Lãi suất nợ cũ vẫn gần 20%/năm

Theo yêu cầu của NHNN, từ 15/7, lãi suất cho vay tất cả các khoản nợ cũ sẽ được đưa về dưới 15%/năm. Điều này cũng đã được một số ngân hàng công bố, nhưng kỳ thực hàng loạt khách hàng vẫn đang phải chịu lãi suất nợ cũ cao hơn mức nói trên từ 2%, 3%, thậm chí gần 5%/năm.

Trao đổi với PV ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, cho biết, hầu hết các ngân hàng (NH) thương mại đã công bố đưa lãi suất nợ cũ về dưới 15%/năm, nhưng vẫn chưa có các chế tài với những đơn vị sai phạm.

Nhiều khoản nợ vẫn phải chịu lãi suất cao

Hôm qua, 16/7, ngày thứ 2 áp dụng lãi suất nợ cũ 15%/năm, tình hình trên thị trường vẫn chưa có gì biến chuyển so với trước đó, ngoài việc một số NH đưa thêm các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, nhằm hạ lãi suất cho vay mới xuống. Ghi nhận ở nhiều NH, chi nhánh, phòng giao dịch các NH lớn như Sacombank, Vietcombank, OCB, Dongabank... vẫn chưa thấy niêm yết về giảm lãi suất nợ cũ. Giải thích về điều này, cán bộ một phòng giao dịch của Vietcombank cho biết, do đây là nợ cũ của khách hàng nên họ sẽ tùy vào hợp đồng để xử lý.

Tại Vietcombank, nhiều khoản lãi suất nợ cũ đã được giảm về 15%/năm (vay tiêu dùng), nhưng đại diện NH này vẫn cho biết “nếu hợp đồng lãi suất của khách hàng là lãi suất thả nổi, chúng tôi sẽ đưa lãi suất về 15%/năm. Nếu theo tháng, quý, năm thì lãi suất nợ cũ vẫn chưa thay đổi, vì tùy thuộc hợp đồng”. Cùng thời điểm này, Vietcombank đã đưa ra chương trình cho vay lãi suất mua nhà, xây, sửa nhà dành cho cá nhân với lãi suất năm đầu tiên là 12%/năm, chỉ áp dụng với những hợp đồng giải ngân trước 21/9. BIDV cũng đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ về dưới 15%/năm đối với các khoản vay của khách hàng doanh nghiệp và hộ dân. Đối với các khoản cho vay mới, BIDV áp dụng lãi suất cho vay tối đa không quá 15%/năm từ ngày 15.7. Riêng các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, khắc phục bão lũ), áp dụng lãi suất tối đa là 12%/năm, và khoản vay ngắn hạn của khách hàng có định hạng tín nhiệm cao thuộc lĩnh vực này thì lãi suất cho vay chỉ ở mức 11-12%/năm.

Thực tế, trong tuần trước, sau chỉ đạo của thống đốc NHNN, hàng loạt NH đã công bố hạ lãi suất cho vay nợ cũ về dưới 15%/năm, mở đầu là Vietinbank, Agribank, Tienphongbank, Oceanbank... Thế nhưng, thực tế, không phải tất cả nợ cũ đã được hạ lãi suất xuống dưới 15%/năm. Chẳng hạn, tại Agribank công bố từ 15/7, tất cả khách hàng không thuộc diện ưu tiên đều được vay với lãi suất dưới 15%/năm, nhưng chỉ cơ cấu lại nợ với lãi suất mới cho những khách hàng vay gặp khó khăn về tài chính, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi... Còn SHB thì cho biết đã cơ cấu khoảng 5.500 khoản vay, dư nợ hơn 8.500 tỷ đồng với lãi suất điều chỉnh xuống từ 13 – 16%/năm. Và SHB cũng thừa nhận, lãi suất trên 15% vẫn chiếm khoảng 35% tổng dư nợ của NH này.

Theo ghi nhận của PV và phản ánh của nhiều khách hàng, các khoản nợ của tại nhiều NH vẫn đang chịu lãi suất cao, và các NH vẫn chưa có ý định điều chỉnh xuống sau 15.7. Chị Tâm, một khách hàng của NH T., cho biết chị vẫn đang phải chịu lãi suất 19,98%/năm. “Tôi có xin làm lại phụ lục hợp đồng, nhưng NH nhất định không đồng ý giảm lãi suất cho tôi, mà giải thích lãi suất vay của tôi dựa vào lãi suất 12 tháng cộng với biên độ 7,5%/năm. Vì thế, hiện tại tôi vẫn phải chịu lãi suất đến 19,98%/năm”. Theo chị Tâm, lãi suất gần 20%/năm này sẽ phải duy trì suốt 3 tháng nữa NH mới áp lãi suất mới.

Chị Thùy, khách hàng của ACB, cho biết: “Hy vọng sau 15.7, lãi suất khoản vay của tôi có thể giảm về 15%/năm, nhưng NH có cái lý của họ. Tôi vẫn phải chịu lãi suất 17,5%/năm, dù tôi chưa bao giờ để nợ quá hạn, trả đầy đủ cho NH từ khi vay đến giờ”.

Lãi suất nợ cũ vẫn gần 20%/năm - 1

Việc đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% không phải ngân hàng nào cũng thực hiện nghiêm túc

Thiếu chế tài thì chỉ công bố... cho vui!

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết, NH này cũng đã cơ cấu lại các khoản vay và đưa ra nhiều gói lãi suất khác nhau. Tuy nhiên không phải tất cả các khoản nợ cũ đều có thể đưa về dưới 15%/năm. “Từ 15.7, nhiều khoản nợ cũ sẽ được hạ lãi suất xuống dưới 15%/năm, nhưng sẽ tùy theo độ rủi ro của từng sản phẩm mà lãi suất sẽ khác nhau. Không phải lãi suất khoản vay nào cũng dưới 15%/năm được”. Đồng thời ông Toại từ chối tiết lộ mức lãi suất cho vay cao nhất hiện nay ở ACB.

Ngay cả những NH cổ phần nhà nước cũng không hứa tất cả các khoản vay có thể về dưới 15%/năm được. Nhân viên tín dụng của một NH lớn, cho biết: “Mức vay tiêu dùng cao nhất, NH chúng tôi vẫn phải 15,5% - 16%/năm, không thì không thể bù đắp được chi phí đã trả cho những kỳ hạn lãi suất dài đã áp trước đó”. Cũng theo nhân viên này, NHNN cũng không dễ xử lý việc này, vì còn có những “hợp đồng kinh tế giữa NH với khách hàng”.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cho rằng nếu thiếu các mức xử phạt, hình thức xử phạt, thì việc áp trần lãi suất nợ cũ 15%/năm khó thực hiện triệt để. “Đã là biện pháp hành chính thì mọi cái phải có mức xử phạt cũng hành chính và phải đủ mạnh. Nếu không có chế tài cụ thể thì các NH chỉ công bố chiếu lệ, thực hiện lác đác và có khi chỉ công bố cho vui, vì... không làm thì cũng có ai phạt mình đâu”, ông Kiêm nói.

Sẽ theo dõi và xử phạt các NH nếu sau 15/7 không đưa lãi suất nợ cũ về dưới mức 15%/năm. Nhưng “phạt như thế nào và phạt mức ra sao thì... vẫn chưa có thông báo chính thức từ NHNN”. (Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Phương (Báo Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN