Vào lớp 1: Mua “đơn trái tuyến” giá nghìn đô
Không chỉ qua mối quan hệ ngoại giao, chuyện “chạy trường” đang diễn ra lắt léo dưới nhiều hình thức khó kiểm soát.
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết nguyên đán là nhiều bậc phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 lại lo lắng không biết con mình sẽ học trường nào, lớp nào, cô nào. Họ tất bật dò xét, nhờ tất cả các mối quen biết có thể để lo cho con vào trường học tốt nhất và không ngại rút ra hàng chục triệu đồng để “chạy” trường cho con. Vì thế mới có chuyện phụ huynh kháo nhau: “chạy trường tốt với giá hàng nghìn USD”.
Biết trước được là năm nay, các cháu sinh năm Đinh Hợi 2007 (Heo vàng) đi học sẽ rất đông, nhiều ông bố, bà mẹ đã sốt sắng lo tìm trường ưng ý cho con từ năm 2012.
Không tiếc tiền lo lót cho con vào trường “tốt”
Chị H ở phố Trần Nhân Tông, Hà Nội có con trai năm nay chuẩn bị vào lớp 1. Không ưng ý trường học ở gần nhà và mong con học được trường có tên tuổi ở quận Hoàn Kiếm, cả gia đình chị N tất bật tìm người quen để lo cho con từ trong năm 2012.
Mặc dù người nhận đơn xin học cho con chị H “thét” giá vào trường tốt ở quận Hoàn Kiếm lên 1.200 USD nhưng vì muốn con vào trường “tốt”, chị sẵn sàng chấp thuận.
Chị H cho hay: “Gia đình tôi có mỗi một cậu con trai. Vì muốn con học trường điểm ở quận Hoàn Kiếm, vợ chồng tôi đã bàn bạc và thống nhất sẵn sàng bỏ ra 1.200 USD để lo cho con vào học. Năm nay, các cháu sinh năm “Heo vàng” đi học sẽ rất đông. May mà tôi đã tìm được người “chạy” cho con sớm. Nếu để đến tận bây giờ mới xin cho cháu, tôi sợ không được và giá có khi lại đắt hơn”.
Mấy tháng trước, chị M như “ngồi như đống lửa” vì lo sợ không tìm được trường gần chỗ làm để tiện đưa đón con đi học. Chị ở phố Lò Đúc, Hà Nội nhưng vì đi làm ở phố Cầu Giấy mà lại ở riêng, ông bà bên nội, ngoại đều ở quê hết nên tất cả việc đưa đón con đi học đều do hai vợ chồng lo liệu.
Vì không thể đến giờ tan học của cháu là chị lại phóng xe từ Cầu Giấy về Lò Đúc để đón con được nên chị M tìm mọi cách, vận dụng tất cả mối quan hệ để chuyển trường cho con gần chỗ vợ chồng chị làm.
Nghe bạn bè mách nước, có người quen làm giáo viên ở một trường Tiểu học được cho là chất lượng tốt ở quận Ba Đình, nếu chạy vào đó phải mất 15 triệu đồng, chị như trút bỏ được nỗi lo và không chần chừ rút tiền để có được 1 suất cho con vào học.
Học sinh lớp 1 tại một trường Tiểu học ở Hà Nội (Ảnh minh họa)
Giáo viên cũng lo “chạy” trường
Chưa biết là con có hợp với trường điểm, lớp chọn hay không nhưng từ trước đến nay, tâm lý trường điểm, lớp chọn đã ăn sâu trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh. Đó chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng chạy trường, tìm cô giỏi ngay từ khi đầu cấp Tiểu học diễn ra phổ biến và khó kiểm soát ở các thành phố lớn.
Tâm lý “trường điểm, lớp chọn” và không muốn con mình thua bạn, kém bè, đã khiến cho nhiều phụ huynh tìm đủ mọi cách thức, tận dụng mọi mối quan hệ ngoại giao để xin học cho con. Cách thức mà họ biết đến đầu tiên là phải tìm được cô giáo dạy ở trường định xin cho con vào học.
Trong vai một phụ huynh muốn xin học cho con ở một trường Tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội, phóng viên VOV online đến một lớp học luyện chữ trước cho các bé chuẩn bị vào lớp 1 do giáo viên tên P thuê địa điểm dạy học trong ngõ ở một phố thuộc quận Ba Đình.
Vì cô giáo P đang giảng dạy tại một trường Tiểu học ở quận Đống Đa nên tôi có ý nhờ cô dạy học và xin học cho con ở trường của cô. Cô P cho biết, năm nay, trường của cô, mỗi một giáo viên được 1 suất cho con em vào học nhưng cô đã xin cho cháu của mình. Vì thế, cô sẽ hỏi xem giáo viên khác trong trường có thể xin được không. Tuy nhiên, vì con tôi trái tuyến nên xin vào trường của cô phải mất ít nhất là 7 triệu đồng.
Chưa hài lòng với trường học của cô P, tôi lại lần mò tìm đến cô giáo Q đang dạy tại một trường Tiểu học thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Nghe nói trường của cô Q đạt chuẩn quốc gia và là một trong những trường có uy tín của quận Hoàng Mai nên tôi nhờ cô xin cho 1 suất học ở đây.
Tôi nói với cô giáo Q là vừa mới chuyển đến khu phố có trường học của cô đang dạy nhưng hộ khẩu thường trú của gia đình vẫn chưa chuyển về chỗ ở mới và mong cô xin cho 1 suất học ở trường cô, để gia đình tiện đưa đón cháu.
Qua cuộc trò chuyện, cô Q tiết lộ, nếu như năm nay mà như mọi năm có khoảng 50 trẻ em đến tuổi đi học được bố mẹ xin chuyển sang trường khác học thì cơ hội nhận học sinh trái tuyến sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, ước tính trường của cô Q năm nay sẽ rất đông học sinh với khoảng 7 lớp 1 dành cho con gia đình có hộ khẩu đúng tuyến nên việc nhận học sinh trái tuyến sẽ rất ít. Thế nhưng, cơ hội cho con tôi vào trường của cô vẫn được ưu tiên vì gia đình đang sinh sống tại khu phố ở gần trường học.
Cô Q khuyên tôi, trước tiên cần phải ra công an phường xin tạm trú ở khu phố. Mặc dù xin được tạm trú rồi, nhưng vì hộ khẩu của gia đình tôi không phải thuộc phường nên vẫn phải “chạy” trường với mức giá ít nhất là 15 triệu đồng như năm 2012.
Cô Q cũng cho biết, mức giá 15 triệu đồng là phụ huynh đã chạy vào trường cô từ năm 2012, còn năm nay có thể sẽ thay đổi vì học sinh đúng tuyến năm nay rất đông. Việc xin cho con tôi “e” rằng hơi khó vì Ban giám hiệu nhà trường sẽ xem xét nhận con em của cán bộ cấp quản lý giáo dục ở trên hay những “đối tác” có quan hệ thân thiết với nhà trường trước.
Vì thế, cô Q đưa ra phương án thứ 2 đi theo “đường vòng”. Theo kế hoạch này thì, gia đình tôi cứ cho con học đúng tuyến theo địa chỉ hộ khẩu khoảng 1 tháng. Sau đó, đến tháng 10/2013 thì tôi có thể xin cho con về trường của cô. Thế nhưng, mức giá “chạy” vào trường vẫn phải ít nhất là 15 triệu đồng.
Phụ huynh làm trung gian với giáo viên?
Bên cạnh việc “nhờ” các thầy, cô giáo đang giảng dạy ở trường xin học cho con, hiện nay, còn có trường hợp phụ huynh thân quen với cô giáo để xin học cho người khác nếu có nhu cầu.
Trong một cuộc trò chuyện với các phụ huynh lúc tại một trường Tiểu học danh tiếng ở Hà Nội, tôi tình cờ quen với một phụ huynh tên L có con đang học ở trường này. Chị L cho biết vừa mới xin cho 1 phụ huynh khác vào trường với giá 25 triệu đồng. Biết tôi có nhu cầu xin học cho con, chị L đồng ý và nói rằng, có thể “chạy” cho tôi với mức giá rẻ hơn là 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu chị L cho đến gặp cô giáo thì chị L lại nói việc “chạy” trường là vấn đề tế nhị nên cô giáo “ngại” tiếp xúc với tôi về vấn đề này. Để tạo niềm tin với tôi, chị L cho rằng, chị còn có con đang học ở trường và không ngần ngại mời tôi đến nhà.
Mua “đơn trái tuyến” giá nghìn đô
Việc “chạy” trường cho con thông qua giáo viên đã được đề cập đến nhiều. Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều phụ huynh đổ xô đi tìm trường tốt cho con, có những cá nhân không trực tiếp giảng dạy hoặc làm nhiệm vụ khác ở trong trường học cũng thể xin được 1 suất học trái tuyến nếu ai đó có nhu cầu.
Trong vai một phụ huynh có nhu cầu muốn xin học cho con, bất ngờ tôi được một phụ huynh nam giới thiệu bác K đang là bảo vệ ở một trường Tiểu học đạt chuẩn quốc gia và có tên tuổi ở Hà Nội.
Theo lời chỉ dẫn, tôi đến gặp bác K và được biết, muốn xin vào trường của bác đang làm thì phải “mua đơn trái tuyến” với giá 1.300 USD (tương đương khoảng 27 triệu đồng). Còn nếu muốn xin vào trường thứ cấp nhưng cùng một quận với trường bác đang làm bảo vệ thì phải mất 18 triệu đồng.
Khi tôi hỏi bác K là có phải quen biết Ban giám hiệu hay giáo viên nào ở trong trường không? Bác K cho biết, không “chạy” qua Ban giám hiệu hay giáo viên nào mà phải mua lại đơn của người khác có được suất học ở trường và bán lại cho tôi.
Trước khi tôi ra về, bác bảo vệ còn nhắn, nếu thực sự muốn xin cho con vào trường thì phải về thu xếp “chồng” tiền luôn vì năm nay, số lượng trẻ em sinh năm Đinh Hợi đi học rất đông, sẽ khó hơn mọi năm. Ngoài ra, nhà trường còn tiếp nhận những suất “ngoại giao”. Nếu chần chừ không “chạy” luôn thì chỉ thời gian ngắn nữa thôi, trường tôi muốn xin sẽ lên đến 1.500 USD hoặc thậm chí cao hơn, mà lúc đó, có khi còn khó để “chạy”.
Mua lại đơn trái tuyến của người khác có được suất học ở trường điểm để bán cho người có nhu cầu. Điều này chắc chắn sẽ có sự hưởng lợi giữa người mua - kẻ bán và khiến chúng ta liên tưởng đến “thế giới ngầm” của việc “chạy” trường đang tồn tại khá tinh vi và khó kiểm soát.
Để giúp độc giả hiểu hơn vấn nạn “chạy” trường cho học sinh đầu cấp Tiểu học, phóng viên VOV online sẽ đề cập rõ hơn về vấn đề này trong bài viết tiếp theo.