Thi nhiều khối, cơ hội trúng tuyển cao?

Kết quả thi ĐH, CĐ những năm gần đây cho thấy các thí sinh giỏi khối A dễ đạt điểm cao khi thi khối D trong khi các em giỏi các môn thi khối C khó có cơ hội ở đợt thi thứ nhất.

Hằng năm, số thí sinh (TS) đăng ký dự thi ĐH ở cả 2 đợt thi, 2 khối thi khác nhau với hy vọng gia tăng cơ hội trúng tuyển. Khảo sát kết quả thi của gần 300.000 TS thi cả hai khối thi cho thấy tỉ lệ  TS thi 2 khối A - B là cao nhất (66,0%), kế là khối A-D1 (30,5%) và khối A - C (3,5%). Trong đó, hệ số tương quan về tổng điểm của khối A - B là cao nhất (0,855), kế là khối A - D1 (0,591), khối A - C (0,213). Thực tế cho thấy nếu không dựa vào thực lực của bản thân, chẳng những sẽ không thay đổi kết quả mà còn làm gia tăng sự lãng phí cho xã hội và bản thân.

Giỏi các môn thi khối B có lợi thế khi thi khối A

Kết quả thi của những TS thi cả hai khối A - B cho thấy tương quan giữa tổng điểm khối A và khối B là cao (0,855), nghĩa là TS nào có kết quả cao ở khối A, tất yếu cũng sẽ có kết quả cao ở khối B. Nếu xem xét tương quan môn thi của 2 khối, thì có tương quan cao giữa môn toán A - toán B (0,841) và hóa A - hóa B (0,708).

Tuy nhiên, khảo sát các TS đạt điểm sàn trở lên, có 31,8% đạt điểm sàn khối B, trong số đó chỉ có 15,1% có điểm thi khối A dưới điểm sàn; có 38,5% đạt điểm sàn khối A, nhưng trong số đó có đến 28,3% có điểm thi khối B dưới điểm sàn. Như vậy, TS giỏi các môn thi của khối B sẽ có lợi thế hơn khi thi thêm khối A; còn giỏi các môn thi khối A chưa chắc có kết quả cao ở khối thi B, bởi môn sinh là môn không chỉ yêu cầu về khả năng tính toán mà còn khả  năng nhớ, tổng hợp kiến thức và vận dụng trong thực tiễn.

Giỏi các môn thi khối A dễ đạt điểm cao khi thi khối D1

Mặc dù hệ số tương quan kết quả thi của hai khối A - D1 là 0,591; thấp hơn so với tương quan kết quả thi của hai khối A - B nhưng có tương quan cao giữa điểm môn toán A và điểm môn toán D1 (0,798).

Thi nhiều khối, cơ hội trúng tuyển cao? - 1

Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn trong kỳ tuyển sinh 2012. Ảnh: T.Thạnh

Tuy nhiên, đối với TS thi cả hai khối A và D1 thì có đến 41,1% TS đạt điểm sàn của khối D1, trong khi khối A chỉ đạt 20,2%. Trong số TS đạt sàn khối A chỉ có 17,1% có kết quả thi khối D1 dưới điểm sàn.

Trong số TS đạt sàn khối D1, có đến 59,3% có điểm thi khối A dưới điểm sàn. Điều này cho thấy, TS giỏi các môn khối A sẽ có lợi thế hơn khi thi thêm khối D1, đặt biệt đối với những trường có nhân hệ số môn toán đối với khối thi D1. Tuy nhiên, nếu không giỏi môn Anh văn, TS cần thận trọng hơn đối với những trường có nhân hệ số môn Anh văn.

Giỏi các môn thi khối C khó đậu đợt đầu

Khối C thường được tổ chức thi vào đợt 2, cùng với các khối B, D. Mặc dù chiếm tỉ lệ không nhiều như khối A - B, A - D1 nhưng cũng 3,5% - khoảng 10.000 TS thi cả 2 khối A và C.

Kết quả thi cho thấy hệ số tương quan ở A - C thấp (0,213) và số TS đạt điểm sàn cả hai khối đều thấp. Trong đó, khối C là 25,6%; 96,3% trong số này có điểm thi khối A dưới điểm sàn. Số TS đạt điểm sàn khối A là 2,1%; thấp hơn nhiều so với khối C và trong đó có đến 54,5% có điểm thi khối C dưới sàn. Vì vậy, TS giỏi khối C khó có kết quả cao nếu thi thêm khối A.

Như vậy, với tổ chức thi như hiện nay, TS giỏi các môn thi khối A (kể cả A1) có nhiều cơ hội lựa chọn hơn so với TS giỏi các môn thi khối C. TS thi khối B có hệ số cạnh tranh cao nhất trong tất cả các khối thi. Việc chuẩn bị để lựa chọn ngành nghề phù hợp rất quan trọng đối với học sinh phổ thông. Ngoài việc chọn ngành, bậc học phù hợp với sở thích và năng lực thì việc chọn khối thi nào cũng cần cân nhắc, dựa trên thực lực của bản thân. Việc làm nhiều hồ sơ, dự thi 2 khối cũng khó có thể thay đổi kết quả thi.

TS Lê Thị Thanh Mai (Trưởng Ban Công tác Sinh viên - ĐH Quốc gia TPHCM)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người lao động
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN