SV giàu thành tích bậc nhất trở về Việt Nam làm Đông Ki sốt

Sự kiện: Giáo dục

Gặp Chí Hiếu, sinh viên Việt giàu thành tích nhất trên trường quốc tế, cảm nhận ở anh sự nhiệt huyết và trăn trở về việc dạy và học ở Việt Nam. Từng lo sợ bản thân bị biến chất, làm giáo dục mang mục đích thương mại, anh xách ba lô lên đi học để rồi trở về lại hăm hở với những dự án trồng người.

SV giàu thành tích bậc nhất trở về Việt Nam làm Đông Ki sốt - 1

Không phải thần đồng

Đỉnh cao của thành tích, với những danh hiệu như Sinh viên giỏi nhất nước Anh năm 2004, và top 100 SV giỏi nhất thế giới năm 2006, nhưng Chí Hiếu cho rằng, mình chưa bao giờ là thần đồng, và cũng không nhận mình là người thông minh xuất sắc. Chìa khóa thành công của anh nằm ở sự hiệu quả, và kiên định với mục tiêu. Nhiều người cho rằng, để đạt thành tích cao, anh phải cày chữ rất khỏe, nhưng thực tế không phải vậy. Trong thời điểm căng nhất, anh cũng chỉ dành khoảng 6 tiếng mỗi ngày cho việc học. Để có tấm bằng tiến sĩ ở Stanford, anh chỉ mất 6 tháng để hoàn thành, thời gian còn lại anh đi du lịch, nhìn ngắm thế giới. Vào trang cá nhân của Hiếu, nhìn những nơi Hiếu đã từng đi qua mới thấy, chàng trai đáng ngưỡng mộ này sở hữu một cuộc sống tinh thần giàu có khi khám phá nhiều vùng đất: từ lãng mạn, cổ điển như Rome, Florence đến những nơi tráng lệ như Ai Cập, Jordan, hay những nơi  kỳ bí như  Ankor Wat, Siem Riep và tất nhiên là không thể thiếu những địa danh Việt.

Chấp nhận làm Đông ki sốt trong sự nghiệp trồng người

Tự nhận mình ôm đồm, thích thử nhiều công việc khác nhau, nhưng Chí Hiếu thực sự có duyên và đam mê với công việc giảng dạy. Nếu như ở vai trò người học, anh khiến đồng môn nể phục với những tấm bằng xuất sắc, là sinh viên tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành kinh tế và chính trị trong tất cả các trường đại học ở London, thì ở lĩnh vực giảng dạy, anh cũng đã 5 lần đoạt giải thưởng cho trợ giảng và giảng viên xuất sắc ở Đại học Stanford.

Đã từng được ghi nhận như vậy, nhưng khi về Việt Nam, anh nhiều lần cảm thấy bất lực trước suy nghĩ ngắn hạn của cả những nhà làm giáo dục và phụ huynh học sinh. Anh bảo, có hiện tượng cuồng mác ngoại ở nhiều môi trường giáo dục. Và cứ thế, nhiều trung tâm, tổ chức giáo dục liên tục khai thác điểm yếu trong tâm lý của phụ huynh, chỉ cốt sao đạt mục tiêu kinh doanh.

Kể câu chuyện của chính mình, một trường tiểu học đã yêu cầu anh xây dựng chương trình học y như các trung tâm tiếng Anh: cho trẻ học chỉ thông qua trò chơi để thu hút học sinh, và anh đành từ chối. Với anh, học là học, chơi chỉ là bổ trợ phần nào. Hiếu cho rằng: “Chơi rất tốn năng lượng, ngôn ngữ cũng không ngấm được bao nhiêu. Kiểu học chơi như vậy có thể khiến học sinh thích thú, nhưng bản chất sẽ không thu nạp được kiến thức”.

Với anh, ngoại hay nội, tư hay công, các mô hình giáo dục đều cần hướng đến sự cân bằng. Anh bảo Nhật có triết lý Zen, Trung Quốc có thuyết ngũ hành âm dương và theo thuyết đó, mô hình nào cũng có hai mặt. Ví dụ như, hiện giờ nhiều cha mẹ không tiếc tiền đầu tư cho con học trường tư với cơ sở vật chất hiện đại, nhưng không có nghĩa những gia đình không có điều kiện tài chính sẽ thiệt thòi khi cho con trẻ học trường công. Theo anh, điểm mạnh của trường công là do lớp đông, học sinh sẽ có năng lực cạnh tranh cao, trong trường hợp các con không được chiều chuộng chăm sóc kỹ, thì cũng là cách rèn luyện tính kiên nhẫn. Việc học sinh trong lớp có nhiều thành phần: giàu nghèo, giỏi, kém... cũng khiến học sinh có nhận thức sâu sắc hơn về xã hội mở rộng, đồng thời cũng hiểu rõ hơn về giá trị tiền bạc.

Cũng vì tư tưởng sính ngoại, anh thấy lo lắng khi một bộ phận không nhỏ phụ huynh chỉ chăm chăm cho con học nghe nói để “nói như Tây”. Anh giải thích: “Trước đây, cách dạy ngoại ngữ ở VN chỉ chú trọng ngữ pháp, hầu như bỏ qua nghe nói, hệ quả là xuất hiện một thế hệ “giỏi thi nhưng không giỏi giao tiếp”. Và như để bù đắp cho sự thiếu hụt ấy, cha mẹ lại ào ào lao vào luyện âm. Nhưng học như vậy chỉ là chạy theo trào lưu, không giải quyết được gốc rễ của vấn đề vì ngoài việc phát âm tốt, trẻ cũng cần có kỹ năng đọc, viết tốt mới có thể bày tỏ, truyền đạt được ý tưởng, suy nghĩ.

Không từ chối ca khó

Bận rộn với việc xây dựng các khóa học, nhưng Hiếu vẫn trực tiếp đứng lớp giảng dạy thường xuyên. Học sinh của anh thường rơi vào hai cực: hoặc xuất sắc, hoặc chậm tiến. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ khoe những học sinh xuất sắc của mình để đánh bóng bản thân. Với anh, sự nỗ lực của những học sinh yếu rất đáng ghi nhận, nếu chỉ chăm chăm khoe thành tích của những “siêu nhân” sẽ là một sự phủ nhận giá trị cố gắng của những học sinh khác. Anh từng viết: “Nhiều người dạy giỏi, lại là du học sinh tốt nghiệp trường top, cứ tung hô thành tích học sinh trên mạng. Để rồi ai cũng thích dạy những học sinh giỏi nhất, những lớp advanced nhất. Rồi khi học sinh được điểm khủng, thì lại tranh giành nhau học sinh này là của tôi hay của anh chị. 

Đồng ý mình cũng rất thích dạy học sinh giỏi, và cũng có những học sinh rất đỉnh. Nhưng nhìn nhiều người cứ từ chối dạy những học sinh học hoài không lên điểm vì tụi nó... học hoài không lên điểm, mình tự hỏi đó có phải là giáo dục?”

Chính vì những quan điểm như vậy, tại các trường học nơi Hiếu cộng tác xây dựng chương trình, anh tuyển giáo viên rất khắt khe. Không chỉ chú trọng chuyên môn, anh đánh giá cao độ say nghề, quan điểm giáo dục. Nhiều giáo viên ngạc nhiên khi anh hay đặt câu hỏi khi tuyển dụng: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng trong đời, bạn sẽ làm gì?” Đã rất nhiều giáo viên bị đánh trượt, bởi họ không có suy nghĩ và câu trả lời nghiêm túc.

Cha mẹ vẫn đóng vai trò quan trọng nhất

Hè sắp đến, khi được hỏi về việc phụ huynh nên chọn trại hè như thế nào cho con, rất bất ngờ khi Hiếu thật lòng chia sẻ: “Các con được nghỉ hè, sao phụ huynh không đồng hành cùng con. Cùng con về quê, đưa con đi khám phá nơi này nơi khác, giải thích cho con về các địa danh văn hóa, cho con thăm lại trường học của cha mẹ ngày xưa, kể cho con về những kỷ niệm của cha mẹ, vừa gắn kết tình thương, vừa bổ túc cho con được bao điều lý thú về cuộc sống, xã hội. Để mỗi ngày hè là một ngày các con và bố mẹ được thật sự... sống cùng nhau. 

Chí Hiếu là thế, anh có tư tưởng sống rất hiện đại, nhưng cũng mang đầy truyền thống đầy tình cảm. Kể lại ngày lễ tốt nghiệp ở đại học Stanford, khi trường công bố các giải thưởng của năm học, với 3 trong 4 giải lớn thuộc về Hiếu, rất nhiều đồng niên đã xôn xao hỏi: Không biết cậu này là ai, từ đâu tới mà thành tích đáng nể như vậy. Nhiều người nhìn Hiếu theo kiểu một “siêu nhân” “lập trình chỉ để học”. Thế nhưng trong bữa tiệc , khi Hiếu phát biểu, có rất nhiều sinh viên đã lặng đi, khi anh chia sẻ suy nghĩ của mình và lời đề nghị: mỗi bạn hãy quay lại ôm cha mẹ và nói lời cảm ơn đấng sinh thành trong sự kiện quan trọng của cuộc đời này.

Đón xem đề thi thử THPT mới nhất 2017 cùng những mẹo mùa thi hữu ích cho các sĩ tử và thư giãn sau mỗi buổi học bằng những truyện cười mùa thi vô cùng thú vị được cập nhật thường xuyên tại DIEMTHI.24H.COM.VN.

                                                                      

15 cựu sinh viên Harvard quyền lực nhất thế giới

Từ cựu tổng thống Hoa Kỳ đến người đứng đầu một số tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới, sinh viên tốt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TA (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN