‘Ta nào có chương trình giáo dục!’

Sự kiện: Giáo dục

Khi biên soạn sách giáo khoa mới phải có “độ phổ thông” khác nhau.

“Sách giáo khoa (SGK), giáo viên, trường lớp là ba vấn đề được mọi quốc gia, mọi thể chế và mọi thời đại coi trọng. Song ở nước ta cả ba yếu tố nền tảng kể trên đều có vấn đề” - GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn (ĐHQG Hà Nội, ảnh) mở đầu cuộc trò chuyện.

Chương trình chỉ… từng khúc, từng đoạn

. Phóng viên: Thưa giáo sư (GS), trong ba vấn đề trên theo GS vấn đề nào quan trọng nhất?

‘Ta nào có chương trình giáo dục!’ - 1

+ GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn: Vấn đề nào cũng có tầm quan trọng như nhau, như ba chân của một cái kiềng vậy. Nhưng trong năm qua, chương trình (CT) và SGK được đề cập nhiều nhất vì theo Bộ GD&ĐT đây là nút bấm thực hiện Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT. Tuy nhiên, theo dõi các diễn đàn tôi thấy người ta tập trung vào việc biên soạn SGK, trong khi cái cốt lõi là CT thì ít được nói tới. Để tránh theo vết xe đổ, phải xây dựng CT trước khi bắt tay biên soạn SGK.

Cũng do chưa có CT thì đã vội vàng biên soạn SGK nên hậu quả là ở bậc phổ thông học sinh bị bội thực về sách, bậc ĐH thì đói sách. CT giáo dục ở phổ thông quá nặng so với quốc tế và xa rời với thực tế, tôi nghĩ phải bỏ đi khoảng 30%-50% khối lượng kiến thức không cần thiết. Ví dụ môn toán có GS nói phải bỏ tới 60% khối lượng.

. Nói như GS thì có nghĩa từ trước đây ta chưa có CT. Vậy SGK hiện hành biên soạn dựa vào đâu?

+ Vâng, chúng ta chưa có CT chính thức. Anh xem, từ năm 1980 đến nay CT được chia làm ba khúc: Cấp I, II, III. Ví dụ, cấp một năm 1981 triển khai bốn CT: CT 165 tuần; CT 120 tuần; CT 100 tuần và CT công nghệ. Việc chỉnh sửa và hợp nhất CT sau đó diễn ra liên miên, cho đến tận năm 2002 mới hợp nhất làm một.

Còn CT cấp III, năm 1993 phân ban được khôi phục. Lúc đầu là ba ban: Ban tự nhiên, ban xã hội, ban công nghệ nhưng nhanh chóng thất bại. Năm 2002, CT phân ban lại khôi phục với hai ban tự nhiên và xã hội. Song thực tế khi triển khai lại tồn tại ban thứ ba là ban “không ban”. Việc này khiến Chính phủ phải xin Quốc hội hoãn hai năm để làm lại CT. Tới năm 2005 lại xuất hiện ban cơ bản ngoài ban tự nhiên và ban xã hội. Rồi sau đó lại thêm ban cơ bản hướng tự nhiên, ban cơ bản hướng xã hội; rõ ràng thực tế có năm ban... Đến nay, sau 22 năm đặt ra CT phân ban, thực tế đã phủ quyết mọi CT phân ban của Bộ GD&ĐT. Bởi vậy nếu nhìn xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 là một chỉnh thể thì chúng ta làm gì có CT. Như bạn thiết kế một ngôi nhà, đến nay tất cả chỉ là từng khúc, từng đoạn thay vì một ngôi nhà hoàn chỉnh!

‘Ta nào có chương trình giáo dục!’ - 2

CT, SGK phải được dùng ổn định ít nhất 10-12 năm. Ảnh: TL

Chọn một bộ SGK làm chuẩn

. Nay chủ trương một CT, nhiều bộ SGK đã được Thủ tướng thông qua. Thưa GS, có chuyên gia khẳng định rằng một CT có vài kiểu viết SGK khác nhau. GS thì cho rằng không phải là kiểu viết khác nhau mà độ phổ thông trong các SGK khác nhau. Vậy GS có thể giải thích thêm thuật ngữ “độ phổ thông” là gì?

+ Hầu hết ở các nước trên thế giới, SGK bậc phổ thông mỗi nước thường có ba, bốn bộ khác nhau. Chữ bộ SGK phải hiểu là từ lớp 1 đến lớp 12 của từng môn học như tiếng Việt, toán…; hay từ lớp 6 đến lớp 12 ví dụ như lý, hóa…; hoặc từ lớp 10 đến lớp 12 chứ không phải là vô vàn bộ. Mỗi CT tôi xin khẳng định chỉ có ba hay bốn kiểu viết khác nhau. Song các bộ SGK này có độ khó khác nhau. Người ta chọn một bộ phổ thông nhất làm bộ SGK chuẩn, còn các bộ khác là sách tham khảo. Theo GS Dương Thiệu Tống, trước đây ở miền Nam cũng làm tương tự. Như vậy “độ phổ thông” là độ khó của bộ sách nhưng được viết bằng ngôn ngữ phổ thông - những cái khó cũng có thể giải thích bằng ngôn ngữ phổ thông, gắn với cuộc sống!

. GS từng đề nghị Quốc hội nên đưa vào văn bản luật hình thức chế tài nhằm để SGK soạn ra phải được dùng ít nhất 10-12 năm mới thay một lần. Thưa GS, đây cũng là cách làm như các nước?

+ Vâng, ở các nước đều có hình thức chế tài nhằm để SGK được dùng ít nhất là một vòng 12 năm hoặc lâu hơn nữa, trong thời gian đó không phải thay đổi CT để phải in lại, tốn kém. Trong quá khứ chúng ta đã có CT, SGK của GS Hoàng Xuân Hãn được dùng ở miền Bắc 10 năm; còn miền Nam từ 1945 đến 1972; bộ CT, SGK của nhóm GS Nguyễn Văn Chiển, Hoàng Tụy, Lê Hải Châu dùng 35 năm! SGK hầu như không thay đổi để việc in sách không trở thành ngành kinh doanh siêu lợi nhuận như hiện nay.

. GS phản đối việc thay SGK từng năm học theo kiểu “cuốn chiếu”. Vì sao như vậy?

+ CT, SGK là một chỉnh thể khoa học thống nhất, nhất quán theo từng môn và sự hài hòa giữa các môn, thế mà khi thay SGK ta lại sử dụng cách tiếp cận “cắt khúc-cuốn chiếu-thay dần-vừa chạy vừa xếp hàng”, là cách làm không khoa học. Theo tôi, nên làm tập trung và thay đồng loạt từ lớp 1 đến lớp 12. Thực tế ở Việt Nam năm 1955 và năm 1975 khẳng định cách làm này thành công. Thế giới người ta cũng làm vậy.

. Xin cám ơn GS về cuộc trò chuyện này.

 

Thủ tướng chịu trách nhiệm về CT, SGK

Theo Điều 36 Hiến pháp, Điều 100 Luật Giáo dục năm 2005, người chịu trách nhiệm về CT, SGK chuẩn trước Quốc hội và trước dân là Thủ tướng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vấn đề biên soạn CT, SGK. Hiện nay ta có Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD&ĐT mà Thủ tướng là chủ tịch. Thủ tướng có thể lập một hội đồng biên soạn CT, SGK trực thuộc ủy ban này; làm xong CT, SGK thì hội đồng này tự giải tán.

GS-TSKH NGUYỄN XUÂN HÃN, ĐHQG Hà Nội

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Từ Nguyên Thạch/Pháp luật TP.HCM
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN