Trò xúc động học từ cuộc sống

Nhiều phương pháp đổi mới dạy học, trong đó có dạy theo dự án từ thực tế cuộc sống, đang được triển khai ở nhiều trường THPT tại TP HCM, tạo hứng thú cho học sinh.

“Em mong nhà trường tổ chức nhiều dự án học từ cuộc sống như thế này để có thêm nhiều trải nghiệm và cảm xúc từ thực tế, giúp học sinh đoàn kết và có nhiều kinh nghiệm sống hơn” - Kim Mai, học sinh lớp 11B3 Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM), bày tỏ. Lời chia sẻ này nhận được tràng vỗ tay từ nhiều bạn học sinh khi các em đồng thanh: “Lâu rồi chúng em mới có những giờ học “đã” như thế!”.

Hào hứng, đam mê vì cách dạy mới

“Khi thực hiện đề tài “Lan tỏa yêu thương” với nhiệm vụ là quyên góp quần áo, sách vở cũ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, lúc đầu, nhiều bạn không hứng thú lắm, không quyên góp được nhiều, em lo đến phát khóc. Nhưng sau đó ít ngày, đồ được đem đến góp nhiều đếm không xuể. Lúc đó em xúc động muốn... “đứng hình”. Em mong có nhiều giờ học không chỉ trong sách vở mà được trải nghiệm thực tế như dự án học văn lần này” - Kim Mai nhớ lại.

Trò xúc động học từ cuộc sống - 1

Học sinh Trường THPT Giồng Ông Tố được học văn qua các vai diễn, vở kịch

Em Thanh Ngân, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Giồng Ông Tố, kể lại kỷ niệm khi thực hiện đề tài “Văn hóa đọc”: “Chúng em có 2 tuần để thực hiện đề tài. Em biết được những kỷ niệm quý giá, góp nhặt nhiều hình ảnh chân thật gắn liền với sách. Khi thực hiện đề tài, em còn học hỏi từ chính những người bạn của mình như cách làm clip, làm kịch bản, cách giao tiếp, kinh nghiệm sống, nhất là tinh thần đoàn kết”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Giồng Ông Tố, bày tỏ trước khi tổ chức dạy và học văn theo dự án, tổ văn từng đến tham khảo, học tập kinh nghiệm của các trường đã triển khai như THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Bùi Thị Xuân nhưng vẫn vô cùng băn khoăn. Bởi lẽ, yếu tố thành công của dự án là ở học sinh chứ không phải giáo viên, sợ nhất là học trò không hào hứng.

“Khi bắt tay vào làm, chính sự nhiệt tình của trò làm chúng tôi có thêm động lực. 30 sản phẩm sau 2 tháng thực hiện, như: Sống xanh, Tinh khôi áo dài, Gieo yêu thương từ nơi niềm tin đã mất, Học văn qua kịch, Thiêng liêng biển gọi... đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các em. Có những clip học sinh quay đi quay lại nhiều lần, không phải để thi đua mà chỉ vì các em thật sự đam mê mới có thể kiên trì như vậy” - cô Diệp vui mừng.

Cảm nhận đa chiều về cuộc sống

Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP HCM) cũng đã triển khai dự án văn học từ cuộc sống từ tháng 11-2014. Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, nhìn nhận: “Nhiều nhân vật trong cuộc sống xung quanh cũng xúc động chẳng kém gì nhân vật trong sách, sao không để các em tự cảm nhận và viết lên? Vì thế, nên chăng phải mở rộng ra ngoài tác phẩm, vì văn học là cuộc đời”.

Xuất phát từ ý tưởng đó, dự án học văn từ cuộc sống được ấp ủ và nhen nhóm. Trong dự án này, các lớp sẽ chia nhóm với từng đề tài khác nhau, như Người đàn bà đi nhặt mặt trời - góc nhìn về những bà mẹ trẻ đơn thân, Dấu chấm hết cho sự bắt đầu - tình trạng nạo phá thai trong giới trẻ... Theo thầy Đỗ Đức Anh, mục đích của dự án là một hướng đi mới trong dạy và học văn: Đưa học sinh tiếp xúc trực tiếp với những cảnh đời khác nhau trong xã hội, để các em kể lại chính điều mình cảm nhận được.

Thầy giáo trẻ này không thể nào quên những lần tiếp cận quay phim, chụp hình ở một số tụ điểm bị người lạ đe dọa, những lần vào bệnh viện xin số liệu bị nhầm tưởng đi... làm bậy, những lần về khuya phải giải thích cho phụ huynh hiểu, khó khăn đi xin kinh phí... Nhưng đổi lại, học sinh có sự trải nghiệm, trưởng thành, tự tin trong giao tiếp, xử lý tình huống.

“Tôi chấp nhận những sản phẩm chưa hoàn thiện nhưng đó là cảm nhận từ cảm xúc của chính các em về cuộc sống thực, không tô vẽ. Chính vì thế, có những bài cảm nhận của học trò viết về bà cụ bán xôi trước cổng trường ngày này qua ngày khác vốn không ai để ý. Đến khi tìm hiểu về hoàn cảnh của cụ để viết bài, nửa đêm có em còn gọi điện khóc nức nở vì không kiềm chế được cảm xúc” - thầy Đỗ Đức Anh nhớ lại.

Cô Nguyễn Thị Hưng, giáo viên Trường Giồng Ông Tố, thừa nhận có những kỹ năng, giáo viên học được từ trò của mình. Vui nhất là khi giáo viên được chứng kiến học sinh hứng thú với những giờ học, khi thầy cô khơi gợi được đam mê và nhiều khả năng tiềm ẩn của trò. Cô Đoàn Thị Hải Lý, tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, nhận xét dạy học theo dự án, giáo viên phải áp dụng kiến thức liên môn. Thành công của cách dạy này là phát triển năng lực, nuôi dưỡng cảm xúc của học sinh.

Tâm huyết, trăn trở của giáo viên

ThS Trần Tiến Thành, chuyên viên môn ngữ văn Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nhận định: “Những dự án học sống động sẽ là cầu nối giữa học sinh và giáo viên, phá vỡ đi lớp học truyền thống. Điều này cũng thể hiện tâm huyết, trăn trở của các thầy cô trong việc đổi mới dạy học, học phải gắn với thực tế, gắn với các kỹ năng”.

ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, bày tỏ: “Có những buổi trưa dù mất ngủ vì các em tập kịch nhưng tôi thấy rất vui. Tôi vui vì thấy học trò mình đoàn kết, hào hứng với giờ học”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh/Người lao động
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN