Là một trong những bệnh nhân đầu tiên đến với trại phong Đá Bạc (Sóc Sơn, Hà Nội), trải qua hơn nửa thế kỉ, chỉ còn một mình bà Sợi bám trụ lại trong khi những người khác đã mất hoặc chuyển đến nơi ở mới.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, trại phong Đá Bạc (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) từng là nơi ăn ở, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân mắc căn bệnh phong quái ác.

Trại phong Đá Bạc thời gian đầu thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phú với 3 dãy nhà cấp 4 được xây riêng biệt nhau. Sau này, tách tỉnh, Vĩnh Phú được chia làm 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, còn trại phong Đá Bạc được sáp nhập về huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Trại phong được Hà Nội xây dựng lại làm 2 khu nhà mái bằng cho bệnh nhân sinh sống, 1 nhà điều hành của y bác sĩ và một nhà hội trường. Trải qua thời gian, các dãy nhà ở đã xuống cấp, hư hỏng. Năm 2013, những người già ở đây được chuyển về Quốc Oai (Hà Nội) với cơ sở vật chất khang trang hơn, có người chăm sóc chu đáo hơn.

Ngược dòng thời gian, khoảng những năm 50-60 của thế kỷ trước, căn bệnh phong xuất hiện đã trở thành thứ bệnh dịch nan y mà người ta khiếp sợ. Ai mắc bệnh này như dính án tử. Không chỉ chịu nỗi đau về thể xác, người bệnh còn phải chịu nỗi đau rất lớn về tinh thần. Người thân xa lánh, xóm làng rè bỉu khiến cuộc sống của họ rơi vào bế tắc, cùng cực.

Đến khi y học tìm ra cách chữa trị, những người mắc bệnh phong mới được quan tâm và phần nào tránh được những ánh nhìn kỳ thị từ xã hội. Các trại phong được xây dựng để chữa trị và làm nơi sinh sống cho các bệnh nhân. Trải qua nhiều năm, bệnh tật đã khỏi nhưng nhiều người đã chẳng còn quê để về, không họ hàng, người thân… Vì vậy, họ coi trại phong như ngôi nhà của chính họ.

Chúng tôi tìm đến trại phong Đá Bạc vào những ngày đầu tháng 3/2021. Theo chỉ dẫn của người dân, trại phong nằm lẩn khuất dưới chân những ngọn núi cao vút của núi Sóc. Khu vực này rất ít người sinh sống, xung quanh chỉ có núi và cây rừng.

Ngoài đường cái lớn trải nhựa phẳng lì, nhưng từ đó dẫn vào con đường tới trại phong Đá Bạc lại là đường đất đỏ. Thời tiết ở miền Bắc đang vào xuân, trời âm u và mưa lâm thâm khiến con đường nhớp nhúa, thêm phần đìu hiu.

Đi chừng khoảng 1km đường đất vào sâu chân núi, chúng tôi đến trại phong Đá Bạc. Không tường rào, không cổng vào, không bảng tên… chỉ có những dãy nhà mái bằng cũ kĩ, màu vàng hoen ố nhuốm màu thời gian nổi lên giữa những lùm cây xanh.

Tôi men theo một lối nhỏ đi tắt vào bên trong và cất tiếng gọi, tiếng chó sủa inh tai, bất giác có một bà cụ đi từ phía trong một căn phòng đi ra, đó là bà Nguyễn Thị Sợi (SN 1944, quê Vĩnh Phúc).

Bà Sợi mời chúng tôi vào nhà ngồi chơi, xơi nước. Bà nói, bà sống ở đây một mình mấy năm nay. Những người khác đã được chính quyền chuyển về huyện Quốc Oai (Hà Nội) để chăm sóc, nuôi dưỡng. Còn 7 người khác không đi nhưng có 6 người được con cái đón về nuôi, chỉ riêng bà Sợi là không. Bà Sợi có con, một cô con gái đã lấy chồng không quá xa nơi bà ở nhưng hoàn cảnh cũng vô cùng éo le.

Câu chuyện của chúng tôi và bà Sợi vừa bắt đầu thì trời bất ngờ tối sầm lại, một cơn mưa lớn bắt đầu trút xuống. Nét mặt bà Sợi trùng xuống, bà quay mặt nhìn ra sân, trầm ngâm.

Cơn mưa một lúc sau ngớt dần, bà Sợi kể tiếp. Bà sinh ra vốn không biết mặt cha mẹ, họ mất sớm khi bà còn nhỏ. Bà được cho vào một gia đình khác để làm con nuôi. Dù cuộc sống không mấy sung túc nhưng bà vẫn có cơm ăn, có nhà ở, có bố có mẹ nuôi. Rồi bà nên duyên với một người đàn ông cùng làng, kết phu thê và nhanh chóng có tin vui khi bà mang bầu.

Cuộc sống đang êm đềm trôi đi thì bỗng một ngày bà Sợi biết mình mắc căn bệnh quái ác phong (hủi). Những ngày đông giá rét, bà động tay vào nước không biết rét là gì, hơ tay trên lửa không biết nóng.

“Sợ nhất những ngày mùa đông, đi cấy về rét quá phải ngồi sưởi lửa, hơ chân hơ tay trên bếp lửa không biết nóng để rồi bị phỏng khắp người. Các nốt phỏng căng phồng lên, mọng nước. Sợ người ta biết mình bị bệnh hủi nên tôi mới lấy các gai tre chọc các vết phỏng cho vỡ ra. Thế rồi lại đi làm đồng, bùn đất dính vào các vết phỏng làm chân tay bị nhiễm trùng dẫn đến các khớp co quắp hết cả”, bà Sợi vừa nói vừa vén chân tay lên cho chúng tôi xem.

Bà Sợi nói tiếp, hồi ấy, những người mắc bệnh phong sợ lắm vì chưa có thuốc chữa, dân làng họ kỳ thị những người bệnh phong vô cùng. Họ sợ những người mắc bệnh phong làm ô nhiễm nguồn nước khiến những người khác mắc bệnh theo. Người bệnh đi đến đâu đều bị xua đuổi, hoặc đánh đập, ném đá không thương tiếc.

Ngay xã bà Sợi sinh sống có người mắc bệnh phong đã bị mang ra bờ sông chôn sống, có người đi xem chiếu bóng bị ném đá vỡ đầu… chính những điều đó làm bà sợ hãi, phải giấu bệnh.

Những năm khoảng 1966-1967, một đoàn y bác sĩ về nơi thôn bà Sợi làm xét nghiệm và tuyên truyền về bệnh phong. Các bác sĩ kết luận bà mắc bệnh và làm thủ tục để đưa bà về trại phong Đá Bạc. Bà khăn gói, xa gia đình để đến với nơi mà mình không bị kỳ thị. Cũng khoảng thời gian ấy, chồng bà đã bỏ bà mà đi lấy người khác. Bà đau lắm nhưng vì bệnh tật, bà nuốt nước mắt vào trong.

Sinh nở trong trại phong nhưng vì con không có tiêu chuẩn ăn uống, bà Sợi có bữa phải nhịn ăn hoặc ăn sắn, ăn ngô để nhường cơm cho con. Nhưng vì mong muốn con có cuộc sống tốt đẹp hơn, không bị kỳ thị, được đi học… bà Sợi gửi con cho gia đình khác làm con nuôi. Đây cũng là cách làm của hầu hết những bệnh nhân phong sau khi sinh con.

Bà kể, nhiều người bệnh sau khi vào trại phong thì nên duyên vợ chồng. Họ được sự chứng kiến của các lãnh đạo trại phong và cán bộ thôn, xã rồi dọn dẹp về cùng góp gạo thổi cơm chung. Khoảng 60 đứa con của các bệnh nhân được sinh ra nhưng đa phần được gửi ra ngoài làm con nuôi để cuộc sống đỡ vất vả.

Trải qua hơn 50 năm sống ở trại phong Đá Bạc, bà Sợi coi nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Bà là một trong những người đầu tiên đến với trại phong và bây giờ chính bà lại là người cuối cùng bám trụ ở trại phong này.

Hồi xe chở bà đến trại phong, các dãy nhà mới xây dựng còn chưa có bệnh nhân. Sau rồi các bệnh nhân từ nhiều nơi được đưa về đây đã giúp những con người cùng khổ sát lại gần nhau hơn. Thời điểm đông bệnh nhân, trại phong Đá Bạc có khoảng 150 người sinh sống.

Sống một mình cô quạnh ở nơi núi rừng hoang vắng, bà Sợi đã quen với cảnh cô liêu. Giờ đây, ở cái tuổi xế chiều, bà chẳng sợ bệnh tật, chẳng sợ chết… nhưng có một thứ bà rất sợ, đó là sợ mất Bun – con chó bà nuôi đã 5 năm.

Bà kể, ngày trước, bà mua mẹ của Bun về nuôi, sau đó, chó mẹ đẻ ra được 6 con. Trong một lần bà đi ra ngoài, chó mẹ đã bị người ta đánh bả chết. Chó con sau đó cũng bị mất trộm dần, chỉ còn mỗi Bun là gắn bó lâu với bà, chính vì vậy, bà coi Bun như con cháu trong nhà.

“Nhiều khi buồn, tôi chỉ biết ngồi tâm sự với nó. Hai bà cháu có gì ăn nấy. Nó khôn lắm, có lúc tôi hát nó cũng cất giọng lên sủa theo, còn tôi mắng nó, 2 mắt nó chảy nước mắt.

Người ta nuôi chó để trông nhà, trông người còn tôi đây ngược đời, nuôi chó thì người phải trông chó. Đi đâu tôi phải nhốt nó vào nhà khóa cửa lại”, bà Sợi cười, nụ cười hiếm hoi xuất hiện trên gương mặt bà.

Cơn mưa xuân lại tiếp tục rơi ào ào xuống khu vực núi Sóc. Trời giữa trưa mà âm u như xế chiều.

Con Bun đang xích ngoài cửa dãy nhà bỏ hoang sủa lên ăng ẳng, bà Sợi vội vàng ra cởi xích cho nó chạy vào nhà. Bà chơi đùa cùng nó, vui vẻ như 2 người tri kỷ.

Bà Sợi bảo, ngày trước, ít người biết đến trại phong Đá Bạc nhưng từ khi lên báo đài, thỉnh thoảng lại có đoàn từ thiện hay những đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên tìm đến chơi với bà.

Bà chỉ cần thế thôi, cứ có người đến chơi với bà là vui, còn chuyện ăn uống với bà không còn quá quan trọng.

Mỗi tháng, bà nhận được khoản trợ cấp người khuyết tật và trợ cấp người cao tuổi của Nhà nước là 700 nghìn đồng. Ngoài ra, bà cuốc vườn trồng thêm rau, nuôi mấy con gà bán lấy tiền mua gạo và cải thiện bữa ăn. Một cuộc sống không mấy sung túc nhưng an yên với bà.

Khi chúng tôi hỏi, đã gần cuối đời, tuổi cao sức yếu lại sống một mình nơi rừng thiêng nước độc, bà có mong muốn được đoàn tụ cùng con cháu không? Bà Sợi im lặng, mắt bà hướng ra sân nhìn vô định. Bà nói: “Con gái lấy được người chồng không ra gì cũng trăm thứ khổ. Tôi chỉ mong được sống an yên ở đây đến cuối đời, khi chết mong người dân và chính quyền chôn cất tôi tử tế. Vậy thôi”, giọng bà nói nhỏ lại như nghẹn ở cổ hòa lẫn vào tiếng mưa.

Content: Triệu Quang- Hoàn Như

Media: Trí Quân