Loạt nhà băng công bố lợi nhuận khủng năm 2021
Dù là ngân hàng giảm lãi nhiều nhất cho khách hàng thời gian qua, lợi nhuận năm 2021 của nhà băng này vẫn đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng khoảng 1.000 tỷ so với năm 2020.
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết trong năm 2021, mặc dù bối cảnh đất nước và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Agribank đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh.
Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Agribank đạt 1,68 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng.
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận khủng
Hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là huy động vốn và dư nợ tín dụng đạt lần lượt 1,56 triệu tỷ và 1,316 triệu tỷ đồng. So với cuối năm 2020, cả 2 chỉ tiêu này của Agribank đều tăng trưởng tích cực, lần lượt ở mức 7,5% và 8,5%.
Lợi nhuận năm 2021 của Agribank đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2020, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 13.200 tỷ.
Hiện Agribank và BIDV là 2 ngân hàng lớn nhất trong hệ thống TCTD về quy mô. Tại BIDV, cuối năm 2021, tổng tài sản đạt 1,684 triệu tỷ đồng, tăng 11%.
Năm 2021, Agribank cũng là ngân hàng tiên phong trong việc điều chỉnh giảm lãi suất, phí dịch vụ thanh toán hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và hoạt động an sinh xã hội về giáo dục, y tế, hỗ trợ phòng, chống Covid-19 với tổng giá trị lên đến 7.000 tỷ đồng.
Còn theo thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước, Agribank là ngân hàng giảm lãi nhiều nhất cho khách hàng trong thời gian qua. Tổng số tiền lãi giảm lũy kế của Agribank từ giữa tháng 7/2021 đến hết tháng 11/2021 là 5.176 tỷ đồng (đạt 90,8% so với cam kết); với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,41 triệu tỷ đồng cho gần 4 triệu khách hàng.
Trước đó, VietinBank cũng công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch đề ra (16.800 tỷ đồng).
Chia sẻ tại cuộc họp tổng kết của ngành ngân hàng mới đây, lãnh đạo BIDV cũng cho biết ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2021, tuy nhiên số liệu cụ thể không được ngân hàng tiết lộ.
Tại TPBank, nguồn thu lãi chủ yếu từ hoạt động cho vay và các dịch vụ của ngân hàng
Cũng là một trong những nhà băng công bố lợi nhuận năm sớm nhất, ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - TPB) cho biết tính đến hết năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của đơn vị này đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng.
Cuối năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt 295.000 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm vượt trên 17% kế hoạch. Đại diện ngân hàng này cho biết đã sử dụng toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng 23,4% mà Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Tổng huy động đạt trên 262.000 tỷ đồng, tăng 77.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó nguồn vốn huy động chủ yếu đến từ tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân.
Không chỉ hoạt động kinh doanh cho kết quả ấn tượng, giá cổ phiếu của ngân hàng này cũng đã tăng gấp đôi trong năm 2021.
Năm 2021, TPBank đã hai lần được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ, nâng tổng số vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 15.818 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu để chia cổ tức.
Nguồn vốn chủ sở hữu tăng thêm cùng nguồn vốn huy động chất lượng đã giúp TPBank nâng cao hệ số an toàn vốn. Tính đến hết năm 2021, hệ số an toàn vốn CAR của TPBank đạt gần 14%, cao gần gấp đôi mức 8% mà NHNN yêu cầu.
Trong năm 2021, giá cổ phiếu TPB tăng trưởng ấn tượng 101%, đưa giá trị vốn hoá của TPBank đạt hơn 2,8 tỷ USD. Bước sang phiên giao dịch đầu năm 2022 (4/1), cổ phiếu TPB tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng, tăng 4,1% và đóng cửa ở mức 42.750 đồng/cp.
Nguồn: [Link nguồn]
Dự án C-River View của Công ty CP C-Holdings liên tiếp dính sai phạm. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không những không chấp hành mà...