Đại gia thủy sản kẻ vào tù, người bỏ xứ vì... vỡ nợ!
“Nổi đình nổi đám” nhất trong số các đại gia thủy sản miền Tây một thời phải kể đến “Người đàn bà thờ cá” - Phạm Thị Diệu Hiền.
Đại gia Tòng “Thiên Mã” (ngoài cùng bên trái hàng trước) lúc sa cơ.
Khoảng những năm đầu thế kỷ 21, khu vực miền Tây Nam bộ nổi lên một loạt các “đại gia” ngành thủy sản như: Phạm Thị Diệu Hiền - nguyên Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco); Phan Bá Tòng (Tòng “Thiên Mã”) - Giám đốc Công ty TNHH Thiên Mã; Lâm Ngọc Khuân - Giám đốc Công ty Chế biến thủy sản Phương Nam... Nổi lên nhanh chóng nhưng không ít đại gia thủy sản sớm lụi tàn, người lâm vào vòng lao lý, người phải bỏ xứ ra đi...
Vang bóng một thời
“Nổi đình nổi đám” nhất trong số các đại gia thủy sản miền Tây một thời phải kể đến “Người đàn bà thờ cá” - Phạm Thị Diệu Hiền. Sinh năm 1961, quê ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, bà Hiền mồ côi từ lúc còn nhỏ, phải sống cùng người thân. Sau khi lập gia đình với ông Trần Văn Trí, những năm 80 của thế kỷ trước, bà cùng chồng mở xưởng kinh doanh đồ gỗ gia dụng. Năm 1998, bà thành lập Công ty Diệu Hiền xây dựng Khu Văn hóa Du lịch Bình An tại Sóc Trăng. Năm 2003, công ty đầu tư Dự án Khu dân cư, thuộc Khu đô thị mới Nam Sông Cần Thơ.
Đến năm 2005, bà bén duyên với con cá tra khi thành lập Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) với lĩnh vực hoạt động chính là nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Cũng trong năm đó, Bianfishco khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến thủy sản Bình An và khi khánh thành (tháng 11/2006), nhà máy đạt công suất 500 tấn cá mỗi ngày.
Quá trình điều tra xác định, từ năm 2009 đến tháng 3/2011, Phan Bá Tòng (Tòng “Thiên Mã”) đã chỉ đạo nhân viên lập khống các hồ sơ, chứng từ vay vốn tại VDB - Cần Thơ và sử dụng số tiền vay không đúng mục đích, chiếm đoạt và trả nợ trước. Sau khi xử lý tài sản đảm bảo và thu nợ tài sản là tiền gửi cầm cố, số dư nợ của Công ty Thiên Mã đến 31/3/2016 là 147,3 tỷ đồng. Hiện vụ án Tòng “Thiên Mã” đang được TAND TP Cần Thơ thụ lý giải quyết. Tòng đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an TP Cần Thơ chờ ngày hầu tòa. |
Sau khi hoàn thành nhà máy, công việc làm ăn của bà Diệu Hiền phất lên nhanh chóng khi doanh thu liên tục tăng từ 100 tỷ đồng năm 2007 lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2009 và đạt 1.163 tỷ đồng năm 2010. Đến năm 2011, với tổng giá trị xuất khẩu đạt 48,86 triệu USD, Bianfishco lọt vào top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và top 25 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu Việt Nam.
Bà Diệu Hiền cho rằng, con cá tra, cá basa là báu vật trời đã ban cho khu vực ĐBSCL, đem lại cuộc sống cho hàng chục vạn nông dân... Vì vậy, phải tri ân con cá. Từ đó, bà đã xây dựng miếu thờ cá ngay trong khuôn viên Nhà máy Chế biến thủy sản Bình An.
Bên cạnh đầu tư xây dựng nhà máy, khu nuôi cá như một resort, bà Diệu Hiền còn đầu tư xây biệt thự, tậu xe hơi hàng tỷ đồng. Bà là người đầu tiên ở khu vực miền Tây “tậu” xe Rolls - Royce hàng chục tỷ đồng lấy biển tứ quý 3.
Một đại gia thủy sản khác cũng nổi lên nhanh chóng là Phan Bá Tòng (còn gọi là Tòng “Thiên mã”, SN 1974), Giám đốc Công ty Thiên Mã, trụ sở tại KCN Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.
Xuất thân từ một gia đình khá giả ở Cà Mau, Phan Bá Tòng được học hành chu đáo. Tuy nhiên, từ nhỏ Tòng đã có ước mơ được ra nước ngoài sinh sống. Thực hiện ước mơ đó, Tòng đã tìm cách ra nước ngoài bằng đường biển bất hợp pháp nên bị giữ lại ở một hòn đảo trên biển Đông thuộc chủ quyền của Philippines. Không ngờ việc sống trên hòn đảo này một thời gian dài giúp Tòng tích lũy được vốn tiếng Anh kha khá, có thể tiếp xúc, nói chuyện bằng tiếng Anh với người nước ngoài.
Chính vì vậy, khi bị trả về Việt Nam, với vốn tiếng Anh học được, Tòng làm tiếp tân cho một nhà hàng ở Cần Thơ. Cuối những năm 1990, Tòng bỏ nghề tiếp tân để đầu quân cho một doanh nhân người Mỹ chuyên thu mua thủy sản xuất khẩu sang Mỹ. Sau đó, Tòng mở đại lý, làm đối tác thu mua thủy sản tại Cần Thơ để xuất hàng qua Mỹ.
Năm 2005, Phan Bá Tòng tách ra thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã. Từ đó, biệt danh Tòng “Thiên Mã” gắn liền với người đàn ông này.
Làm ăn thuận lợi, Phan Bá Tòng lần lượt xây dựng 3 nhà máy chế biến thủy sản; 12 trang trại nuôi khép kín quy mô 100 ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu 40.000 tấn/năm… Những lúc cao điểm, công ty của Tòng xuất khẩu 50-70 triệu USD một năm, giải quyết việc làm cho 3.000-4.000 công nhân...
Tòng “Thiên Mã” không giàu có bằng bà Diệu Hiền nhưng tính về độ chịu chơi thì không thua kém. Thời hoàng kim, đã có giai thoại Tòng “Thiên Mã” chi tiền cho một cuộc nhậu vài ba trăm triệu đồng, mời hàng chục ca sĩ chỉ để phục vụ cho một cuộc nhậu và tiền “tip” chỉ ngắt khúc chứ… không đếm. Tòng cũng tậu một chiếc Hummer H2 biển số tứ quý 3 và xe Camry tứ quý 9.
Một nhân vật tiếng tăm khác trong làng đại gia thủy sản miền Tây là ông Lâm Ngọc Khuân, Giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng). Đây là đại gia có khu biệt thự đẹp nhất nhì miền Tây một thời. Năm 1998, Khuân thành lập Công ty TNHH Phương Nam. Hai năm sau đó đổi tên thành Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam với vốn điều lệ hơn 290 tỷ đồng. Công ty gồm ba thành viên là Khuân, vợ và người cháu trai.
Thời gian đầu, công việc làm ăn suôn sẻ, công ty của Khuân phất lên như “diều gặp gió”. Đến năm 2010, doanh thu của công ty vào khoảng 120 triệu USD và lọt tốp 10 công ty thủy sản tiêu biểu.
Kẻ vào tù, người bỏ xứ
Trong lúc các đại gia thủy sản miền Tây đang phất lên, đua nhau xây biệt thự, sắm xe sang… thì đầu năm 2012 lại xuất hiện thông tin các đại gia này lâm vào nợ nần với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Đầu tiên là thông tin Công ty Bianfisco của bà Phạm Thị Diệu Hiền “vỡ” nợ gần 2.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng số tiền nợ mua cá tra của người dân là hơn 200 tỷ đồng.
Sau khi “vỡ nợ”, các ngân hàng và chủ nợ “nhảy” vào tái cơ cấu công ty, đại gia Phạm Thị Diệu Hiền phải xuất ngoại với lý do điều trị bệnh. Từ đó, đại gia này sống âm thầm, ẩn dật ở nước ngoài, lâu lâu mới về Việt Nam một lần.
Còn Công ty Bianfishco phải chuyển nhượng lại cho các chủ nợ. Theo thông tin từ Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, kể từ khi các ngân hàng nhảy vào tái cơ cấu và kiểm soát, hoạt động của công ty không được báo cáo.
Cũng vào cuối năm 2012, đại gia Tòng “Thiên Mã” tuyên bố công ty thua lỗ, mất khả năng thanh toán khoản nợ gần 600 tỷ đồng của các ngân hàng ở Cần Thơ, Hậu Giang và các doanh nghiệp, người dân nuôi cá… Siêu xe Hummer H2 và 3 căn biệt thự của Phan Bá Tòng lần lượt bị phát mãi để trả nợ.
Chưa dừng lại ở đó, Bộ Công an đã tiến hành điều tra hoạt động của Công ty Thiên Mã và ngày 31/3/2016, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an) phối hợp với Công an TP Cần Thơ tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt giữ và khám xét nơi làm việc, nơi ở của ông Tòng cùng kế toán trưởng công ty để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo một lãnh đạo Phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động thuộc Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Cần Thơ, trước đây khi mới công bố mất khả năng thanh toán nợ, Công ty Thiên Mã còn hoạt động gia công một thời gian. Nhưng kể từ khi Phan Bá Tòng bị bắt, công ty này đã ngưng hoạt động.
Trong khi đó, đại gia Lâm Ngọc Khuân cũng để lại một món nợ khổng lồ. Theo cơ quan công an, chỉ trong bốn năm (từ 2008 - 2012), công ty của Khuân đã vay nhiều ngân hàng với tổng số tiền lên đến trên 16.000 tỉ đồng. Khi Khuân bỏ trốn ra nước ngoài đã để lại món nợ trên 1.679 tỉ đồng, khiến 25 cán bộ ngân hàng vướng vào vòng lao lý. Toàn bộ tài sản của công ty đã bị chuyển giao cho các chủ nợ xử lý.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Công ty Thủy sản Thuận Phước: Kinh doanh cũng phải có nguyên tắc Cả anh Tòng, chị Hiền, anh Khuân và sau này còn rất nhiều người nữa kinh doanh trong ngành thủy sản đã gãy gánh giữa đường. Con cá tra những năm ấy phát triển mạnh mẽ. Họ chính là những người đưa con cá từ trong ao tù thành “nữ hoàng” trên thị trường quốc tế, có thương hiệu. Sự phát triển mạnh mẽ đó đã mang lại lợi nhuận lớn nhưng họ đều chưa có kinh nghiệm kinh doanh cá tra. Chị Hiền trước đó làm về giao thông, anh Tòng bán đồ ăn, anh Khuân kinh doanh con tôm. Nhanh giàu và sự nôn nóng làm giàu, họ bất chấp luật lệ và nguyên tắc kinh doanh, đó là đầu tư quá nhanh, quá lớn, gấp nhiều lần so với tài sản hiện có. Họ đi vay về làm và quên đi nguyên tắc trong kinh doanh mà tôi hay nói là hãy coi Thằng Bờm là ông tổ kinh doanh: Đồng nào mua dầu thì mua dầu, đồng nào mua dấm thì mua dấm. Tức là vốn lưu động không thể làm vốn xây dựng, cố định được, nhất là đồng tiền đi vay, vì nó làm cho vòng quay vốn đứng lại, đứng lại là đổ vỡ. Thứ hai, họ quên nguyên lý kinh doanh nữa là những nhà kinh doanh không thể phát triển doanh nghiệp theo nhu cầu của thị trường, cũng như không thể phát triển theo tham vọng của bản thân họ mà chỉ có thể phát triển được trong chừng mực có thể kiểm soát. Có nghĩa là họ phải tự tay thiết lập cơ chế, sử dụng tổ chức quản lý, dùng người có tài… nhưng họ đã không làm. Những người này thành công nhanh chóng nhờ thời cuộc cộng với năng khiếu bẩm sinh kinh doanh. Nhưng năng khiếu kinh doanh, giống như ca hát, hát hay nhưng muốn hát kỹ thuật như opera hoặc phát triển hơn nữa thì chắc chắn phải học. Có như vậy khi làm lớn mới tránh được đổ bể. Lưu Thủy (Ghi) |