Nhà hàng, quán ăn thời 4.0 đã “online” đúng cách?

Mang hàng quán lên ứng dụng đang là xu hướng được nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống tại Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, liệu chỉ đơn thuần thiết lập sự có mặt "online" trên các nền tảng giao nhận thức ăn có đủ để các hàng quán "đổi đời"?

Hàng quán “đổ xô” lên ứng dụng

Thanh Tâm (kế toán) vừa chuyển văn phòng từ quận 5 sang Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM. Nơi làm việc mới của cô là một tòa nhà mới xây, hiện đại và sang trọng nhưng lại vắng bóng những cửa hàng ăn uống. Tâm cho biết: “Nếu không nhờ ứng dụng giao thức ăn, cô và các đồng nghiệp chỉ có cách đánh đổi giấc ngủ trưa để sang quận 1.”

Mỹ Dung có con gái hơn một tuổi, là sếp của một công ty tổ chức sự kiện tại quận 3, có những hôm họp với đối tác về muộn, cô phải vội vào bếp để nấu cơm cho chồng, sau đó tắm rửa, pha sữa, cho con đi ngủ. Giải pháp của Mỹ Dung cho những ngày bận rộn là cậy nhờ dịch vụ đồ ăn trực tuyến.

Những khách hàng như Thanh Tâm hay Mỹ Dung ngày càng nhiều. Hình thức kinh doanh mang hàng quán lên ứng dụng do đó ngày được đón nhận, kéo theo sự đổ bộ của nhiều thương hiệu ăn uống, từ bình dân đến cao cấp lên các ứng dụng giao thức ăn. Loại hình này theo đó giúp các hàng quán giải quyết vấn đề về chi phí vận hành kinh doanh đắt đỏ hiện nay.

Nhà hàng, quán ăn thời 4.0 đã “online” đúng cách? - 1

Quán bún nem nướng Hoàng Cẩm (Quận Phú Nhuận, TP.HCM) bị “phục kích” bởi đội shipper công nghệ vào giờ cao điểm

Hàng kinh doanh bún nem nướng Hoàng Cẩm tại quận Phú Nhuận, TP.HCM dù chỉ có khoảng 2 bàn cho khách ngồi ăn tại quán nhưng  lúc nào cũng tấp nập người giao hàng thuộc các ứng dụng công nghệ. “Thay vì tốn kém một khoản lớn cho tiền thuê “mặt tiền” đẹp, nhân viên, shipper... tôi chỉ cần đăng thông tin, hình ảnh, biểu giá lên ứng dụng, lượng đơn hàng kể từ đó cũng tăng lên vù vù", anh Cẩm, chủ quán cho biết.

Ngoài mặt bằng, chi phí tiếp thị cũng là một vấn đề khiến không ít chủ quán đau đầu. “Từ ngày hợp tác với các ứng dụng, tôi thấy tên tuổi của quán mình như được “thơm lây" nhờ việc tăng số lần “hiển thị" thông qua những chương trình khuyến mãi. Ngoài ra, quán cũng được kha khá “khách lạ" ghé mua dù nằm sâu trong hẻm, bên cạnh những thực khách online", anh Cẩm nói thêm. Dường như, đưa hàng quán lên “chợ ảo” một lần nữa chứng tỏ sức hút đối với các chủ quán trong thời đại 4.0.

"Hiển thị" trên app liệu đã đủ?

Việc tham gia vào các nền tảng giao nhận thức ăn có giúp hàng quán thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Theo đó, việc quan trọng đầu tiên là đặt cho mình một tên gọi “online" thật rõ ràng và nổi bật. Một trong những “công thức" chuẩn để hàng quán, đặc biệt là quán ăn nhỏ lẻ có thể dễ dàng được “search” ra trên ứng dụng là sự kết hợp của tên món ăn cùng với tên riêng của quán.

Điều này được lý giải bởi người dùng có thói quen tìm kiếm tên món ăn rồi mới lựa chọn sau khi được ứng dụng gợi ý. Ngoài ra, một cái tên riêng còn giúp hàng quán tăng độ nhận diện thương hiệu, đặc biệt giúp những “khách hàng trung thành" có thể tìm thấy quán ăn một cách nhanh chóng.

Nhà hàng, quán ăn thời 4.0 đã “online” đúng cách? - 2

Việc “lên app” cùng với một “công thức" đặt tên chuẩn sẽ giúp hàng quán bội thu đơn hàng

“No bụng đói con mắt” – ngoài tên gọi, hình ảnh sẽ là thứ đập vào mắt thực khách đầu tiên. Việc đầu tư hình ảnh minh họa chất lượng, bắt mắt sẽ tác động không nhỏ đến số lượng đơn hàng và con số lợi nhuận sau này. May mắn, hầu hết các dịch vụ giao thức ăn hiện nay đều rất nhiệt tình hỗ trợ hàng quán trong việc “thay áo" quán ăn trên ứng dụng. Nói như đại diện một ứng dụng hiện đang phát triển rất nhanh trong khoảng gần 1 năm nay thì đây là cách các dịch vụ giao nhận thức ăn sử dụng công nghệ phục vụ cộng đồng (Tech for Good), tất cả các bên tham gia nền tảng cùng có lợi.

Thêm vào đó, mặt bằng kinh doanh “đẹp”, thuận tiện cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt đối với những hàng quán có chủ trương kinh doanh ở cả hai mặt trận “online” và phục vụ tại chỗ. “Sau khi kinh doanh trên ứng dụng được một thời gian, phía GrabFood có đề xuất và hỗ trợ tôi tìm mặt bằng có đông người qua lại, giao thoa nhiều nơi có khách hàng tiềm năng để bán được nhiều nhất có thể, cũng như thuận tiện giao hàng hơn”, chị Tuyền, chủ quán bánh tráng trộn Cô Tuyền tại quận 3, TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, trong thời buổi vệ sinh an toàn thực phẩm được ưu tiên hàng đầu, những địa chỉ chú trọng vào quy chuẩn và quy trình đóng gói minh bạch, đảm bảo hợp vệ sinh sẽ giành được điểm cộng lớn khi tham gia vào những ứng dụng đặt món. Một số hàng quán còn tận dụng in thông tin của mình lên hộp đựng thức ăn, ly nước để góp phần tạo độ nhận diện thương hiệu của riêng mình. 

Có thể nói, để thành công trên lĩnh vực có sức cạnh tranh lớn, kể cả đơn vị kinh doanh thực phẩm và đơn vị công nghệ đều phải tìm ra phương án hòa hợp lẫn nhau. Ứng dụng đặt món theo đó cần đặt ra chiến lược lâu dài, giải quyết bài toán kinh doanh trực tuyến cho những hàng quán trong thời đại 4.0.

Ở khía cạnh ngược lại, các hàng quán cũng nên cân nhắc lựa chọn cho mình một nền tảng giao nhận thức ăn đáng tin cậy. Đồng thời không nên hoàn toàn dựa dẫm vào các ứng dụng, mà nhất thiết phải đưa ra sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh, liên tục cải tiến công thức phù hợp khẩu vị thực khách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN