Sinh viên lại quay cuồng với bão giá
Cuộc sống bị đảo lộn bởi giá các mặt hàng luôn cùng tiến với giá xăng. Sinh viên từ lâu đã phải tập sống chung và phụ thuộc với nhịp điệu lên – xuống của xăng dầu.
Các mặt hàng đều tăng
Quyết định tăng giá xăng dầu đi vào thực thi, cũng là lúc giá các mặt hàng bám đó để leo thang. Từ mớ rau, quả trứng hay củ lạc đều đồng loạt tăng giá....
Sinh viên lên mạng bức xúc vì các dịch vụ đều tăng theo giá xăng
Bạn Trần Thị Trang (sinh viên Trường CĐ Sư phạm Hà Tây, trọ ở xóm trọ Ngọc Hồi) cho biết “Nếu như trước đây, chỉ 2 nghìn đến 3 nghìn là có thể mua được một mớ rau muống to, ngon thì bây giờ, chẳng ai chịu bán dưới 5 nghìn. Rau tăng và vé gửi xe đạp người ta cũng tăng giá”.
Mỗi tháng, Trang được bố mẹ “đầu tư” 2 triệu. Trước kia, tuy không rủng rỉnh nhưng số tiền đó cũng đủ để Trang không phải lo nghĩ tiết kiệm. Còn bây giờ “Xin thêm thì ngại, không xin thì eo hẹp quá”- Trang thở dài.
Không chỉ lo nỗi lo cơm, áo. Sinh viên còn chật vật bởi giá thuê nhà. Phòng trọ, tiền điện, nước được các ông chủ, bà chủ hét giá ngang trời. “Tháng trước, giá phòng trọ bọn mình là triệu rưỡi, mấy hôm nay, ngày nào bà chủ cũng nhắc tăng thêm 200.000 đồng/ phòng. Giá phòng tăng, giá điện cũng tăng.... Cũng muốn chuyển đi, nhưng thấy ở đâu cũng đồng loạt tăng giá nên đành chịu vậy” - Xuân Hòa (sinh viên Trường ĐH Hà Nội, trọ đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) chia sẻ. Với chu cấp 2 triệu đồng/ tháng - Hòa phải chắt bóp để không bị phụ trội.
Đối với sinh viên tỉnh lẻ, còn thêm khoản thuê xe máy nếu phải di chuyển xa. Trước đây giá thuê chỉ từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ/xe, giờ tăng thêm từ 5.000 - 10.000 đồng/ giờ/ xe. Viết Thịnh (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông Thái Nguyên) tâm sự, nếu đi 1, 2 tiếng thì không sao. Hôm nào mà có việc phải đi xa thì chi phí thuê xe cũng tính đến tiền trăm rồi. Chưa kể, đi xa là phải tự đổ xăng....
Những chiêu, trò đối phó
Sống chung với cảnh tăng giá, sinh viên phải từ tìm cách để thích nghi. Những kế hoạch mới, dự định mới được hình thành chỉ để “sống sót”.
Giá cả thay đổi kéo theo sự thay đổi thực đơn của sinh viên. Thịt, cá xuất hiện với tần suất thưa dần, thay vào đó là đậu, trứng, lạc. “Nếu không chi tiêu tiết kiệm thì số tiền tiêu cả tháng trước đây cũng không đủ để tiêu nửa tháng bây giờ. Ăn đậu, trứng mà bọn mình còn chật vật. Lấy đâu ra thịt, cá mà ăn” - Long (sinh viên Trường CĐ Xây dựng, trọ ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì) chia sẻ.
Bão giá, sinh viên ăn uống đạm bạc. (Ảnh minh họa).
Đối với những sinh viên gần chợ đầu mối, họ chịu khó dậy sớm để đi mua với giá bán buôn. Bằng cách này, họ có thể cải thiện bữa ăn mà không tốn nhiều chi phí. Đã có xóm trọ hùa nhau chung vốn để có bữa ăn tươi. Xóm trọ của Vân Anh (Trường CĐ Truyền hình) ở Quán Gánh, Thường Tín là một ví dụ điển hình. Cả xóm góp tiền chung rồi thay nhau đi chợ. Với hình thức này, thực đơn cũng được thay đổi bữa thịt, bữa cá...
Để hạn chế chi phí, nhiều sinh viên còn rủ nhau tiết kiệm bằng cách hạn chế bật máy tính và các thiết bị điện, đi xe buýt nhiều thay cho xe máy hay “độc” hơn là rủ nhau ngủ tập thể buổi trưa để... đỡ tốn quạt điện.
Những cách tiết kiệm này tuy hiệu quả nhưng vẫn không đủ để những bạn sinh viên khó khăn chống chọi với cơn bão giá. Nhiều người tá hỏa đi kiếm chỗ trọ mới, càng xa nội thành càng tốt với hi vọng giá thành “mềm” hơn và không lo bị bắt chẹt tiền điện, nước.
Hà Anh (Trường ĐH Ngoại Ngữ, trọ trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy) cho hay, bạn đang nhờ người tìm phòng trọ ở khu vực Minh Khai, Từ Liêm hay Kim Chung, Hoài Đức để tiết kiệm tiền thuê nhà. Ngoài khoản tiền gia đình chu cấp hàng tháng, Hà Anh còn có thêm thu nhập 2,5 triệu đồng/ tháng tiền bán hàng cho một shop quần áo trên đường Xuân Thủy. Tuy nhiên, Hà Anh vẫn phải cắt bớt đi một vài sở thích cá nhân để đủ trang trải cuộc sống trên đất Hà Thành.