“Phây” phiếm (2): Sướng ảo khổ thật

Ước mơ một hôm nào đó không tồn tại Facebook trên đời, để mọi người được "trở về hiện thực" hơn.

Ngoài những cái hay, cái dở đã nói ở kỳ trước, vấn đề nghiện Facebook khiến nhiều người ước mơ một sáng đẹp trời nào đó mở mắt ra và thấy không tồn tại Facebook trên đời, để mọi người được "trở về hiện thực" hơn (chứ không chỉ mất 15 phút như hôm vừa rồi).

Bị giám sát vì “phây búc”

Nhiều người vừa yêu nhưng cũng vừa ghét FB vì nó vô tình trở thành công cụ giám sát của người khác đối với họ. Thông qua các biểu hiện nhạy cảm trên FB giới “theo dõi” dễ dàng quy kết, đánh giá bạn đang như thế nào. Một thanh niên do bức xúc xả một lô xích xông những lời cảm thán lên trang cá nhân, lập tức bị phụ huynh khiển trách, giáo viên gọi điện chấn chỉnh về lời ăn tiếng nói, bạn bè sốc mắt chữ O mồm chữ A vì ngôn ngữ “xả”. Online xanh lè mà “khinh thường” không chịu trả lời “gấu”. Bình luận ở trang này mà không chịu bình luận ở trang kia. Không có mặt trong danh sách “like” ủng hộ bạn bè. Nó đang ở rất gần chỗ mình mà không thèm gọi v.v… đó là những hành vi mà bạn dễ dàng bị những bạn bè thân thiết “đánh dấu” trong sổ đen theo cảm nhận thiếu tích cực của họ.

“Phây” ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình

Không chỉ những bạn trẻ mới chơi “phây”. Các cụ già U60, 70 cũng ham món này không kém. Ban đầu chỉ là được cánh trẻ bày vẽ để các cụ đưa ảnh lên cho con cháu ở xa gần ngắm nghía và ngược lại, khi bắt đầu ham thì các cụ lại bày cho nhau, các cụ ông vui tính bày cho những cụ bà dễ mến trong câu lạc bộ dưỡng sinh buổi sáng, các cụ bà lãng mạn hướng dẫn cho một số cụ ông yêu công nghệ trong nhóm nhẩy đầm buổi tối với tốc độ phổ cập FB cũng hơi choáng... Có cụ ông ham “chát chít” trên FB đến nỗi đêm đêm ôm cả iPad lên giường, tin nhắn cứ bay bùm bụp, thỉnh thoảng lại cười tủm, khiến cụ bà bên cạnh nói ghen thì cũng hơi quá nhưng rất ấm ức vì thấy mình bị gạt ra ngoài lề.

Trẻ hơn chút ít là các U40 - U50 (7x đời chơi vơi), ở nhóm này là lứa tuổi đang nô nức họp lớp cấp 3, lớp đại học, thôi thì chuyện trên trời dưới bể, nào là “ngày xưa tao yêu mày, mày yêu nó, nó lại yêu tao…” cứ loạn cả lên, rồi các tấm hình lãng mạn ngày xưa được tung tá lả lên “phây” cho bạn bè chặt chém, ném đá vui đùa hết cỡ. Nhiều cô vợ, anh chồng xem mới phát hiện thấy “kẻ đầu gối tay ấp” của mình có một quá khứ hóa ra rất “hư hỏng”, bạ ai cũng ôm ấp tùm lum tà la, thậm chí còn “đấu mỏ rau thơm”, “nô tì”, cõng nhau như phim Hàn Quốc… Thế là các cơn ghen nổi lên, vợ chồng mặt nặng mày nhẹ. Có nàng còn biết cả mật khẩu FB của ông xã nên cứ nghi ngờ cô bạn nào là tình cũ của chồng lập tức mạo danh “à ơi” kiểm tra ngay. “Tình cũ không rủ cũng đến”, nhiều người mất cảnh giác buột miệng tô tô cảm xúc, vậy là các cơn ghen lại nổi lên vần vũ khiến vợ chồng nhẹ thì giận nhau cả tháng trời, nặng thì anh đi đằng anh, tôi đằng tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi…

Trẻ hơn chút nữa, các 8x cũng không kém phần long trọng, vừa ăn vừa “phây”, đi toilet cũng like và comment chóng cả mặt. Nhiều cặp ăn xong không thèm rửa bát, đánh răng, chàng 1 góc, nàng 1 góc, chém FB loạn xị ngậu đến tận khuya. Con cái thì quẳng cho mỗi đứa một máy tính bảng tha hồ mà chơi games để bố mẹ tự do vùng vẫy trong khoảng trời riêng. Lâu dần, chồng không hiểu vợ, vợ chẳng tâm sự với chồng, con cái học hành sa sút, ốm yếu dẫn tới cãi nhau, để lại nhiều hậu quả chẳng hay ho gì.

Bên cạnh đó FB không những gây hại mà còn gây nguy hiểm khi bạn vô tình đăng số điện thoại di động, nhà riêng, những tấm hình cho biết hiện tại bạn đang ở đâu, con cái bạn tên gì, mặt mũi ra sao, học trường nào, rồi gia cảnh, cách bố trí đồ đạc, thiết kế của ngôi nhà bạn ở trên FB… thì bạn sẽ có nguy cơ trở thành nạn nhân cho các tệ nạn xã hội như tin nhắn rác, bắt cóc trẻ em, tống tiền, trộm cắp, xâm nhập trái phép tư gia khi bạn đi vắng…v.v và v.v…

Những hành vi xấu và vô đạo đức

FB cũng giúp các “phóng viên” mạng xã hội nước ta phơi bày lên đó những hình ảnh thể hiện các hành vi không thể xấu hơn của cộng đồng như: Tranh cướp đồ khuyến mãi, chen lấn giẫm đạp để tranh giành miếng ăn miễn phí, cướp giật hôi tài sản của các nạn nhân bị tai nạn giao thông, đánh đập phụ nữ, trẻ em, người già ngay trên đường phố…

Cư dân mạng gần đây cũng nổi giận, căm phẫn khi chứng kiến vô số những hành động lời nói rất rùng mình khủng khiếp được tung lên FB, thể hiện một văn hóa đáng báo động, có thể coi là vô giáo dục, suy đồi đạo đức của không ít các bạn trẻ. Nào là lời lăng mạ cha mẹ của một nữ sinh khi các bậc sinh thành không cho tiền mua điện thoại, kế đó một nữ sinh khác lên FB chửi rủa cả thầy cô giáo của mình khi phụ huynh được mời đến trường, chưa hết, một nữ sinh khác (lại là nữ sinh) chế lời, xuyên tạc bậy bạ lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của lãnh tụ để thóa mạ nhà trường…

Bên cạnh đó cũng không ít các bạn trẻ đã lên FB để chửi bới xúc phạm người dân một số địa phương, tỉnh thành ở Việt Nam, gây phân biệt vùng miền và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chán chửi kiểu này thì họ biến thành anh hùng bàn phím quay sang chửi cả làng cả tổng. Thậm chí họ vào cả trang FB của tỉ phú Bill Gates để văng tục, chửi bậy chỉ vì ông chia sẻ đường link một bài báo có hình ảnh “lạ mắt” về đường dây điện Việt Nam, mà hình ảnh đó thì ở Việt Nam ra đường là đụng, đó là… dây điện chằng chịt. Nói tóm lại FB luôn chứng kiến có một bộ phận thanh thiếu niên hay vui miệng, luôn luôn có nhu cầu chửi bới một thứ gì đó mà họ không thích, hoặc đơn giản là chửi cho sướng mồm mà không cần để ý hậu quả, bất chấp thế giới nghĩ gì, có làm nhục quốc thể hay không!?

Làm thế nào để hạn chế?

Chứng nghiện “phây” trong giới trẻ ngày càng tăng cao, có người chỉ nhận ra điều đó khi đã “nghiện” quá nặng, ảnh hưởng tới cả sức khỏe, học tập lẫn công việc nên họ bắt đầu tìm cách “cai” và thế là các trang “phây” xuất hiện những hội như: “Hội những người quyết tâm cai FB”, họ bày cho nhau trên đó đủ loại phương pháp “cắt cơn”, nhưng kết quả là 80% trong số những người này lại tiếp tục lập ra hội khác với cái tên thể hiện kết quả “Hội cai FB nhưng không thành công”, “Hội bị FB khuất phục”…, thậm chí tệ hơn họ lại kết bạn thêm được với một lượng không nhỏ những bạn bè “ảo” đồng cảnh ngộ ở trên các hội này…

Một nghiên cứu mới đây ở một trường ĐH nước Mỹ cho thấy: Những sinh viên sử dụng FB thường xuyên có kết quả học tập thấp hơn 20% so với sinh viên vào ít hoặc không vào FB. Ngoài giờ học, 88% sinh viên không sử dụng FB tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa như vui chơi, thể thao, rèn luyện thể chất, tham gia các khóa học kỹ năng…

75% sinh viên sử dụng FB không nghĩ rằng mạng xã hội này làm giảm sút kết quả học tập. Bên cạnh đó một số ảnh hưởng tiêu cực mà mạng xã hội lớn nhất hiện nay gây ra cho giới trẻ là: Dễ tự ái, nổi nóng, rối loạn tâm lý, bao gồm các hành vi chống đối xã hội, chửi bới nhục mạ người khác một cách thiếu trách nhiệm, chửi cho sướng mồm, hoang tưởng, sống tiêu cực, uống nhiều rượu bia, chất kích thích…  Thường xuyên bỏ học, nguy cơ cao bị đau dạ dày, mất ngủ, lo âu, trầm cảm, học hành sa sút, tỉ lệ đọc sách suy giảm rõ rệt…                                                                

Cai nghiện với những người nghiện FB nói chung là rất khó, hiện chưa có một “vắc-xin” nào tỏ ra hữu hiệu. Khả năng tái nghiện và nghiện nặng hơn với FB là không ít.

Cách duy nhất đúng là thực hiện phác đồ cai nghiện dần bằng cách: Đầu tiên là hạn chế đăng bài viết, hình ảnh của mình lên trang, đầu óc phải luôn tâm niệm rằng những thứ mình viết ra cũng chẳng “trí tuệ” gì đâu. Tiếp theo là bỏ “theo dõi” bớt những bạn bè không thực sự thân thiết, quy định ngày giờ vào FB. Cần tâm sự, hỏi thăm gì nếu có thể thì hẹn bạn bè ra quán café, hạn chế tối đa trao đổi qua tin nhắn trong FB…

Tóm lại bạn và tôi hãy chứng tỏ mình là người có ích, cần phải làm nhiều việc cho cuộc đời chứ không phải là “nô lệ” của FB.

Cử Tạ

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN