Bảo vệ da thế nào trong nắng nóng?

Một trong những quan tâm hàng đầu trong mùa nắng nóng với chị em phụ nữ là vấn đề giữ da không bị ảnh hưởng, không bị đen sạm cũng như ít chịu tác động của ánh nắng mặt trời.

Ánh sáng mặt trời mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng có những tác động không tốt, đặc biệt là tới làn da. Những tác động này có thể là nhất thời và chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ làn da, nhưng đôi khi là vĩnh viễn, thậm chí gây bệnh cho da.

Bảo vệ da thế nào trong nắng nóng? - 1

Cần đội mũ rộng vành và bôi kem chống nắng đúng cách khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Nắng gắt dễ làm “cháy” da

Theo các bác sĩ thẩm mỹ, dưới tác động của nắng gay gắt như vừa qua, da dễ bị kích ứng, nhẹ thì da hơi hồng, nặng hơn thì có màu đỏ tươi, thậm chí chuyển sang màu tím và có những nốt phỏng nước, tróc da. Kèm theo đó bệnh nhân có thể thấy rát, nóng, đôi khi hơi ngứa. Thường gặp hiện tượng này khi đi dưới trời nắng gay gắt (thường từ 11 đến 13h) và trong một thời gian dài (2 – 6h), vì trong khoảng thời gian này tia cực tím tập trung cao độ. Đặc biệt ở những người đã từng có tiền sử mẫn cảm với ánh nắng (như hay bị mẩn đỏ, rát ngứa ở những vùng da hở khi tiếp xúc với ánh nắng) thì càng dễ gặp hiện tượng này.

Một tác động khác dễ dàng nhận thấy là da sẽ bị đen xạm đi nếu tiếp xúc với ánh nắng nhiều. Dần dần theo thời gian, nếu da không được bảo vệ và chăm sóc hợp lý thì nám, tàn nhang, đồi mồi xuất hiện báo hiệu tình trạng da bắt đầu lão hóa. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong ánh sáng mặt trời có các tia UVA, UVB và UVC. Nếu như tia UVB làm cho da đen đi thì tia UVA lại có tác động lớn tới quá trình lão hóa của da.

Ngoài ra, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời liên tục và lâu dài là một nguyên nhân gây ung thư da. Bệnh này thường gặp hơn ở những người da trắng có thói quen tắm nắng, hoặc ở những nơi tầng ozon bị thủng, vì khi đó tia UVC được chiếu thẳng xuống mặt đất mà không được tầng khí quyển phản xạ ngược trở lại. Ánh nắng cũng là nguyên nhân làm khởi phát hoặc làm nặng thêm các bệnh về da, như herpes ở môi, trứng cá ở mặt…

Bôi kem chống nắng cần đúng cách

Theo bác sĩ Trần Thị Chung, Khoa Laser Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, hiện nay không phải ai cũng thực hiện đầy đủ các giải pháp chống nắng, đặc biệt là đa số bôi kem chống nắng vẫn chưa đúng phương pháp khoa học.

Theo BS Chung, để phòng tránh, chị em nên hạn chế tối đa việc ra đường vào khoảng 11 – 14h trong những ngày nắng gắt. Nếu bắt buộc phải ra ngoài nên dùng khẩu trang, mũ rộng vành, áo quần chống nắng, đặc biệt quan trọng là bôi kem chống nắng vào những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (chứ không chỉ là vùng mặt).

Những nguyên tắc bôi kem chống nắng cũng phải tuân thủ đầy đủ như bôi trước khi ra nắng từ 20 – 30’ và bôi nhắc lại 2h/lần nếu vẫn phải tiếp tục tiếp xúc với ánh nắng, hoặc ra mồ hôi nhiều. Tẩy trang sạch sẽ vào buổi tối để tránh tình trạng bám dính của kem trên da. Chị em cũng nên chọn những loại kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên (để bảo vệ da được lâu hơn) và có kí hiệu PA+ (ngăn chặn được cả tia UVA).

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Chăm sóc da nhờn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN