“Phây” phiếm: Lợi thì có lợi

Thậm chí chưa thèm đọc xem bạn viết gì họ đã vãi like tung tóe, lý do là "cho nó một like cho nó sướng"!

Facebook đã trở thành một món ăn tinh thần khó thể thiếu đối với các bạn trẻ và cả một bộ phận người trung niên, người cao tuổi. Nó còn là nơi giao lưu của các “sao”, người nổi tiếng với các fan hâm mộ và nó cũng là một kênh quảng bá sản phẩm, dịch vụ khá hữu hiệu của các công ty, tổ chức, cá nhân tới khách hàng.

Bên cạnh những lợi ích của Facebook (FB) như: Rất thuận tiện để gắn kết mọi người với nhau, khiến dễ dàng nhanh chóng biết được thông tin của những người thân, bạn bè ở xa, là chỗ lưu trữ các bức ảnh cá nhân, tập thể, các bài viết, tư liệu, giới thiệu sản phẩm, kêu gọi sự ủng hộ trợ giúp từ cộng đồng…v.v… thì FB cũng gây ra vô số phiền toái nếu bạn bỗng dưng có tình cảm trai gái ngoài luồng với một ai đó trên mạng, bạn không biết chọn lọc thông tin để đưa lên hoặc dành quá nhiều thời gian cho nó.

Mất bạn bè

Có anh chàng để nhằm trêu đùa một anh bạn, anh ta lập ra một nick “ảo tung chảo” giả vờ là một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, cá tính làm quen với anh bạn kia. Ngay lập tức anh bạn “háu gái” nói trên đã mắc mưu, thôi thì đủ lời ong bướm được buông ra để tán tỉnh cô nàng ảo. Như thường lệ, sau một thời gian tặng hoa, tặng quà bằng hình ảnh, nhận vô số lời chúc tốt lành buổi sáng, chúc ngủ ngon buổi tối, những câu “nổ” không biên giới, những lời tâm sự, tư vấn, bày tỏ thâu đêm qua tin nhắn FB thì cô nàng ảo kia cũng “đổ” cái rụp, còn anh bạn kia thì cũng chuếnh choáng men say tình yêu thực sự. Khi anh ta xin số điện thoại, địa chỉ để hẹn hò ngoài đời thì bất ngờ cô gái ảo hiện nguyên hình mình là ai.

Anh chàng giả gái chỉ coi việc này như trò giải trí bình thường nhưng anh chàng “háu gái” kia thì đã xấu hổ tới mức chỉ mong đất nứt ra một chỗ để chui xuống, chưa hết, hầu như các bạn bè thân thiết khác đều biết chuyện này, do cô gái ảo kia đã “đồng gửi” những lời si tình, khoác lác của anh chàng cho cả nhóm. Từ đó anh chàng “háu gái” hủy luôn trang của mình và vĩnh viên không gặp lại nhóm bạn bè ấy nữa. Vậy là từ chỗ giao lưu, chia sẻ kết nối bạn bè, FB đã đánh dấu một vết sẹo vào tâm hồn anh chàng ấy.

Thay đổi tâm tính

Một anh khác đã có vợ, bắt đầu tập tành “phây búc”, comment, chát chít, like suốt ngày, vợ sinh nghi bèn lập nick ảo giả vờ là gái trẻ có cuộc sống không hạnh phúc để thử lòng chồng, chỉ một thời gian ngắn, cá đã cắn câu. Chàng lập tức xin số điện thoại để hẹn hò, cô nàng cũng cho nhưng hai người thống nhất chỉ nhắn tin để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của nhau. Rồi đến một ngày chàng không chịu nổi và nàng cũng sẵn sàng cho một cuộc hẹn. Tại quán cà phê anh chồng như Từ Hải chết đứng vì gặp ngay cô vợ của mình với đầy đủ bằng chứng tình yêu không thể chối cãi mà nàng đem theo trong chiếc máy tính bảng. Hồi kết câu chuyện tuy không quá bi thương, nhưng chỉ biết rằng kể từ đó anh chàng thay đổi hết sự uy phong thường ngày, về đến nhà là “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, nhắc đến vợ là sợ dúm, sợ dó, thường xuyên bị bạn bè đặc biệt là các đồng nghiệp nữ đem ra làm trò cười, không dám giao lưu với ai.

