Việc hình thức “đè” giáo viên

Sổ sách, phong trào mang nặng hình thức khiến giáo viên phải lo tìm cách đối phó, cắt xén thời gian đầu tư bài giảng và người chịu thiệt thòi cuối cùng chính là học sinh

“Khuyến khích giáo viên (GV)  khéo tay, tận dụng những phế liệu làm ra đồ chơi mới cho trẻ cũng tốt nhưng nhiều trường lại vẽ ra tiêu chí thi đua làm đồ chơi, thiết kế phương tiện giảng dạy thì GV chỉ còn nước kêu trời” - một GV mầm non tại quận 3, TP HCM bộc bạch.

Trắng đêm vì đồ dùng, sổ sách

Theo GV này, công việc hằng ngày của GV mầm non đã vất vả nhưng đêm về còn phải “bò ra” làm đồ dùng dạy học, làm đồ chơi cho trẻ để thi đua. Có đợt, GV phải thức đêm làm đồ chơi và huy động cả người nhà làm cùng cho kịp. Đã thế, thỉnh thoảng GV còn bị lãnh đạo nhà trường nhắc nhở, như sao đồ chơi làm không có tính trí tuệ, không mang phong cách dân gian...

GV một trường tiểu học tại quận Gò Vấp, TP HCM tâm tư: GV hiện chìm trong các loại sổ sách, không có thời gian đi sâu, mở rộng bài giảng. GV tiểu học chỉ lo nhớ mình phải cập nhật bao nhiêu loại sổ thôi đã đủ khổ; gặp những lần thanh tra, kiểm tra thì đúng là cơn ác mộng. Sổ điểm, sổ dự giờ, giáo án, sổ tư liệu (dán tranh ảnh, tư liệu sưu tầm cho bài giảng của GV), sổ họp hội đồng, sổ rút kinh nghiệm, sổ liên lạc, sổ rèn luyện chữ viết, sổ sinh hoạt khối, sổ chuyên đề, sổ ngoại khóa… - nhiều đến nỗi có GV phải lập một sổ riêng gọi là sổ ghi nhớ.

Việc hình thức “đè” giáo viên - 1

Ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải làm nhiều việc không tên Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, cho biết một loạt loại sổ sách theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đến nay đã không còn phù hợp nhưng nhiều trường vẫn không dám bỏ, như sổ học nghề của học sinh lớp 11.

Lao đao vì phong trào

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tại quận Phú Nhuận, TP HCM bày tỏ ngay cả khi yêu cầu chuẩn hóa trường học, phát triển công nghệ thông tin thì các trường cũng lao đao vì cập nhật phần mềm này chưa xong lại đến phần mềm khác. “Quá nhiều phong trào đang hành các trường với cách quản lý chồng chéo và trùng lắp. Đơn cử như phong trào trường học an toàn, mỗi trường phải làm 3 mẫu báo cáo về sở GD-ĐT, công an, phòng giáo dục. Chỉ riêng việc làm báo cáo cũng khiến chúng tôi mệt mỏi” - hiệu trưởng này cho biết.

GV một trường tiểu học tại quận 4, TP HCM tâm sự mỗi lần thi nghi thức đội là cả cô trò cùng khổ. Ngoài chọn đội hình, tập dượt, mỗi lần di chuyển đến địa điểm thi cũng khó vì trẻ nhỏ đâu thể cứ muốn là đưa đi được, phải giải thích cho phụ huynh hiểu, rồi trình bày và xin từng gia đình cho các em hết giờ học ở lại tập, xin GV chủ nhiệm bố trí thời gian học lại cho những em phải bỏ tiết vì... phong trào.

ThS Nguyễn Thị Thu Hiền, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, cho biết ngay cả sổ giáo án, một loại sổ bắt buộc, cũng khiến GV phải làm hình thức, đối phó. Quy chuẩn soạn máy móc, chấm giáo án cũng máy móc đã chiếm hết thời gian đầu tư vào bài giảng thì làm sao đòi hỏi GV nâng chất lượng được? “Khi nào phong trào, sổ sách còn là nỗi ám ảnh của GV thì học sinh vẫn chịu thiệt thòi. Yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi GV phải không ngừng nâng cao kiến thức, nghiệp vụ bằng cách tự học, tự rèn luyện nhưng họ còn đâu thời gian khi phải vùi đầu trong hàng loạt công việc, sổ sách hành chính không tên?” - bà Hiền trăn trở. 

Quá tải

Theo bà Chung Bích Phượng - Phó Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, TP HCM - mọi năm, phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm chủng nhưng năm nay, Sở Y tế TP lại tổ chức tiêm tại chỗ ở các trường mầm non. Tiêm vắc-xin cho trẻ không hề đơn giản vì các cháu còn quá nhỏ, phải có người nhà chăm sóc, trong khi trường chỉ có 3 giáo viên/35 học sinh. Nếu các cháu bị sốc phản vệ phải đến bệnh viện thì cô giáo phải đi theo.

“Chúng tôi đang kiến nghị Sở GD-ĐT và Sở Y tế xem xét. Nếu phong trào nào cũng đưa về trường, trường tự chịu trách nhiệm thì GV càng quá tải” - bà Phượng cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN