Sinh viên phản ứng sim “tài khoản học vụ”
Vài ngày gần đây, nhiều sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) bày tỏ thái độ không đồng tình trước việc lãnh đạo nhà trường đột nhiên ra thông báo đề nghị thu tiền từ SV để kích hoạt sim điện thoại của một nhà mạng di động đóng tại Huế, nhằm tạo tài khoản học vụ với mục đích “phục vụ tốt hơn về trao đổi thông tin giữa nhà trường - sinh viên”.
Trước đó, ngày 26/10, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) phát thông báo gửi các khoa, lớp về việc cấp tài khoản học vụ cho sinh viên (SV). Cụ thể, tài khoản học vụ do trường này cấp bao gồm sim điện thoại thông qua một nhà mạng di động có trụ sở đóng tại Huế và địa chỉ email cho SV.
Điều đáng nói, để có tài khoản học vụ như đề nghị, SV Đại học Ngoại ngữ Huế phải nộp tiền kích hoạt sim card về cho trường, mà không hề nhận được sự hỗ trợ miễn phí nào từ nhà mạng. Trong khi, đa phần SV của trường (khoảng 4.000 em) đã sử dụng các thuê bao điện thoại của nhiều nhà mạng di động từ trước đó.
Qua thư điện tử gửi tới phóng viên, sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Huế, bày tỏ: “Sinh viên chúng em đã dùng ít nhất một sim điện thoại có từ trước. Muốn dùng sim mới liên quan tài khoản học vụ, SV phải mua thêm máy điện thoại mới nếu không muốn vứt đi sim cũ, như vậy thì quá tốn kém. Còn nếu bỏ sim cũ chuyển qua sim “tài khoản học vụ” thì lại phát sinh nhiều phiền phức, bất tiện trong giao dịch, liên lạc với người thân, bạn bè, gia đình”.
Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế triển khai chính sách “tài khoản học vụ” gây phản ứng trong nhiều sinh viên.
Xung quanh những lùm xùm nêu trên, trao đổi với PV Tiền Phong vào sáng 2/11, ông Nguyễn Tình, Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ, thanh minh: Do những hình thức liên lạc trước đây với SV (theo địa chỉ gia đình, điện thoại, qua trang web của trường…) hạn chế về hiệu quả, nhiều SV không tiếp nhận được thông tin trao đổi, nên nhà trường triển khai chính sách cấp tài khoản học vụ từ hỗ trợ của một nhà mạng di động.
“Chúng tôi thấy đây là một kênh hỗ trợ hợp lý nên triển khai, không hề ép buộc SV, nhà trường cũng không hưởng lợi gì từ chính sách này. Tuy nhiên, quá trình tham mưu nội dung, kế hoạch triển khai của Phòng Công tác sinh viên để lãnh đạo nhà trường ra thông báo triển khai về các lớp đã có những sơ suất, gây hiểu nhầm cho SV. Phòng này cũng đã nhận khuyết điểm với ban giám hiệu. Phía lãnh đạo nhà trường xin rút kinh nghiệm về việc này”, ông Tình cho biết.
Được biết, trước phản ứng của nhiều SV, ngày 30/10 vừa qua, lãnh đạo trường Đại học Ngoại ngữ Huế đã ban hành thêm văn bản mới, thể hiện chủ trương của trường là “khuyến khích” chứ không ép buộc SV đăng ký tham gia “tài khoản học vụ” qua thuê bao điện thoại di động nếu không muốn tham gia.