Phẫu thuật gọt hàm: Phức tạp và đau đớn

Phụ nữ thời hiện đại ai cũng muốn hướng tới vẻ đẹp hoàn mỹ, với những nét đẹp đặc trưng như mũi cao, mắt hai mí, mặt trái xoan.

Mũi cao đã có kỹ thuật nâng mũi, mắt hai mí có phương pháp cắt mí nhanh gọn. Còn mặt trái xoan? Ai cũng biết, việc can thiệp trực tiếp vào khung xương rất khó và đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp.

Tuy nhiên, ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thẩm mỹ, việc sở hữu một khuôn mặt trái xoan hoàn hảo đã không còn là mơ ước xa vời với các quý cô. Vậy nên, khi công nghệ gọt hàm ra đời, nó đã tạo nên một cơn sốt thật sự bởi tác dụng thần kỳ của mình.

Phẫu thuật gọt hàm: Phức tạp và đau đớn - 1

Nhiều cô gái sẵn sàng chịu đau đớn để có một khuôn mặt đẹp, thon gọn (Ảnh minh họa)

Khác với công nghệ độn cằm có vẻ nhanh gọn và dễ dàng hơn, PTTM gọt hàm rất phức tạp, không những vậy còn gây nên nhiều đau đớn và rủi ro bởi chúng lâu lành và dễ biến chứng. Dù vậy, đây vẫn là giải pháp tối ưu nhất cho những quý cô có khung xương hàm to hoặc bạnh. 

Trước khi tiến hành phẫu thuật, các chị em sẽ được các bác sĩ tư vấn tận tình và kiểm tra sức khỏe để xem liệu với tình trạng cơ địa của bạn có đủ để thực hiện cuộc phẫu thuật hay không. Tiếp đó, các bác sĩ sẽ chụp X-Quang hàm mặt để xác định tổng quát hình dáng xương hàm của bạn, sau đó xác định những vị trí cần cắt, gọt. Khoảng 6h trước khi tiến hành phẫu thuật, bạn cần phải nhịn ăn, vệ sinh răng miệng và xúc miệng bằng nước sát khuẩn.

Trong phòng phẫu thuật, bạn sẽ được gây mê toàn thân. Thông thường, có 2 loại phẫu thuật gọt hàm phổ biến nhất, đó là phẫu thuật can thiệp từ bên ngoài khuôn mặt và bên trong khoang miệng.

Phẫu thuật gọt hàm: Phức tạp và đau đớn - 2

Quy trình PTTM gọt hàm

Phương pháp can thiệp từ bên ngoài: Đây là một phương pháp khá phổ biến hiện nay. Bác sĩ sẽ mổ hai đường phía dưới góc hàm và cạnh dưới của má, sau đó bóc tách phần cơ mặt rồi dùng máy khoan, cắt xương để gọt xương hàm và mài dũa cho láng. Tuy vậy, phương pháp này để lại sẹo trên gương mặt và có tính thẩm mỹ chưa hoàn thiện.

Phương pháp can thiệp từ trong: Bác sĩ sẽ tạo một vết mổ bên trong miệng ở góc hàm của bạn, sau đó dùng máy phát sóng siêu âm đặc dụng có bước sóng cao để tiến hành gọt xương. Tuy nhiên, phương pháp này có độ khó cao hơn, dễ bị nhiễm trùng, chi phí cũng được nâng lên nhưng lại có tính thẩm mỹ vượt trội và không để lại sẹo.

Phẫu thuật gọt hàm: Phức tạp và đau đớn - 3

Nhiều người còn thực hiện thêm PTTM độn cằm sau gọt hàm để có được khuôn mặt chữ V như ý

Phẫu thuật gọt hàm cũng là một trong những kiểu phẫu thuật đòi hỏi bạn phải thật cẩn thận trong quá trình chăm sóc hậu phẫu. Bạn sẽ phải chườm đá liên tục trong 2 ngày sau phẫu thuật. Phải ép mặt bằng băng ép chuyên dụng, ép liên tục trong suốt 1 tuần đầu. Sau khi phẫu thuật từ 4-6 ngày, gương mặt bạn sẽ bị sưng và sau 1 tháng sẽ ổn định lại, nhưng phải đến 4-6 tháng sau thể trạng của bạn mới có thể phục hồi hoàn toàn và gương mặt mới thật sự có hiệu quả. Hơn nữa, người gọt cằm xong thường phải chịu những cơn đau khủng khiếp, thậm chí còn không thể ngủ được dù đã dùng thuốc giảm đau.

Một cuộc phẫu thuật gọt mặt sẽ tiêu tốn của bạn từ 40 - 60 triệu và sẽ mất khoảng từ 1-3 tiếng để thực hiện. Với độ phức tạp cao cũng như tiềm tàng nhiều nguy cơ biến chứng như liệt dây thần kinh nhánh bờ hàm dưới (liệt cơ bám da vùng môi), tổn thương ống thần kinh răng dưới, nhiễm trùng và thường gặp nhất là mất cân xứng mặt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tri thức trẻ
Những trường hợp, nhân vật thẩm mỹ đặc biệt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN