Tư vấn học đường còn manh mún
Theo khảo sát được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có tới gần 94% học sinh, sinh viên được hỏi có vướng mắc tâm lý cần chia sẻ
Bà Nguyễn Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), cho biết công tác tư vấn tâm lý cho học sinh hiện đang được các thầy cô giáo triển khai khá chủ động.
Không để “sự đã rồi”
“Chờ đến khi học sinh không chịu nổi phải tìm đến thầy cô nhờ tư vấn thì nhiều khi đã muộn vì sự đã rồi. Đội ngũ tư vấn của nhà trường đã chủ động đến với học sinh thông qua Facebook, cập nhật thông tin liên tục và nhận được rất nhiều tâm sự, chia sẻ của học sinh” - bà Nguyễn Phương Anh cho biết.
Từ nhiều năm nay, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã có phòng tham vấn tâm lý học đường giải đáp nhiều thắc mắc cho học sinh. Theo bà Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng nhà trường, việc tham vấn này đã đem lại hiệu quả rất tốt khi ngày càng nhiều học sinh tin tưởng tìm đến phòng tư vấn để chia sẻ.
Học sinh THPT cần được tư vấn tâm lý, đặc biệt là trước áp lực thi cử. Ảnh: HUY LÂN
Cô Trần Thị Mạnh Linh, Phòng Tham vấn học đường Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: Công việc của cô luôn bị quá tải khi trung bình mỗi ngày phải tư vấn cho 6-7 học sinh. Học sinh THCS thì hỏi về tâm sinh lý, thích ứng với bạn bè, quan hệ với bố mẹ, phương pháp học tập… Học sinh THPT thì muốn được tư vấn về chọn trường, chọn nghề, về tình yêu cũng như những hụt hẫng trong cuộc sống vì áp lực thi cử, điểm số, thành tích…
Tại TP HCM, ông Nguyễn Minh, Trưởng Phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết sở đã tư vấn để TP có quy định tạm thời về việc tuyển dụng giáo viên tư vấn tâm lý đào tạo chuyên ngành. “Hiện chúng tôi có 114 giáo viên đúng chuyên ngành, phủ kín khối giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên. Bậc THCS và tiểu học thì có 29 phòng tư vấn. Các hoạt động này đem đến hiệu quả rõ rệt khi mà tình trạng bạo lực học đường tại 1.700 cơ sở giáo dục với 1,7 triệu học sinh đã giảm hẳn” - ông Nguyễn Minh nói.
Xu hướng chia sẻ trên mạng xã hội
Theo một khảo sát vừa được Bộ GD-ĐT thực hiện tại một số trường THCS, THPT, ĐH ở Hà Nội, Hải Dương, có 93,57% học sinh được hỏi cho biết gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày. Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên Bộ GD-ĐT, cho biết đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%. Trong khi hầu hết các trường học trên cả nước chưa có điều kiện thành lập phòng tư vấn tâm lý thì có tới 82,31% học sinh được khảo sát đều mong muốn có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em đến chia sẻ các vấn đề về tâm lý của bản thân.
Theo ông Bùi Văn Linh, ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa, lối sống nước ngoài, các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm đồi trụy, tư tưởng sống gấp, hưởng thụ… đang tác động mạnh đến đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên. Cùng với đó là tâm lý ngại chia sẻ, ngại đến trung tâm tư vấn hoặc sợ bí mật riêng tư bị tiết lộ hay quỹ thời gian của các em ở trường đã kín vì lịch học. “Mỗi khi gặp sự cố tâm lý không biết cách giải quyết, các em thường vào các diễn đàn trên mạng, chia sẻ với bạn bè chứ không thổ lộ với gia đình hoặc thầy cô giáo nên việc nắm bắt tâm lý trong học sinh, sinh viên còn gặp nhiều khó khăn” - ông Linh nói. Vì vậy, khá nhiều học sinh, sinh viên khi khảo sát đều mong muốn trong trường học có cán bộ tư vấn tâm lý chuyên trách để các em đỡ e ngại hơn.
Tuy nhiên, điều bà Nguyễn Phương Anh băn khoăn là dù công tác này đang đáp ứng rất đúng nhu cầu của học sinh nhưng lại là hoạt động hoàn toàn tự phát vì chưa có quy định chính thống từ Bộ GD-ĐT cũng như không có định biên, chế độ chính sách cho đội ngũ tư vấn trong trường học.
Theo Yến Anh (Người lao động)