Xuất hiện chiêu lách trần lãi suất mới

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để “thổi còi” về việc trả lãi đối với tiền gửi rút trước hạn, một hình thức lách trần lãi suất.

NHNN “thổi còi” kiểu lách trần lãi suất

Ngày 21/6/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản số 3772/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc trả lãi đối với tiền gửi rút trước hạn.

Công văn số 3772/NHNN- CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nêu rõ, ngày 8/6/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 19/2012/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2011/TT-NHNN ngày 28/9/2011 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, theo đó lãi suất tiền gửi từ 12 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu thị trường.

Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng đã triển khai một số sản phẩm tiền gửi rút gốc linh hoạt, tiền gửi lãi suất bậc thang áp dụng cho kỳ hạn gửi tiền thực tế. Một số tổ chức tín dụng nhận tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng và cho phép người gửi tiền hưởng lãi suất trên 12 tháng khi rút trước hạn (sau 1 tháng hoặc 3 tháng…).

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đây là những hành vi vi phạm quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về lãi suất áp dụng trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng.

Do đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện các nội dung chỉ đạo.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc quy định về lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam tại Thông tư số 19/2012/TT-NHNN ngày 8/6/2012 và Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10/3/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định việc áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn.

Các tổ chức tín dụng không được cung cấp dưới mọi hình thức các sản phẩm tiền gửi nhằm tránh các quy định về lãi suất tại Thông tư số 19/2012/TT-NHNN và Thông tư số 04/2011/TT-NHNN; phải công bố công khai các quy định về tiền gửi trong hệ thống của mình tại các địa điểm huy động vốn theo quy định tại quy chế về tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004, niêm yết rõ các mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi rút trước hạn, các mức phí phạt (nếu có) đối với tiền gửi rút trước hạn và trường hợp áp dụng, thời hạn tối thiểu người gửi tiền phải thông báo trước khi có nhu cầu rút tiền trước hạn, mức thu phí đối với các dịch vụ liên quan đến tiền gửi…

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất tiền gửi theo quy định tại Thông tư số 19/2012/TT-NHNN và Thông tư số 04/2011/TT-NHNN việc thực hiện Quy chế về tiền gửi tiết kiệm và các nội dung khác tại công văn này.

“Trường hợp cần thiết, tiến hành ngay việc kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động đối với tổ chức tín dụng vi phạm”, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, đồng thời các đầu mối trên kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các tổ chức tín dụng vi phạm quy định của pháp luật về lãi suất tiền gửi, báo cáo Thống đốc kết quả xử lý.

Xuất hiện chiêu lách trần lãi suất mới - 1

Lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng hiện vẫn đang nhìn nhau "chạy"

Lãi suất tiền gửi vẫn đang nhìn nhau "chạy"

Sau cú “chơi trội” bằng lãi suất huy động 14%/năm của Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank), ngày 18/6 ngân hàng này cũng đã điều chỉnh giảm về 12,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng.

Hiện một số ngân hàng khác cũng đang áp dụng mức lãi suất huy động cao cho các kỳ hạn dài.

Chính thức áp dụng chương trình lãi suất tiết kiệm mới từ ngày 21/6, Ngân hàng Eximbank đã đưa ra khá nhiều lựa chọn cho khách hàng bằng các hình thức lãi suất khác nhau. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm, tiền gửi cá nhân kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 15 tháng là 8,2%/năm ( lĩnh lãi trước). Nếu lĩnh lãi sau các kỳ hạn này lần lượt có mức 9%, 9,2%/năm.

Ở gói lãi suất sản phẩm “Tiền gửi lãi suất ưu đãi” dành cho khách hàng gửi tiền từ 10 triệu đồng trở lên, Eximbank áp dụng mức cao nhất đanh cho kỳ hạn 12,13,15,18,24,36 tháng là 10,6% (lĩnh lãi hàng tháng) và 11% - 11,5%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.

Không dừng lại việc lãi suất kèm quà tặng, Eximbank còn “ra đòn” tâm lý với các khách hàng cá nhân là cha, mẹ gửi tiền gửi, chọn kỳ lĩnh lãi, hoặc gửi tiết kiệm gửi góp, cho con đứng tên thẻ tiết kiệm, được hưởng lãi suất bằng lãi suất sản phẩm khách hàng chọn gửi.

Eximbank treo thưởng, khách hàng có con học giỏi, hàng năm được Eximbank khen và trao thưởng, và được tham dự “Ngày hội thắp sáng tài năng trẻ” do Eximbank tổ chức….

Tại Ngân hàng ACB, hiện vẫn đang áp dụng mức lãi suất huy động điều chỉnh từ ngày 14/6. Theo đó, ở kỳ hạn 36 tháng, ACB niêm yết ở mức 12%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ) và 10,2%/năm, lĩnh lãi tháng.

Kỳ hạn 24 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ có mức 11,5%/năm, nếu lĩnh lãi tháng mức lãi suất sẽ là 11,1%/năm. Ở kỳ hạn 12 tháng lãi suất huy động của ACB có mức là 11%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ) và 10,4%/năm (lĩnh lãi tháng).

Ngân hàng HDBank cũng đang áp dụng mức lãi suất huy động từ ngày 11/6 ở mức cao nhất là 11,5%/năm (kỳ hạn 12,15 tháng, lĩnh lãi tháng).

Ngày 19/6, Ngân hàng Techcombank đưa ra bảng lãi suất tiết kiệm trả lãi trước áp dụng cho số tiền tối thiểu là 5 triệu đồng, 500 USD, 500 Euro. Cụ thể, kỳ hạn 12,13,15,18 tháng có mức lãi suất lần lượt là 9,79%, 9,69%,9,49%,9,19%.

Lãi suất tiết kiệm thường cũng được Tecombank áp dụng ở mức cao nhất là 11,9%/năm (kỳ hạn 36 tháng) và 11%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Khi thả nổi lãi suất huy động kỳ hạn dài, NHNN cho rằng, đây là cơ hội cho các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn theo kỳ hạn và cũng là bước đi để tiền tới dỡ bỏ trần huy động trong thời gian tới.

Theo một số chuyên gia kinh tế, cuộc đua lãi suất sẽ không đột phá như những năm trước, do NHNN đang khép dần ngân hàng yếu kém vào danh sách tái cơ cấu. Theo kế hoạch của NHNN, trong tháng 6 này, đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ được trình Chính phủ thông qua.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng tự “vỗ ngực” thanh khoản dồi dào, cũng đang phải nhìn ngó nhau, muốn vượt cũng phải chờ có người “nổ súng”, mà “nổ súng” rồi cũng phải nhìn nhau "chạy".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đinh Bách (VnMedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN