Sinh viên U60: Học cho nông dân
Ở tuổi ngoài 50, Phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, ông Đặng Văn Mạnh, đã tự bỏ tiền túi đi học cao học với mong muốn giúp ích được nhiều cho nông dân.
Tại khóa cao học chuyên ngành khoa học cây trồng của Trường ĐH Nông Lâm Huế, ông Đặng Văn Mạnh được các bạn học gọi bằng bác và bầu làm lớp trưởng vì ông là học viên cao tuổi nhất khóa.
Tôi là con nông dân
Quê ông Mạnh ở xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm lớp 4, ông phải bỏ học vì mất mùa, cả nhà rơi vào cảnh đói kém. Hình ảnh “hạt lúa lấm bùn” trong bài giảng thời tiểu học ám ảnh và theo ông đến tận bây giờ. Với ông Mạnh, thời nào cũng vậy, nông dân vẫn cơ cực hơn nhiều thành phần khác trong xã hội. Điều này thôi thúc ông chọn ngành trồng trọt của Trường ĐH Nông Lâm Huế dự thi ĐH.
Ra trường năm 1989, ông về công tác tại Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Phú Yên từ đó đến nay. Đã có nhiều công ty nước ngoài biết tiếng ông, tìm đến và mời về làm việc nhưng ông Mạnh trước sau vẫn lắc đầu. “Tôi là con nông dân. Sống chết cũng ở trên đồng ruộng” - ông cười hiền như đất.
“Ít ai như anh Mạnh. Dường như anh chẳng nặng lòng với chuyện cương vị. Làm hết mình cho bà con nông dân là được rồi” - ông Nguyễn Văn Thương, đồng nghiệp nhiều năm công tác chung với ông Mạnh, nhận xét.
Ông Mạnh hướng dẫn nông dân cách chăm sóc lúa giai đoạn trổ bông Ảnh: Hồng Ánh
Là lãnh đạo nhưng người dân thấy ông ở đồng ruộng nhiều hơn ở cơ quan. Dường như tất cả những hội thảo đầu bờ, các lớp tập huấn về trồng trọt ở thôn xã đều có mặt ông. Thậm chí, ông còn thuộc lòng lịch xuống giống của từng cánh đồng để chia thời gian thăm đồng hợp lý.
Học để bớt niềm trăn trở
Tự mình ký giấy đề xuất cho nhiều nhân viên ở cơ quan được học cao học theo chương trình nhà nước hỗ trợ đào tạo nhưng chính ông Mạnh lại tự bỏ tiền túi để đi học. “Tiền học phí toàn khóa trên 24 triệu đồng cộng với những khoản khác cũng lên đến 50 triệu đồng nhưng cũng may bà xã cho tiền đi học” - ông tâm sự.
Với vốn tiếng Anh tự học có thể diễn thuyết lưu loát tại các hội thảo quốc tế, ông Mạnh không ngại khi thi vào cao học nhưng lại vất vả với những bài toán tích phân, đạo hàm do lớn tuổi, kiến thức đã mai một. “Tôi phải mượn sách về đánh vật với những bài toán ấy mấy tháng trời mới dám thi cao học” - ông kể. Luận văn thạc sĩ của ông nghiên cứu về đặc điểm sinh học và khả năng ký sinh của ong ký sinh bọ dừa được giáo viên hướng dẫn đánh giá rất cao và cho rằng đấy là một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị khi người viết đã dày công thực nghiệm trong một thời gian dài. Từ loài ong ký sinh Asecodes hispinarum không phù hợp với khí hậu đầy nắng và gió Phú Yên được thay thế cho ong ký sinh Tetrastichus brontispae hiện đang giúp các vườn dừa tỉnh này phục hồi xanh tốt. “Chỉ có người tâm huyết với nông dân, với trồng trọt mới dày công như vậy” - Hồ Xuân Tịnh, một kỹ sư cùng lớp cao học với ông Mạnh, nhận xét.
Những kỹ sư trồng trọt trong lớp cao học khóa 17 của Trường ĐH Nông Lâm Huế cho biết lớp trưởng dường như không nghỉ buổi học nào. “Thật ra, nhiều lúc cũng muốn cúp cua đi cà phê lắm nhưng nghĩ lại mình là người già nhất trong lớp nên thôi. Mà không chỉ với lớp đâu, còn phải làm gương cho 2 đứa con trai nữa” - ông khề khà cười.
Trong lời nói đầu luận văn tốt nghiệp cao học đang thực hiện, ông Mạnh viết: “Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành trồng trọt, tôi hăm hở mang hành trang kiến thức về quê hương. Thế nhưng, với kiến thức của một kỹ sư ở tỉnh lẻ miền Trung, tôi cảm thấy lạc hậu trước những bước tiến dài của khoa học, càng xa vời với ước mơ vực dậy một nền canh tác truyền thống đã trở thành quá khứ của nhiều quốc gia tiên tiến. Càng trưởng thành trong công tác, tôi càng thấy thấm thía cho những khó khăn trong thực tế sản xuất của nông dân mà bản thân không giải quyết được. Tôi nghĩ chỉ có học mới giúp mình giảm bớt niềm trăn trở ấy dù ở cái tuổi không còn trẻ”.
Ông ngoại lấy bằng kỹ sư
Tháng 11/2012, ông Lê Văn Xê (ngụ xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tốt nghiệp Khoa Nông học Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, trở thành kỹ sư ở tuổi 70, khi đã lên chức ông ngoại.
Trước đó, để kiếm tiền cho 5 người con ăn học, ông Xê mở 1 cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Thủ Thừa. Năm 2000, đứa con trai út tốt nghiệp ĐH cũng là lúc ông Xê khăn gói đi học tại Trường Trung học Dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Bộ ở tỉnh Tiền Giang. Sau đó, ông học liên thông hệ CĐ của Trường CĐ Nông nghiệp Nam Bộ và tốt nghiệp năm 2009, khi đã 66 tuổi. Cứ tưởng việc học như vậy là đủ nhưng hay tin Trường ĐH Nông Lâm TP HCM phối hợp với Trường CĐ Nông nghiệp Nam Bộ mở lớp liên thông hệ vừa làm vừa học, ông lại 1 tuần 3 ngày vượt 80 km đến trường và đã tốt nghiệp kỹ sư nông học loại khá.
Người đàn ông tóc đã bạc gần hết mái đầu tâm sự: “Gần cả đời quen với đồng ruộng, sông nước, có biết computer, con chuột, trình bày văn bản, email là gì đâu. Những lúc đó, tôi phải quên mình đã lớn tuổi để cố gắng, mày mò và hỏi han thêm bạn bè”. May mắn bên cạnh ông luôn có người vợ, bà Nguyễn Thị Bê, năm nay 68 tuổi. Bà Bê kể gia đình vốn nghèo khó, lại nuôi 5 đứa con ăn học đàng hoàng, những tưởng đã có thể an nhàn tuổi già, thế mà bà lại vất vả khi ông bỗng dưng mê học. “Ban đầu, ông nói đi học để được cấp giấy mới đủ điều kiện làm ăn, tôi thấy đúng nên coi sóc nhà cửa để ông yên tâm học hành. Nào ngờ đòi học lên CĐ, rồi còn học lên ĐH, không ngờ ông quyết tâm dữ vậy. Rồi cộng thêm sự ủng hộ từ mấy đứa con, tôi để ông học luôn. Có những khi ông bị tai nạn ở chân, tui đi học luôn cùng chồng” - bà Bê cho hay.
TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, nhận xét: Ông Xê là điển hình cho tấm gương ham học, học vì kiến thức chứ không phải ganh đua bằng cấp. Vừa rồi có kết quả thi cao học, ngưỡng mộ tấm gương của ông Xê, nhiều người đề nghị đặc cách cho ông vào cao học nhưng thi cử phải nghiêm túc và bản thân ông Xê cũng không muốn sự đặc cách này.