Nổi tiếng một cách tiêu cực

Có hotgirl chưa lấy gì làm nổi tiếng lắm, cô muốn lấn sân sang lĩnh vực showbiz, nhưng ngoài ngực to, mông khủng cô chẳng có tài năng gì. Vậy là cô quay video, tung các hình ảnh nóng bỏng không mặc áo ngực, uốn éo với quần chíp bé bỏng rồi tung lên FB, lập tức trang của cô nhận được hàng ngàn like, vô số comment “khích lệ” của cánh đàn ông và cũng ngần ấy bình luận không mấy thiện cảm của chị em phụ nữ. Rất nhanh chóng cô trở nên nổi tiếng. Các sự kiện lớn đã mời cô tham dự, các báo mạng nhờ cô mà số người đọc, người nhìn tăng vùn vụt. Thấy bở, vô số các cô gái khác cũng đua nhau làm theo, tưng bừng trên FB. Sự nổi tiếng có được nhờ các tai tiếng trên FB có tốc độ nhanh đến chóng mặt!

Những hành vi xấu và vô đạo đức

FB cũng giúp các “phóng viên” mạng xã hội nước ta phơi bày lên đó những hình ảnh thể hiện các hành vi không thể xấu hơn của cộng đồng như: Tranh cướp đồ khuyến mãi, chen lấn giẫm đạp để tranh giành miếng ăn miễn phí, cướp giật hôi tài sản của các nạn nhân bị tai nạn giao thông, đánh đập phụ nữ, trẻ em, người già ngay trên đường phố…

Cư dân mạng gần đây cũng nổi giận, căm phẫn khi chứng kiến vô số những hành động lời nói rất rùng mình khủng khiếp được tung lên FB, thể hiện một văn hóa đáng báo động, có thể coi là vô giáo dục, suy đồi đạo đức của không ít các bạn trẻ. Nào là lời lăng mạ cha mẹ của một nữ sinh khi các bậc sinh thành không cho tiền mua điện thoại, kế đó một nữ sinh khác lên FB chửi rủa cả thầy cô giáo của mình khi phụ huynh được mời đến trường, chưa hết, một nữ sinh khác (lại là nữ sinh) chế lời, xuyên tạc bậy bạ lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của lãnh tụ để thóa mạ nhà trường…

Bên cạnh đó cũng không ít các bạn trẻ đã lên FB để chửi bới xúc phạm người dân một số địa phương, tỉnh thành ở Việt Nam, gây phân biệt vùng miền và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chán chửi kiểu này thì họ biến thành anh hùng bàn phím quay sang chửi cả làng cả tổng. Thậm chí họ vào cả trang FB của tỉ phú Bill Gates để văng tục, chửi bậy khi ông chia sẻ một đường link bài báo có hình ảnh “lạ mắt” về đường dây điện Việt Nam… Nói tóm lại FB luôn chứng kiến có một bộ phận thanh thiếu niên hay vui miệng, luôn luôn có nhu cầu chửi bới một thứ gì đó mà họ không thích, hoặc đơn giản là chửi cho sướng mồm mà không cần để ý hậu quả, bất chấp thế giới nghĩ gì, có làm nhục quốc thể hay không!?...

Bị ghét

Người ta thống kê được rằng, bạn sẽ là người sử dụng FB bị khá nhiều người ghét nếu như bạn thường xuyên thể hiện những điều sau đây trên trang của mình:

- Viết những dòng trạng thái khó hiểu, vô nghĩa và ngớ ngẩn kiểu như: “Ôi chán quá!”, “lại kẹt xe”, “đau bụng quá”… Đảm bảo với lối “vãi những nỗi buồn vô hồn”  thế này sẽ khiến những bạn bè đánh giá bạn là những người tẻ nhạt, nhàm chán, hay kêu ca và thiếu nghị lực sống. Có nhiều người còn cố tình viết status kiểu này để thăm dò tình cảm của những người xung quanh. Nhưng đó thực sự là một sự tra tấn với những người phải đọc nó.

- Liên tục đăng nhưng bức ảnh tự sướng tạo dáng với “xì tai” ná ná nhau hoặc những câu cửa miệng rất quen thuộc:  Đó là những bức ảnh mắt mở to, phồng mồm, giơ hai ngón tay hình chữ V và viết những câu: “chào mọi người, chúc một ngày tốt lành” kèm theo hình ảnh một cốc cà phê hay một thứ đồ uống nào đó. Thậm chí phản cảm hơn nếu bạn đăng những bức hình “tự sướng” thể hiện việc bạn đang khóc… đẹp ra sao trong một đám tang khiến nó giống cái sự “hạnh phúc của một tang gia” (chữ của Vũ Trọng Phụng trong tác phẩm “Số Đỏ”).

- Khoe khoang: Có 5 sản phẩm khoe trên FB mà bạn lạm dụng nó sẽ bị cộng đồng phát ói vì bạn, đó là khoe sự thành công, sự giàu có một cách lố bịch; khoe đang ăn những món ăn xa xỉ ở nhà hàng, khách sạn sang trọng cho bạn bè lác mắt; khoe những hình ảnh tình tứ lãng mạn như đang ở “nhà nghỉ” với người tình; khoe thường xuyên xuất hiện ở những chỗ vip, những địa điểm du lịch nổi tiếng cho mọi người thán phục, ngưỡng mộ; khoe con cái liên tiếp bằng cách chụp hàng chục tấm ảnh trong ngày của đứa bé theo cách, đây là “Tí đang ăn”, “Tí đang ói”, “Tí đang ị”, “Tí đang ư ử”…v.v… và v.v…

Còn một số kiểu “đáng ghét” nữa trên FB nhưng không nhiều như: Liên tục nói xấu người khác, bình luận mang tính chất vùi dập và trịch thượng dạy đời với bạn bè dưới phần comment của họ, hoặc cứ ít phút lại cập nhật thông tin kiểu như “Mới tắm xong”, “Vừa uống một ly rượu”, “Mới đi siêu thị về”, “Toilet thật sảng khoái”…v.v

Gây nghiện và mất thời gian

Nhiều người nghiện FB đến độ trang của họ luôn ngập tràn các trạng thái, hình ảnh thể hiện đầy đủ “tứ khoái” của con người. Họ online 24/24, hễ lúc nào có một thông báo mới của bạn bè, lập tức có “like” hoặc “comment” của họ. Nói vui thì những người này nếu chỉ cần 1 giờ không thấy sự xuất hiện của họ trên FB thì lập tức bạn bè có thể gọi 113 báo mất tích hoặc gọi 115 đưa đi cấp cứu.

FB dễ dàng gây nghiện bởi vì cảm giác “sung sướng ảo” của nó tạo ra cho bạn. Khi bạn đăng một bức hình, một bài viết, rất có thể sẽ có hàng tá bạn bè vào “like”, nhiều người trong số này “like” là để trả ơn cho bạn vì hôm trước bạn đã like cho họ, một số khác thì “like” kiểu ban ơn, thậm chí chưa thèm đọc xem bạn viết gì họ đã vãi like, rồi hô hố với người bên cạnh rằng: “Cho thằng (con) đó một like cho nó sướng!”.

Một số người khác ngoài việc “like” còn “comment” khen bạn xinh đẹp, tài giỏi, thông minh, giàu có… bạn sẽ sướng tỉnh người mà không biết được rằng sự thật những người khen chân thành chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay mà thôi. Câu chuyện có thật sau sẽ cho bạn thấy rằng lời khen của dân mạng có đáng tin hay không và sự thực đằng sau những lời khen có cánh đó:

Hương là một nhà báo nữ trẻ trung, xinh đẹp, năng động. Cô quen biết khá nhiều người giầu có, nổi tiếng, và cô cũng thường xuyên “úp” những tấm ảnh khá thân mật với những người này lên “phây” của mình. Có một người bạn gái rất hay vào trang khen Hương là “quan hệ rộng”. Lúc đầu Hương cũng thấy rất hãnh diện, nhưng một lần nghe trộm được cô bạn ấy giải thích với người khác rằng, “quan hệ rộng” tức là “quan hệ” nhiều thì nó sẽ… “rộng” ra! Hương đã bầm gan tím ruột vì tức.

Ai cũng có nhu cầu được khen, nên được khen trên FB cũng làm khối người sung sướng, nhiều khi nó tạo cho người được khen sự hứng khởi trong việc tiếp tục “trực” FB để “hóng” và “hứng” nốt những lời khen còn thiếu của bạn bè.

Chưa hết cũng chính vì “quan hệ rộng” nên số bạn trên FB của bạn nhiều khi lên tới hàng năm sáu trăm, thậm chí hàng nghìn nên bạn (vì sung sướng) nên cứ ngồi đọc hết các comment để đáp lễ, rồi cũng mất kha khá thời gian để tư duy viết comment trả lời sao cho hay, cho tương xứng với sự “ngưỡng mộ” mà bạn bè dành cho bạn.

Cử Tạ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN