Năm 2021, các lễ hội đầu xuân có được tổ chức không?

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, kinh tế, văn hóa của người dân, đặc biệt là vào dịp Tết đến xuân về.

Nhiều lễ hội đầu xuân 2021 có thể bị tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa.

Nhiều lễ hội đầu xuân 2021 có thể bị tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh minh họa.

Người Việt hay có câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” để nói về hoạt động sau Tết Nguyên đán, người dân thường đi du xuân, vãn cảnh, tham dự các lễ hội. Thông thường, sau Tết, nhiều lễ hội lớn, nhỏ trên khắp cả nước được tổ chức.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục quay trở lại và bùng phát ở nhiều địa phương. Hàng trăm ca dương tính tại nhiều tỉnh thành đã được ghi nhận. Đặc biệt, virus lần này là biến thể mới nên tốc độ lây lan nhanh chóng mặt.

Việc tổ chức các lễ hội và tập trung đông người tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 365 về việc thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Bộ yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05 của Thủ tướng ngày 28/01/2021 về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, triển khai theo các Công văn số 5050 ngày 31/12/2020 và số 165 ngày 15/01/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương, quyết định hoãn hoặc dừng tổ chức các sự kiện thể thao trên địa bàn. Chỉ đạo các cơ sở huấn luyện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục thể thao và các cơ sở hoạt động thể dục thể thao thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Tạm ngừng hoạt động tổ chức lễ hội, hoạt động dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường, các hoạt động văn hóa tập trung đông người đối với các địa phương có dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, các tỉnh có ca nhiễm COVID-19 theo công bố của Bộ Y tế như Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Gia Lai… có thể sẽ không tổ chức các lễ hội đầu xuân 2021.

Công văn 365 cũng yêu cầu các địa phương chưa phát sinh dịch bệnh giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế tại nơi tổ chức các hoạt động.

Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, người đứng đầu bảo tàng, rạp chiếu phim, thư viện... chịu trách nhiệm về việc giám sát, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường công tác vệ sinh, khử khuẩn theo quy định của ngành y tế tại địa bàn quản lý.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã ra Thông báo số 22 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo hạn chế tối đa các hoạt động có tập trung đông người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; đồng ý cho dừng một số hoạt động tập trung đông người không cần thiết; vận động hạn chế số người tham gia đám cưới, lễ tang…

Thực hiện nghiêm yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, khai báo y tế); xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang theo đúng quy định.  

Nguồn: [Link nguồn]

Thả cá chép và cúng ông Công ông Táo như thế nào cho đúng ý nghĩa?

Theo quan niệm dân gian Táo quân là vị thần định đoạt may, rủi, phúc họa cho gia chủ, ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Mở cửa thấy Tết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN