Lương 2,4 tỷ, nhân viên vượt mặt đại gia

Thông tin Vietinbank hào phóng trả lương cho cán bộ giỏi tới 10.000 USD/tháng đã khiến giới ngân hàng cũng như dư luận xôn xao.

Thực tế, về thu nhập của những người làm trong ngành ngân hàng, từ nhân viên tới các CEO vốn đứng hàng Top ở Việt Nam so với những người làm cùng vị trí ở ngành khác, thì lương các CEO ít nhiều đã được bàn luận thời gian qua, đôi khi còn được công khai, nhưng ít ai ngờ nhiều cán bộ giỏi của các ngân hàng cũng có thu nhập “khủng” không kém.

Mới đây, tại Hội nghị chuyên gia phân tích 2012 diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank tiết lộ, những cán bộ giỏi của ngân hàng được HĐQT chấp thuận trả lương tháng lên tới 10.000 USD (tương đương hơn 200 triệu đồng). Như vậy, lương cả năm của những cán bộ giỏi của nhà băng này ở mức 2,4 tỷ đồng, tương đương với CEO của ngân hàng thương mại tầm trung.

Thông tin trên đã khiến nhiều người ngạc nhiên, song đa số cán bộ quản lý, cấp cao của các ngân hàng đều không lạ gì chuyện này.

Theo một giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng thương mại cổ phần tầm trung, hiện lương của các vị trí giám đốc khối của nhiều ngân hàng cỡ vừa dao động quanh mức 5.000 USD mỗi tháng (tương đương hơn 100 triệu đồng). Với các ngân hàng lớn hơn, lương của những vị trí này cao hơn. Còn những cán bộ có thành tích xuất sắc thì họ có thể được đề bạt lên mức thù lao gấp rưỡi, gấp đôi.

Lương 2,4 tỷ, nhân viên vượt mặt đại gia - 1

Ngành ngân hàng dường như lại là ngành được hưởng lợi lớn hơn cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhà nhà thắt hầu bao. Ảnh minh họa.

Với các phó tổng giám đốc ở những ngân hàng cỡ vừa thì lương tháng dao động từ 6.000 đến 10.000 USD.

Theo một nhân viên của phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank ở Hà Nội, lương của giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của Vietinbank có thể dao động từ 60 triệu tới 70 triệu đồng/tháng, thậm chí có người còn được hưởng lương cả trăm triệu đồng. Các vị trí này tại Vietcombank cũng có thu nhập tương tự.

Hiện, trên các trang web tuyển dụng việc làm, nhiều ngân hàng sẵn sàng tìm người cho các vị trí như trưởng phòng tín dụng, pháp lý, quan hệ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp… với mức lương lên tới 2.000 – 2.500 USD/tháng. Thậm chí các chuyên viên tín dụng, quan hệ khách hàng, chuyên viên phòng đầu tư làm trong ngành ngân hàng dăm ba năm, họ cũng có thể kiếm được trên dưới 30 triệu đồng mỗi tháng là chuyện không hiếm.

Tất nhiên cũng như nhiều ngành khác, nhân viên ngân hàng khi mới vào, thu nhập cũng không cao. Theo một người từng làm nhân viên tín dụng của Agribank, thời điểm năm 2011, lương của nhân viên tín dụng mới vào tại Agribank ở Hà Nội là 4,5 triệu đồng. Khi anh này chuyển sang Vietinbank cũng thời điểm 2011, lương thử việc 3,5 triệu đồng/tháng. Khi vào biên chế, mốc lương ban đầu là 5,5 triệu đồng/tháng. Sau đó, cứ mỗi tháng lương tăng thêm 1 triệu đồng cho đến khi đạt 8 triệu đồng/tháng thì ngân hàng lại áp dụng cách tăng lương theo kiểu khác.

Như vậy, nhân viên ngân hàng nếu làm lâu năm thì mức thu nhập cao như dư luận đồn thổi không có gì là khó hiểu.

Số liệu từ báo cáo tài chính quý IV/2011 của một số ngân hàng cũng cho thấy mức thu nhập khá cao của nhân viên ngân hàng. Cụ thể, thu nhập bình quân hàng tháng của nhân viên Vietcombank quanh mức 22,4 triệu đồng, Vietinbank 20,76 triệu đồng, ACB khoảng 16 triệu đồng, Sacombank khoảng 14,7 triệu đồng/người/tháng…

Trong báo cáo tài chính của năm 2011 của nhiều ngân hàng có thể thấy, cơ cấu doanh thu từ các dịch vụ mà nhà băng cung cấp còn thấp nhưng chi phí cho tiền lương, nhân sự tăng mạnh theo từng năm. Tuy nhiên, đằng sau những con số khủng về thu nhập, tiền thưởng của nhân viên, cán bộ ngân hàng vẫn có nhiều con số không mấy đẹp khiến người ta không khỏi băn khoăn như tỷ lệ nợ xấu cao, lợi nhuận 2011 nhiều nhà băng sụt giảm so với các năm trước…

Kết quả công bố nợ xấu ngành ngân hàng năm 2011 được Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành năm qua là 3,39%, tăng 1,2% so với năm 2010. Con số này, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn chưa hoàn toàn phản ảnh đúng thực chất tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng. Bởi nếu phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam còn tăng lên 3 – 4 lần.

Trái ngược với những khó khăn mà các ngành khác của nền kinh tế gặp phải trong năm 2011, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành ngân hàng dường như vẫn được hưởng lợi lớn hơn cả. Liệu có là sai khi nhiều người chạnh lòng và bàn về câu chuyện chia sẻ của các ngân hàng với doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa thoát khỏi khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, công nhân mất việc…?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đông Nhiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN