Từ tình đến tiền, “bắt bài” ngay những chiêu thức lừa đảo gây sốc được cư dân mạng chia sẻ

Chẳng phải ứng dụng công nghệ, chẳng ai giục cập nhật phần mềm, ấy vậy mà những kẻ lừa đảo trên mạng vẫn luôn “cập nhật” mánh khóe của mình vô cùng đều đặn. Phải chăng, “KPI” vô hình của chúng là càng nhiều nạn nhân càng tốt? Hãy cùng #Chuyenlenmang chỉ điểm ngay những chiêu thức lừa đảo mới toanh từ những câu chuyện được cộng đồng mạng chia sẻ nhé!

Là trình duyệt nội địa Việt với hơn 25 triệu người dùng, Cốc Cốc đã phát động chiến dịch "Chuyện lên mạng", nhằm góp phần lan tỏa nhận thức về vấn nạn lừa đảo tới người sử dụng Internet.

Lifehacks hack ví tiền của chúng ta như thế nào?

Một người dùng đã chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười khi học theo bí quyết làm sạch thảm bằng dấm và bàn là của những kênh lifehack trên mạng. Kết quả là tấm thảm được tặng thêm một vệt cháy khét lẹt, còn khổ chủ thì nhận thêm vài “bài ca” từ bố mẹ.

Các video kể trên thường đến từ 5 Minutes Crafts, Blossom, Troom Troom - những kênh chuyên về DIY và lifehack (mẹo vặt cuộc sống) được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, thu về hàng chục thậm chí trăm triệu lượt xem.

Mặc dù phần nghe-nhìn được xử lý cực kỳ bắt mắt và dễ gây nghiện, nội dung thật sự của loạt video này lại có phần… nhảm nhí, vô lý và không đáng tin cậy. Hàng loạt video đã bị các chuyên gia và Youtuber khác bóc trần sự “giả trân”, sử dụng thumbnail chỉnh sửa quá đà để thu hút người xem.

Lừa sạch vốn khi đi tìm việc làm

Từ tình đến tiền, “bắt bài” ngay những chiêu thức lừa đảo gây sốc được cư dân mạng chia sẻ - 1

Người bạn này vô tình đọc được một bài đăng trên facebook tuyển nhân viên xâu hạt với mức lương lên tới 5 triệu đồng. Sau khi liên lạc thì chị gái đăng bài yêu cầu đặt vốn trước 1 triệu đồng rồi mới gửi hạt về, sau khi xâu xong chị sẽ trả 6 triệu. Sau đó thì… không có sau đó nữa. “Chủ thớt” đã nhận được một đống giấy vụn cắt nát trị giá 1 triệu đồng.

“Đu” idol K-pop tưởng như chỉ toàn màu hồng, ai ngờ cũng có những mảng màu xám xịt mang tên lừa đảo

Đây là một câu chuyện lừa tiền album khá có tiếng trong cộng đồng fan K-pop, được cư dân mạng liên tục chia sẻ trên các trang confession và các hội nhóm để nhắc nhở nhau. Một chủ blog tên J. nhận đặt album giá tốt, nhưng đến thời hạn trả hàng, J. lại lặn mất tăm với những lý do như: "Ôi điên thoại chị bị hư, chị không refund cho các em được"; "Thẻ chị bị khóa, các em gắng đợi nha"; "Ôi staff ở Hà Nội của chị gặp tại nạn"; "Ôi chị bị stress"...

Theo như danh sách đặt mua album được công bố thì có 118 người mua, trung bình một album có giá 300.00đ nên tổng số tiền J. lừa được của họ là 35.400.000đ. Chưa kể, một số bạn order 2 bản trở lên, thêm poster, ống tube, cùng nhiều đồ đính kèm khác thì số tiền đã lên tới 80.000.000đ.

Như để tăng thêm phần thuyết phục, trang blog của J. còn đăng tải nhiều nội dung ám chỉ J. đã…qua đời, nhưng nhiều người vẫn nhận ra sự “lươn lẹo” trong các bài đăng này khi tài khoản facebook của J. vẫn báo online đều đặn, bạn bè cũng không đưa ra được câu trả lời khi được yêu cầu xác thực thông tin.

Những giải pháp được cộng đồng mạng đúc kết sau những câu chuyện này

Đừng vội tin những lời nhắn, bài đăng có nội dung dưới đây:

- Việc nhẹ lương cao, thu nhập tới hơn 10 triệu/tháng

- Các nhãn hàng lớn tặng sản phẩm hoặc giảm giá 70-80%

- Trúng thưởng các mặt hàng giá trị cao như điện thoại, ô tô, laptop,...

- Yêu cầu nhập thông tin cá nhân, xác minh thông tin cá nhân tại đường link lạ

Bạn hãy kiểm tra thông tin bằng cách truy cập fanpage, đọc kỹ nội dung các bài đăng cùng phần comment. Thông thường, fanpage chính thức của nhãn hàng sẽ có tích xanh, đồng thời các bài đăng sẽ được trình bày gọn gàng, chỉn chu và sử dụng ít emoji. Cẩn thận hơn, bạn có thể liên lạc trực tiếp với nhãn hàng để xác minh thông tin.

Khi đi tìm việc, hãy rút lui ngay nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn phải đặt cọc tiền. Để tránh tiền mất tật mang, hãy tìm việc trên những trang tuyển dụng chính thống như TopCV, VietnamWorks,…Trước khi đi phỏng vấn, hãy tìm kiếm thông tin về công ty trên Google hoặc hỏi bạn bè, người thân để chắc chắn rằng đó không phải là công ty “ma”.

Ngoài ra, bạn có thể tạo một danh tính “dự phòng” trên mạng để thực hiện các giao dịch, trao đổi với người lạ. Bạn tuyệt đối không được để lộ thông tin như số CMND, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng,…khi chưa thật sự tin tưởng đối phương.

Có một sự thật là, nếu chúng ta tự nhận thức được về những chiêu trò lừa đảo trên mạng thì những kẻ lừa đảo sẽ không còn đất diễn. Có lẽ một địa điểm tổng hợp những chiêu trò lừa đảo sẽ là một cuốn cẩm nang hữu ích, giúp bạn nâng cao cảnh giác khi lên mạng. Vì vậy, đừng quên truy cập Chuyện lên mạng để chia sẻ trải nghiệm của mình, đồng thời trang bị thêm cho mình những biện pháp “chống lừa” hiệu quả nhé.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN