Đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0%: Liệu có làn sóng ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Ngay sau đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% của VAFI được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ nhiều chuyên gia kinh tế.

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương nêu đề xuất với nội dung hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.

VAFI đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm

VAFI đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm

Theo VAFI, mức lãi suất này hiện đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng, thậm chí, có một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi). Chính sách này nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5%), qua đó, kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.

Trong văn bản kiến nghị ,VAFI phân tích, các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2% - 0,7%/năm.

"Tại Việt Nam, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5%  - 6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình", VAFI nhận định.

Tuy nhiên, nhận định về đề xuất trên của VAFI, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đưa lãi suất tiền gửi về 0% là thiếu cơ sở và không khả thi, gây rủi ro cho nền kinh tế khi lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức cao.

TS. Cấn Văn Lực đề cập hiện tượng dịch chuyển của dòng tiền khi lãi suất giảm rất mạnh khiến dòng tiền đổ vào các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tương đối nhanh. “Đây là đề xuất không khả thi, thiếu thực tế. Điều này xảy ra sẽ làm náo loạn xã hội” – vị chuyên gia tài chính nói.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0% là không khả thi. Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi ở Việt Nam hiện vẫn ở mức 4 - 5%/năm, nếu hạ lãi suất sẽ dẫn đến hiện tượng người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng để đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản. Hơn nữa, chính sách này sẽ gây rủi ro cao cho nền kinh tế trong khi lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao, khoảng 4% trong năm nay.

“Việc đưa lãi suất tiền gửi về 0%, các ngân hàng sẽ gặp vấn đề về thanh khoản khi người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng. Khi đó, sẽ cần phải có bàn tay trợ giúp của ngân hàng Nhà nước để tiếp thêm thanh khoản, nếu không sẽ xảy ra khủng hoảng, biến động tài chính lớn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, VAFI đang nhầm lẫn giữa lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương và lãi suất thực tế của các ngân hàng thương mại. Theo chuyên gia này, một số quốc gia khi nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm đã đưa lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cơ bản về mức 0% chứ không ngân hàng thương mại nào trên thế giới có lãi suất tiền gửi 0%.

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng đang phục hồi khá tốt, GDP 6 tháng dự kiến tăng 5,8%, nhiều doanh nghiệp cũng đang khát vốn, sẵn sàng vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu với lãi suất 10 - 12% mà vẫn khó khăn thì đề xuất lãi suất tiền gửi 0% là không thực tế, thậm chí rất hài hước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất trên của VAFI không khả thi

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất trên của VAFI không khả thi

Trong phản hồi mới nhất được đưa ra ngày 23/6, VAFI tin tưởng rằng giải pháp này cũng sẽ thành công vang dội tạo bước ngoặt để đưa  kinh tế Việt Nam sang giai đoạn phát triển mới ở thời kỳ đầu của một quốc gia phát triển.

"Tất cả ý kiến phản biện đều có chung một điểm duy nhất quan liêu, là  không đọc toàn bộ văn bản của VAFI khi trả lời câu hỏi của báo giới. VAFI không bao giờ có cách phản biện như vậy khi không biết đầy đủ nội dung kiến nghị" - phía VAFI đánh giá.

Theo VAFI, giải pháp của hiệp hội này đã tạo một bước ngoặt trong chính sách ổn định tỷ giá, hạ thấp mặt bằng lãi suất huy động VND, chẳng những chấm dứt được tình trạng thiếu hụt ngoại tệ thanh toán mà hệ thống ngân hàng thương mại còn dư thừa ngoại tệ, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tăng mua dự trữ trong nhiều năm nay.

Hiệp hội này nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay không còn dư địa để giảm lãi suất tiền gửi và không thể tiến hành hạ nhanh lãi suất tiền gửi nội tệ. Muốn làm được điều đó phải ban hành 5 giải pháp và trong đó ban hành Luật thuế tài sản để "khóa" kênh đầu cơ đất là điều kiện tiên quyết .

Sau khi có 5 giải pháp được ban hành, mới tiến hành thực hiện giảm lãi suất theo nhiều đợt với mục tiêu về 0%. "Để có các văn bản như VAFI đề xuất thì thời gian tiến hành phải cần tới 2 năm nữa" - tổ chức này cho hay.

Về phía cơ quan quản lý là NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian tới, NHNN tiếp tục quán triệt yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay ra nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp. 

“NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế. Theo đó, NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với điều hành cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Tú thông tin.

Nguồn: [Link nguồn]

Liều mình ôm 200 triệu lên núi khởi nghiệp, 7x Bắc Kạn mỗi năm thu cả tỷ đồng

“Ở tuổi 45, khi trải qua đủ thứ nghề, tôi quyết định cải tạo ngọn đồi hoang gần nhà để thử sức với loại cây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN