Ứng xử sao trước ‘chiến trường bàn phím’?

Sự kiện: Tin ngắn

Ai cũng có thể là nạn nhân của những thông tin phản cảm, xúc phạm, bịa đặt ... trên mạng

Ứng xử sao trước ‘chiến trường bàn phím’? - 1

Ảnh minh họa

Cô giáo Nguyễn Thị Luyến, Trường THPT Hùng Vương (quận 5, TP.HCM), cho biết cô từng có buổi họp với một nhóm học sinh (HS) mâu thuẫn với nhau trên mạng. Bắt đầu là một em HS đăng status khiêu khích một bạn cùng lớp tên D.: “Đẹp trai mà tính kỳ, không phải kỳ mà là vô duyên”.

Nói xấu, khích bác trong trường học

Nam sinh tên D. lên Facebook phản pháo: “Tụi bây nói gì tao biết hết, tao sẽ xử từng đứa một”. Lớp học xôn xao. Nhờ một HS báo cho biết, cô đã vào Facebook và nắm được tình hình. Sau buổi làm việc với cô giáo, hai phe mới “đình chiến”. Cô Luyến nói: “Chuyện với tụi nhỏ rất nghiêm trọng, nếu mình cứ nghĩ chuyện không đâu thì có thể thành lớn chuyện. Nhiều clip bạo lực học đường tràn lan trên mạng cũng bắt đầu từ những mâu thuẫn lặt vặt trên mạng”.

Chị Huỳnh Thị Kim Thu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 4, quận 6, TP.HCM, cho biết trong một con hẻm gần phường, có hai cô sinh viên (SV) là hàng xóm với nhau. Một hôm họ lên Facebook chửi nhau bằng những lời lẽ rất khó nghe, một cô chửi người kia là kẻ giật bồ. Sự thật không biết thế nào nhưng đã lôi kéo rất nhiều người tham gia khẩu chiến, khích bác, đổ dầu vô lửa. Cả hai đe dọa sẽ hẹn gặp mặt để đánh nhau. May mà gia đình ngăn kịp. Thầy Trần Xuân Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây, lo lắng: “Nhiều bạn trẻ sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều thì càng trở nên tiêu cực, thậm chí trầm cảm. Họ dễ dàng trở thành anh hùng bàn phím với những thông tin bạo lực và thiếu trung thực. Bạo lực trên mạng càng nhức nhối thì ngoài đời nhiều người cũng trở nên bạo lực hơn”.

Chị Kim Thu, thầy Trần Xuân Tâm và nhiều cán bộ các hội, đoàn thể trên địa bàn quận 6 đã tham dự hội nghị chuyên đề “Công dụng và thực trạng trách nhiệm trong sử dụng Internet” chiều 15-11.

Thông tin xấu, bịa đặt tràn lan

Chị Trần Thị Nga, Phó phòng Tư pháp quận 6, chia sẻ chị vào được trang mạng của một group SV của một trường đại học, trong một bài viết có nhiều em SV chia sẻ kinh nghiệm sống chung với bạn trai và kinh nghiệm xử lý khi bị dính bầu, thậm chí dính bầu nhiều lần. Khi có một em SV khác đăng ý kiến phản đối lối sống này thì bị nhóm SV tập trung chửi bới, xúc phạm nghiêm trọng. Chị Nga nói: “Những tiếng nói phản biện trở nên rất yếu đuối, lạc lõng. Những thông tin xấu lấn át hẳn những thông tin tốt. Tôi lo ngại về sự lan truyền nhanh chóng những giá trị lệch chuẩn”.

Trung tá Từ Đức Trung, Phó Trưởng Công an phường 4, quận 6, bày tỏ: “Trước đây trên địa bàn phường xảy ra một vụ xô xát giữa công an và người dân. Lực lượng công an đang làm nhiệm vụ nhưng người dân chống đối và xô xát buộc công an phải trấn áp. Lúc này các anh bị quay phim tung lên mạng và bôi xấu, đặt điều đủ thứ, nhiều người không biết sự thật nên phản ứng quá mức.

Ông Trần Quốc Đoàn, Phó Bí thư Thường trực quận 6, cho biết thời gian qua có người tung lên Facebook một câu chuyện rất thảm thương về một gia đình cùng khổ trên địa bàn quận, lên án chính quyền vô cảm, vô trách nhiệm. Ngay lập tức địa phương rà soát, kiểm tra thì mới biết được đây là câu chuyện bịa đặt. Nhưng thông tin nhảm đó đã lan truyền và làm nhiều người dân mất niềm tin. Ông Phạm Văn Phố, Phó Chủ tịch MTTQ quận 6, nhận định: “Có nhiều người sẵn sàng bấm nút like và share dễ dãi, thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng tới xã hội”.

Đương đầu với thông tin xấu

Cuối tuần qua, Trường THPT Trưng Vương (quận 1) đã tổ chức buổi giáo dục kỹ năng sống cho các em HS lớp 10 với sự tham gia của nhà báo, diễn giả Nguyễn Đức Hiển. Em Thanh Thanh, HS lớp 10,  cho biết em từng bị giả mạo Facebook, kẻ giả mạo đã tìm cách nói chuyện với các bạn của em với mục đích tấn công em. Nhiều HS khác cũng bày tỏ sự lo ngại khi bị người khác nói xấu trên Facebook.

Ứng xử sao trước ‘chiến trường bàn phím’? - 2

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển trao đổi với học sinh Trường THPT Trưng Vương. Ảnh: H.MINH

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển chia sẻ: “Có những người không biết người bị nói xấu là ai nhưng vẫn xúm vào chửi bới. Nhiều người núp trong đám đông họ cảm thấy an toàn hơn và dũng cảm hơn nên dễ dàng trở thành anh hùng bàn phím, dễ dàng phán xét và gây tổn thương cho người khác. Cách xử lý tốt nhất khi bị xâm hại trên mạng là các em hãy lờ đi nếu nó không quá nghiêm trọng. Nếu các em cảm thấy rất nghiêm trọng, hãy tham vấn ý kiến của cha mẹ, thầy cô, không dùng bạo lực để xử lý mâu thuẫn. Khi tham gia mạng xã hội, hãy bỏ qua thông tin xấu và lờ đi sự khiêu khích. Không nên chia sẻ, like những thông tin xấu. Khi chia sẻ điều gì trên Facebook phải tôn trọng sự tự do cá nhân của người khác”.

Hướng dẫn học sinh biết bày tỏ

Các em HS cần một nơi để bày tỏ suy nghĩ của mình, bởi đó là nhu cầu có thật. Nhà trường tham gia mạng xã hội cùng các em, tạo sân chơi là các câu lạc bộ để các em giao lưu kết bạn, thể hiện sở thích, quan điểm sống… Trường cũng đã tổ chức chuyên đề “Facebook lợi và hại” cho HS bày tỏ suy nghĩ, đồng thời giáo dục kỹ năng sống cho HS cách xử lý thông tin trên mạng xã hội.

Thầy TRẦN XUÂN TÂM, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây, quận 6, TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Minh (Pháp luật TPHCM)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN