Phiếm đàm: Lợi ích Tết ta từ ba góc nhìn

Những tranh cãi gần đây liên quan đến vấn đề "Tết "tây" - Tết "ta" vẫn chưa có hồi kết với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Tết "ta" càng đến gần thì những cuộc tranh cãi này càng trở nên sôi động hẳn lên. Tuy nhiên, để đánh giá một cách công bằng nhất những mặt được và chưa được của Tết "ta" phải dựa trên sự phân tích ở nhiều góc độ khác nhau.

Từ đó mới tạo ra được một cái nhìn tổng quan và một suy nghĩ thấu đáo để quyết định nên hay không nên bỏ Tết 'ta" theo Âm lịch và thay bằng Tết "tây" theo Dương lịch.

Tạo ra hiệu ứng... chính trị

Xét trên góc độ chính trị, Tết "ta" là một dịp để bạn bè thế giới cũng như dư luận trong nước nhìn nhận về sự phát triển của nền chính trị Việt Nam. Đây chính là dịp mà Nhà nước cũng như các nhà lãnh đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ người nghèo đón Tết.

Không hẳn là các chương trình mang tính chất hỗ trợ này chỉ có nhiều, khi có Tết, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy rằng các chương trình dịp này mang tính nhân văn và tạo ra hiệu quả thu hút hơn hẳn những dịp khác trong năm.

Tạm bỏ qua những câu chuyện tham nhũng liên quan thì chính những điều này tạo ra một hiệu ứng chính trị hết sức hiệu quả, góp phần quảng bá hình ảnh một nền chính trị ổn định của Việt Nam. Còn những người được hưởng lợi từ các chính sách, chương trình đó, dĩ nhiên cũng sẽ có một cái Tết ấm cùng và tin vào một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tết "ta" cũng là dịp mà Nhà nước tạo nhiều điều kiện tốt để kiều bào cũng như du khách từ khắp nơi trên thế giới về lại quê hương đón Tết cổ truyền theo đúng truyền thống. Từ đây có thêm nhiều cơ hội cho kiều bào, du khách quốc tế hiểu rõ hơn về Việt Nam và tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác ở các cấp độ khác nhau.

Phiếm đàm: Lợi ích Tết ta từ ba góc nhìn - 1

Tết "ta" là một dịp để bạn bè thế giới nhìn nhận về sự phát triển của nền chính trị Việt Nam. Ảnh minh họa

Cơ hội bán hàng có lãi nhất

Xét trên góc độ kinh tế, Tết "ta" nghỉ khá dài. Nhưng như thế không đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ "nghỉ". Tết "ta" chính là dịp để nền kinh tế Việt Nam kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là lĩnh vực chuyên về đồ ăn, thức uống, dịch vụ.

Tết "ta" là cơ hội để các doanh nghiệp tung ra nhiều sản phẩm mới với những đợt quảng cáo, khuyến mãi ồ ạt và rầm rộ. Và một thực tế cũng không thể phủ nhận với đa số doanh nghiệp thì đây chính là dịp bán hàng có "lãi" nhất về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong một năm tài khóa.

Xét về nghĩa đen thì "lãi" ở đây chính là doanh thu, là lợi nhuận có được từ việc bán hàng. Còn xét về nghĩa bóng, "lãi" còn là hiệu quả của việc quảng bá thương hiệu, cũng như những ấn tượng tốt đẹp đọng lại trong lòng người tiêu dùng.

Dạo gần đây thì các cư dân mạng đã truyền tay nhau một đoạn clip quảng cáo cảm động của nhãn hiệu một loại dầu ăn. Điều này khiến cho thương hiệu này ngày càng trở nên đẹp hơn trong suy nghĩ của người tiêu dùng. Chẳng phải đây là một lợi ích to lớn mà Tết "ta" đã mang lại cho các doanh nghiệp hay sao?

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cũng tranh thủ cơ hội này để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Mặc dù khó có thể đánh giá và so sánh các yếu tố "từ thiện" này là thật sự hay chỉ lợi dụng từ thiện để làm kinh tế ở đây. Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là tính nhân văn đã được quảng bá và nhân rộng qua những chương trình như thế.

Tết "ta" cũng là dịp để các doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm của mình, đến lực lượng nhân viên thông qua việc thưởng Tết. Việc thưởng nhiều hay ít phản ánh tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó trong suốt một năm qua.

Người già nhìn lại, người trẻ nhìn tới

Xét trên góc độ văn hóa thì Tết "ta" rõ ràng là một nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt Nam. Đây chính là dịp để "người già nhìn lại, người trẻ nhìn tới". Khoan xét về các vấn đề tốn kém, thì Tết "ta" chính là một dịp ý nghĩa, để các bậc ông bà, cha mẹ vui vẻ cùng con cháu, các bậc con cháu thể hiện lòng biết ơn của mình.

Đây cũng chính là dịp của đoàn tụ và sum họp gia đình. Bất cứ một người Việt Nam nào khi đi xa mà chẳng mong háo hức một ngày trở về trong dịp Tết.

Thử hỏi các công nhân hay các sinh viên xa nhà (cả trong và ngoài nước) xem có ai không mong đến dịp Tết để được đoàn tụ với gia đình? Rõ ràng là Tết "ta" không chỉ là một dịp lễ mà còn là một nét văn hóa đặc trưng đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam.

Tết "ta" còn là một là một tập quán văn hóa rất bản sắc để người Việt Nam mang ra "khoe" với thế giới như là một cách để giới thiệu về đất nước Việt Nam.

Việc thay Tết "ta" bằng Tết "tây" là một vấn đề lớn và còn phải bàn lại rất nhiều. Bởi bên cạnh những yếu tố tiêu cực như một số người đã phân tích thì chúng ta cũng không thể phủ nhận các lợi ích to lớn cả về vật chất và tinh thần mà Tết "ta" tạo ra. Những lợi ích của Tết "tây" là điều cũng dễ dàng nhận thấy nhưng ai dám khẳng định là Tết "tây" sẽ không có tiêu cực?

Một quốc gia phát triển bền vững không phải là một đất nước chỉ mạnh về kinh tế. Hoặc nói rộng là mạnh về các yếu tố mang tính vật chất, mà còn phải là một quốc gia dung hòa được các yếu tố văn hóa mang tính truyền thống với những lợi ích chung của xã hội.

Và Tết "ta" chính là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc cần phải được dung hòa một cách hợp lý với các lợi ích đó chứ không phải là bỏ đi để thay thế bằng một cái Tết theo phong cách phương Tây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN