Đại gia tuần qua: "Rơi" từ đỉnh, gia đình đại gia Việt bay mất gần 20 nghìn tỷ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Với sự sụt giảm của HPG, khổi tài sản của đại gia Trần Đình Long cũng vì thế mà vơi đi.

HPG của tỷ phú Trần Đình Long đã giảm 21% từ đỉnh

Kết phiên giao dịch chứng khoán tuần qua vào ngày 7/1, HPG giảm 0,7% so với tham chiếu còn 45.800 đồng/cp, thấp hơn 21% so với đỉnh 58.000 đồng/cp thiết lập hôm 28/10.

Gia đình ông Trần Đình Long cũng thiệt hại khoảng 19.100 tỷ đồng trong hơn ba tháng qua.

Gia đình ông Trần Đình Long cũng thiệt hại khoảng 19.100 tỷ đồng trong hơn ba tháng qua.

Vốn hóa của Hòa Phát hiện nay là khoảng 204.900 tỷ đồng, tụt xuống thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở thời kỳ đỉnh cao, Hòa Phát có giá trị thị trường gần 260.000 tỷ đồng, tức là trên 11 tỷ USD.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và gia đình đang nắm giữ khoảng 35% tổng số cổ phiếu HPG đang lưu hành. Vốn hóa Hòa Phát giảm 54.600 tỷ đồng từ đỉnh đồng nghĩa với việc gia đình Chủ tịch Trần Đình Long cũng thiệt hại khoảng 19.100 tỷ đồng trong hơn ba tháng qua.

Chủ tịch, CEO Yeah1 dồn dập rút vốn ngay lúc công ty "chìm" trong khó khăn

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Yeah1 (mã chứng khoán: YEG) Nguyễn Ảnh Nhượng Tống vừa thông báo bán 3,7 triệu cổ phiếu trong thời gian từ ngày 10/1 đến 30/1 theo phương thức thỏa thuận để giảm tỷ lệ nắm giữ. 

Hiện tại, ông Tống là cổ đông lớn nhất tại Yeah1 với 7,7 triệu cổ phiếu, tương đương 24,7% cổ phần. Nếu chuyển nhượng hết 3,7 triệu cổ phiếu đăng ký, ông Tống chỉ còn sở hữu 4 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,9% cổ phần Yeah1.

Đáng chú ý, ngay trước đó, Tổng giám đốc Yeah1 Đào Phúc Trí cũng đã bán 1,2 triệu cổ phiếu YEG trên tổng số 1,5 triệu cổ phiếu sở hữu theo hình thức thỏa thuận. Sau giao dịch vào cuối tháng 12, tỷ lệ sở hữu của ông Trí tại Yeah1 từ 4,8% cổ phần xuống còn 1,1% cổ phần.

Cả Chủ tịch lẫn Tổng Giám đốc Yeah1 cùng bán ra hàng triệu cổ phiếu YEG khi thị giá mã này bật tăng sau thời gian dài ì ạch đi ngang. So với thời điểm đầu tháng 12/2021, cổ phiếu YEG tăng giá khoảng 40%. 

Ứng dụng giao đồ ăn Baemin thay Tổng Giám đốc

Ứng dụng giao đồ ăn Baemin vừa bổ nhiệm ông Jinwoo Song làm Tổng giám đốc tại Việt Nam từ đầu năm 2022, thay cho ông Kiwan Ihn, người sẽ đảm nhiệm vị trí mới là Giám đốc khu vực của liên doanh Woowa DH Asia.

Gia nhập Baemin vào tháng 4/2021 với vị trí Giám đốc chiến lược cấp cao, ông Jinwoo đã nhanh chóng tham gia vào các dự án trọng tâm của Baemin, giúp công ty tăng trưởng lợi nhuận, phát triển mô hình kinh doanh mới và thắt chặt các mối quan hệ giữa Baemin với những đối tác liên quan.

Baemin vừa bổ nhiệm ông Jinwoo Song làm Tổng giám đốc tại Việt Nam.

Baemin vừa bổ nhiệm ông Jinwoo Song làm Tổng giám đốc tại Việt Nam.

Với cương vị mới, ông Jinwoo sẽ chịu trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho các hoạt động của Baemin tại Việt Nam, bao gồm giao thức ăn, Baemin đi chợ, Bếp nhà Baemin (Baemin Kitchen) và Baemin Studio.

Ông Jinwoo cho biết: “Tôi biết rằng thị trường giao đồ ăn hiện tại vô cùng cạnh tranh và 2022 sẽ là một năm quan trọng mà Baemin cần tập trung vào vấn đề phát triển bền vững”.

Phó Tổng Giám đốc Coteccons từ nhiệm

Ông Phan Hữu Duy Quốc vừa có đơn từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) từ ngày 4/1/2022 vì lý do cá nhân. Trong đơn từ nhiệm, ông Quốc chia sẻ đây là quyết định khó khăn và ông hy vọng có cơ hội làm việc với Coteccons một lần nữa trong tương lai.

Trước khi chính thức tham gia Coteccons vào tháng 3/2021, ông Quốc là Phó Trưởng đại diện tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) và là nhân sự chủ chốt tham gia xây dựng phần ngầm của tuyến metro số 1.

Theo giới thiệu từ Coteccons, ông Quốc phụ trách việc phát triển và quản lý loạt dự án dân dụng, đặc biệt là mảng Thiết kế thi công (Design and Build) và đề ra chiến lược phát triển công nghệ mới (R&D).

Trước ông Quốc, nhiều nhân sự cấp cao đã rời Coteccons. Trong đó, bà Trịnh Quỳnh Giao từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT từ ngày 6/12/2021. Ông Michael Trần, cựu Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) cũng vừa rời Coteccosn vào cuối tháng 11/2021 sau khi gia nhập một năm. 

Nhà sáng lập trẻ sắp đưa "con cưng" lên Upcom

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận đăng ký giao dịch 5 triệu cổ phiếu của CTCP Big Invest Group với mã chứng khoán là BIG trên UPCoM. Ngày giao dịch đầu tiên vào thứ Hai tuần sau (10/1) với giá tham chiếu 10.900 đồng/cp.

Các cổ đông cũng như người điều hành công ty đều là những cá nhân 8x, 9x. Chẳng hạn như Tổng Giám đốc (TGĐ) Trần Thị Mưa Thao (sinh năm 1994), ông Võ Phi Nhật Quang, Phó TGĐ kiêm Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) sinh năm 1993 cùng người anh Võ Phi Nhật Huy - nhà sáng lập công ty đang làm Chủ tịch HĐQT mới 35 tuổi (sinh năm 1987).

Hiện hai anh em Nhật Quang và Nhật Huy đang nắm tổng cộng 46,68% trong tổng 50 tỷ đồng vốn điều lệ.

Nói thêm về ông Võ Phi Nhật Huy, ông đã tốt nghiệp thủ khoa Kiến Trúc của Đại Học Kiến Trúc TP HCM, từng gây chú ý vào năm 2017 khi tuyên bố tầm nhìn "Năm 2020 - IPO tại TP HCM 500 triệu USD; Năm 2025 - IPO tại New York 200 tỷ USD".

Nguồn: [Link nguồn]

Có thêm hơn 1.000 tỷ đồng, tài sản đại gia Trịnh Văn Quyết vượt 6.600 tỷ đồng

Chỉ trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2022, khối tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã tăng thêm hơn 1.000 tỷ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN