ở lượt đấu cuối, còn lại là tất cả các trận thua.

Sẽ không dễ để Văn Thanh, Xuân Trường có thể tạo nên cú sốc một khi phải đối đầu các đội bóng mạnh như Hàn Quốc

Điều đáng mừng, dù để thua Hàn Quốc cả hai lượt trận, nhưng đều không có lần nào Việt Nam thua theo kiểu vỡ trận: Thua 0-2 tại Daejeon và 1-2 trên sân Thống Nhất. Trận thua đậm nhất của “Những ngôi sao vàng” ở hành trình vòng loại World Cup 2006 là khi để cho Maldives phục hận thành công và thua 0-3 trên sân khách.

Vòng loại World Cup 2002, ĐT Việt Nam chung bảng với Saudi Arabia, Bangladesh và Mông Cổ. “Những ngôi sao vàng” đã có một hành trình đáng tự hào khi giành được 10 điểm, xếp thứ hai bảng đấu, ghi 9 bàn và lọt lưới 9 bàn. Tuy nhiên, cả 9 bàn thua ấy đều đến trước Saudi Arabia, còn lại 4 trận lượt đi và về với Bangladesh và Mông Cổ đều giữ sạch lưới.

Dù đã chơi tốt trước các đối thủ yếu hơn, Saudi Arabia tỏ ra quá mạnh với Việt Nam cũng như với cả bảng đấu. Ông lớn Tây Á toàn thắng 6 trận, ghi 30 bàn, không bị lọt lưới lần nào. Với Việt Nam, Saudi Arabia thắng 5-0 12/2/2001, sau đó thắng tiếp 4-0 trong trận tái đấu ngày 19/2. Toàn bộ các trận đấu này đều diễn ra ở Saudi Arabia và đá theo dạng tập trung ở một địa điểm.

Vòng loại World Cup 1998, Việt Nam ở cùng bảng đấu với Trung Quốc, Tajikistan và Turkmenistan. Thật đáng buồn, đội bóng áo đỏ không giành được điểm nào khi toàn thua 6 trận, ghi được 2 bàn và thủng lưới tới 21 lần. Trong đó có các trận thua đậm như 0-4 trước Tajikistan trong cả 2 lượt trận, thua Trung Quốc và Turkmenistan cũng với tỷ số 0-4.

Vòng loại World Cup 1994, ĐT Việt Nam do ông Trần Bình Sự dẫn dắt ở bảng đấu có Triều Tiên, Qatar, Indonesia và Singapore. Khi đó, Việt Nam thắng duy nhất Indonesia loạt trận đầu và thua cả bốn trận lượt về, giành vị trí chót bảng, ghi được 4 bàn nhưng lọt lưới 18 lần.

Nhìn vào hành trình kể trên để thấy rằng, sân chơi châu lục chưa bao giờ dễ dàng với bóng đá Việt Nam. Nếu không có sự đánh giá một cách chính xác về các đối thủ mà thầy trò HLV Park Hang Seo có thể gặp ở vòng loại thứ ba tới đây, “Những ngôi sao vàng” hoàn toàn có nguy cơ phải đón nhận những trận thua đậm như thế hệ đàn anh trong quá khứ.