"Đạo diễn tồi là tội đồ"
“Mình làm dở thì không phải chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân mà còn làm liên lụy đến cả ê kip và làm hại khán giả. Nói chung, đạo diễn tồi là một tội đồ” – đạo diễn Hoàng Trung chia sẻ.
Sau thành công của bộ phim truyền hình đầu tay Bước qua bóng tối, đạo diễn Hoàng Trung tiếp tục gây chú ý với phim Những mảnh đời giông bão (đang phát sóng vào lúc 17h 30 các ngày trong tuần).
Là một phim hình sự chính luận nhưng phim không chỉ thu hút khán giả bằng những vụ trọng án ly kì mà còn gây ấn tượng bởi góc nhìn nhân văn và ngôn ngữ kể chuyện rất riêng của đạo diễn trẻ có tâm.
Không đua theo số lượng
Tốt nghiệp khoa đạo diễn đã 5 năm (2007), từng có kinh nghiệm 10 năm làm phó đạo diễn, nhưng đến nay, “tài sản” của đạo diễn Hoàng Trung chỉ vỏn vẹn 4 bộ phim.
Anh thận trọng từ bước chọn kịch bản. “Mỗi lần có người mời làm phim là một cơ hội quý. Nhưng mình phải đọc kịch bản đã. Nếu kịch bản hợp thì tốt, nhưng kịch bản chưa hợp thì phải cân nhắc xem mình có đủ tài sửa được kịch bản không thì mới dám nhận lời.
Bộ phim đầu tay 90 phút, tôi dành một tháng để sửa kịch bản. Nếu phim truyền hình cỡ 30 tập mà phải sửa lại kịch bản thì thử hình dung sẽ mất bao lâu?”, đạo diễn Hoàng Trung chia sẻ.
Đạo diễn Hoàng Trung, gương mặt đạo diễn trẻ gây chú ý trong thời gian gần đây
Trong các phim của Hoàng Trung, điểm nổi bật là dàn diễn viên rất hợp vai, "rất đời". Các diễn viên chính: Quý Bình trong vai "Nhân lì" thể hiện thuyết phục tính cách gan lỳ, ngang tàng nhưng trọng nghĩa khí và yêu thương cha hết mực (Phim Bước qua bóng tối); hay Trí Quang vai cảnh sát Trung Kiên với tính thẳng thắn, thông minh và nhạy bén trong việc điều tra án.
Rũ bỏ công việc, Trí Quang cũng thể hiện thành công một con người trầm cảm, thu mình do ám ảnh việc vợ con bị tội phạm bị sát hại trả thù (Phim Những mảnh đời giông bão).
Hoàng Trung rất kiên quyết trong tiêu chí việc chọn diễn viên: diễn xuất đạt, hiểu tâm lý nhân vật, hợp vai. Bởi đó, có nhiều bạn bè là diễn viên nhưng Hoàng Trung chưa mời ai đóng phim.
Có bạn thân gọi điện hỏi: "Sao không mời tao đóng phim của mày?", anh cười hề hề đáp: “Mời mày đi nhậu thì được chứ không hợp vai sao đóng?”.
Không chỉ chú ý tới dàn diễn viên chính, Hoàng Trung còn chăm chút cho những diễn viên quần chúng trong các vai phụ.
Phim Những mảnh đời giông bão thể hiện năm vụ án chính với hàng trăm số phận nhân vật. Đạo diễn Hoàng Trung đã thuyết phục nhà sản xuất đưa toàn bộ diễn viên từ TP.HCM lên Đà Lạt để đảm bảo diễn xuất, mặc dù chi phí sẽ tăng lên rất nhiều so với việc dùng diễn viên tại Đà Lạt.
Phim cũng có một phân cảnh nữ bác sĩ pháp y xúc động phân tích kết quả giám định. Cảnh quay rất ngắn nhưng đòi hỏi diễn viên phải có trình độ diễn xuất tâm lý phức tạp.
Do cảnh quay ngắn và chỉ một phân đoạn, nên nên khó mời diễn viên chuyên nghiệp tham gia, diễn viên quần chúng thì sợ diễn không đạt. Cuối cùng, Hoàng Trung đành năn nỉ bạn thân là diễn viên Huệ Minh bay lên Đà Lạt giúp giùm.
“Đến nay, vẫn còn nợ Huệ Minh một chầu trong vụ đó”, đạo diễn cười thích thú.
Bộ phim Bước qua bóng tối do anh làm đạo diễn rất được yêu thích trong thời gian qua
Nhìn cách Hoàng Trung làm việc với diễn viên quần chúng mới hiểu vì sao những nhân vật phụ của anh “đời” đến như vậy.
Trước khi quay, Hoàng Trung cầm kịch bản hỏi người diễn viên quần chúng: “Anh có biết vì sao đoạn này anh phải cúi mặt xuống không? Có biết vì sao phục trang yêu cầu anh phải mặc đồ cũ, rách rưới không?....”, rồi phân tích kỹ tâm lý nhân vật cho diễn viên.
Nhờ đó, người xem thích thú với cô gái bán vé số Lành như bước ra từ thế giới của những đứa trẻ sớm mưu sinh hay vai mẹ Lành cũng tự nhiên và hồn hậu, quê mùa hệt như một người lao động nghèo.
Phim tốt, ngồi nhậu đỡ hổ thẹn
Hỏi đạo diễn Hoàng Trung, với cách làm phim như hiện nay, nhiều đạo diễn chỉ cần quay một ngày là hoàn thành một tập phim, sao anh không bớt “kỹ” lại để nhận nhiều phim hơn, kiếm được nhiều tiền hơn.
Hoàng Trung trả lời: "Có nhiều cách để kiếm tiền, thậm chí chạy xe cũng kiếm được tiền mà! Và Hoàng Trung cũng phải làm nhiều việc đê nuôi nghề: viết kịch bản, đạo diễn chương trình ca nhạc, phụ gia đình chăm sóc trang trại...".
Đạo diễn Hoàng Trung chỉ đạo diễn xuất một cảnh quay tại Đà Lạt
Anh quan niệm đạo diễn làm ra bộ phim dở thì đạo diễn là tội đồ với khán giả và các đồng sự. Đạo diễn dở sẽ phá hủy bộ phim, kéo theo chất lượng diễn xuất của diễn viên và ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khán giả.
Hoàng Trung coi tác phẩm là danh dự, là cuộc sống nên anh phải làm hết khả năng. “Hơn nữa, phim tốt thì ngồi nhậu với đồng nghiệp cũng đỡ hổ thẹn”, anh nói.
Tuy nhiên, khi hỏi về các bộ phim "thảm họa" trong thời gian qua, đặc biệt là Nàng men chàng bóng của một đạo diễn truyền hình giỏi Võ Tấn Bình, Hoàng Trung lại có cái nhìn thông cảm.
Anh cho rằng, có những thời điểm người ta tin tưởng tuyệt đối vào cái mình đang làm. Sau này khi nhìn lại họ mới nhận ra nhiều điều.
Hoàng Trung cũng kể, có những người bạn anh vì ham vội kịch bản mà ôm đồm quá sức để rồi sự nghiệp tan tành mây khói.
Anh rất cảm thông với những sai lầm mà nhiều đạo diễn mắc phải, tuy nhiên vẫn nhấn mạnh: "Nói gì thì nói một đạo diễn tồi vẫn là một tội đồ".
Đạo diễn không phải giỏi kỹ năng nghề nghiệp thì làm được phim hay, bởi phải phụ thuộc vào những quyết định về kinh phí, diễn viên mà nhà sản xuất đưa ra.
Hoàng Trung luôn lấy kịch bản ra thuyết phục nhà sản xuất tin rằng những yêu cầu anh đưa ra là để cho phim tốt hơn, điều đó có lợi cho nhà sản xuất.
Bộ phim hình sự Những mảnh đời giông bão tiếp tục để lại dấu ấn trong lòng khán giả
Với ekip làm chung, Hoàng Trung giải quyết khó khăn bằng cách... năn nỉ. Khi có người nói cái này làm không nổi, đạo cụ này khó tìm quá, đánh kiểu này nguy hiểm lắm... thì đạo diễn im lặng. Sau đó trong giờ giải lao, Hoàng Trung mời họ uống cà phê và bắt đầu... năn nỉ. Mọi người cũng xiêu lòng và cố gắng hơn trong công việc.
Những ngày quay phim, Hoàng Trung chỉ ngủ 4giờ/ngày. Sau họp đoàn phim, rút kinh nghiệm trong ngày, anh đọc kịch bản đến 1 giờ sáng mới đi ngủ rồi thức dậy lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị cho công việc.
Đam mê, tập trung nghề đến mức mỗi phim làm xong, Hoàng Trung thường bị chìm đắm trong cảm xúc của phim cả tháng trời. Anh luôn ray rứt, tiếc nuối: giá như cảnh đó đặt máy quay chúc xuống hơn, giá như lúc đó chú ý tới ánh mắt của diễn viên hơn….
Hoàng Trung gọi đó là nỗi khổ, nỗi ám ảnh khó thoát ra được và cũng là niềm hạnh phúc, sung sướng chỉ có được khi làm nghề.
Những mảnh đời giông bão là bộ phim hình sự nhưng các tác giả đã không chỉ dừng lại ở nghiệp vụ điều tra, phá án với những nút thắt mở ly kỳ. Tuyến truyện phát triển theo chiều sâu tâm lý từng nhân vật và được đan cài chặt chẽ bằng những tình tiết hợp lý. Tôi thích cách đạo diễn Hoàng Trung sử dụng hình ảnh để kể chuyện và cách chỉ đạo diễn xuất hướng tới chiều sâu tâm lý của nhân vật thông qua ánh mắt của diễn viên…Tôi mong được xem thêm nhiều phim truyền hình như vậy. |