Nuối tiếc lớp học tình thương Sở Thùng

Dù lớp học phải tạm ngưng nhưng nhóm giáo dục viên tình nguyện vẫn ấp ủ chuyện dạy các em củng cố con chữ, đạo đức, kỹ năng sống như mong mỏi của phụ huynh ở xóm lao động nghèo.

Ba năm qua, tầm 5 giờ chiều đến 7 giờ tối, sân chùa Giác Quang, phường 11, quận Bình Thạnh  (TP.HCM) lại rộn rã tiếng ê a học bài và tiếng cười đùa của những đứa trẻ ở khu xóm rác Sở Thùng. Từ nay khung cảnh quen thuộc ấy không còn vì lớp học phải trả lại không gian cho nhà chùa (để chùa làm việc khác). Nhóm giáo dục viên đều là các bạn sinh viên còn theo học ở các trường ĐH nên không có kinh phí để thuê địa điểm mới cho 30 đứa học trò ở đây.

Mong lớp học mở lại

Mong lớp học mở lại là nguyện vọng của nhiều phụ huynh ở xóm lao động nghèo Sở Thùng do không có điều kiện cho con em đi học thêm hoặc học lớp phổ cập giáo dục.

Thuộc diện được học phổ cập giáo dục tiểu học nhưng vì căn bệnh thận ứ nước, đi đứng phải có người canh chừng nên chị Lâm Thị Thu Tím đành cho bé Phương Anh ở nhà. Lúc trước, ngày nào chị cũng đưa bé ra chùa Giác Quang gần nhà để học chữ, tiện thể trông con rồi đón bé về luôn. Nhờ vậy Phương Anh đã học đến lớp 2. Chị mong lớp học mở tiếp để bé Phương Anh nhớ mặt chữ và quên đi bệnh tật khi gặp các bạn thân quen.

Nuối tiếc lớp học tình thương Sở Thùng - 1

Một buổi sinh hoạt chuyên đề ở lớp học Sở Thùng. Ảnh: H.LAN

Từ ngày lớp học tạm ngưng, hai bà cháu PL buồn thiu. Mẹ bỏ đi, ba đi tù, PL sống với bà từ lúc lọt lòng. Có bao nhiêu chữ nghĩa bà đều cố gắng truyền cho L. để cháu không thua sút bạn bè. Cố mãi cho L. đến được lớp 4 là bà đuối lắm rồi.

Nhờ được các giáo dục viên tiếp sức kèm cặp các môn toán, văn, tiếng Anh mà L. theo được đến lớp 7 với thành tích năm nào cũng là học sinh tiên tiến. “Các thầy cô giáo chỉ là sinh viên thôi nhưng có tấm lòng nhân hậu, nhiệt tình giúp đỡ, trau dồi cho con em nghèo thêm cái chữ, cái nghĩa, đạo đức lễ phép làm bà cảm động lắm. Con nít ở xung quanh đây nhờ thế mà bớt chạy rông, la cà” - bà Lê Thị Lan Nương, bà nội PL, nói.

Cả ngày quần quật ở xí nghiệp may, chị Nguyễn Thị Mỹ Lan chỉ mong sao hai đứa con học lớp 6 và lớp 7 học giỏi để mai sau thoát cảnh nghèo. Chồng theo vợ bé, một mình chị cáng đáng nuôi hai con. “Nhà làm gì có tiền cho con đi học thêm nên có thầy cô kèm cũng mừng. Năm ngoái, hai đứa được học sinh tiên tiến, mấy hôm nay không học thêm nữa, điểm số sa sút thấy rõ” - chị nói buồn. Chị nhiệt tình mời thầy cô về dạy ở nhà trọ mình đang ở nhưng nhà chật chội và nóng quá, không đủ cho việc tập trung một nhóm lớp học.

Nhờ lớp học, hết nghiện game

Gắn bó với lớp học hơn hai năm qua, bạn Hà Thảo Minh Trang, phụ trách lớp, cho biết nhóm đã đôn đáo tìm một số địa điểm mới để tiếp tục dạy trẻ nhưng chưa ra. Trang chia sẻ món quà lớn nhất khi dạy các trẻ ở xóm nghèo là nhìn thấy các em dần chuyển biến về hành vi như biết nghe lời, nhận thức về cuộc sống theo hướng tích cực. Nhiều em đã bỏ thói xấu hay chửi thề, đánh bạn và biết cách nói chuyện lễ phép hơn. Có em không còn ra quán net để chơi game mỗi tối mà dành thời gian đó phụ bà ngoại phân loại ve chai…

Ngoài dạy chữ, các giáo dục viên còn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, cố gắng dạy trẻ kỹ năng sống, nhận thức đúng sai, biết giá trị của bản thân, hình thành những thói quen tốt cho trẻ. Nhiều trẻ có hoàn cảnh gia đình bất hạnh, cha mẹ có học vấn thấp nên không thể hỗ trợ con cái trong việc học, thiếu thời gian chăm sóc, giúp đỡ trẻ giải quyết vấn đề của bản thân.

“Với mong muốn cho trẻ em nghèo ở khu vực Sở Thùng có một cơ hội bình đẳng để phát triển như những trẻ em khác, nhóm đang viết dự án lớp học Sở Thùng để vận động trước hết là địa điểm học cho trẻ. Dự án sẽ gồm có các lớp dành để củng cố kiến thức cơ bản như toán, tiếng Việt, Anh văn, dạy kỹ năng phù hợp giờ giấc của từng đối tượng trẻ. Từ đó giúp các em nhận thức được môi trường xung quanh, nhận ra giá trị của bản thân không phụ thuộc vào hoàn cảnh, tìm ra niềm đam mê, sở thích và khả năng đặc biệt của mình…Quan trọng hơn, chúng tôi muốn hình thành thói quen để phụ huynh đồng hành cùng trẻ cả về vấn đề học và cuộc sống” - Minh Trang cho biết.

Lãnh đạo phường ghi nhận hoạt động của nhóm sinh viên tình nguyện trong thời gian qua đã hỗ trợ học tập, sinh hoạt đối với trẻ em ở xóm lao động nghèo. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn phường không có địa điểm hỗ trợ cho nhóm sinh viên tiếp tục hoạt động này. Chúng tôi sẽ xin ý kiến Phòng GD&ĐT quận tạo điều kiện cho các bạn hỗ trợ giáo dục kỹ năng sống ở các trường phổ cập giáo dục nếu các bạn có nhu cầu. Đối với các trẻ học tại chùa Giác Quang, gần đây phường đã tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em vào học tại hai trường phổ cập giáo dục phường 12 (Trường Bình Hòa) và phường 3 (Trường Hà Huy Tập). Hiện nay phường đang thực hiện tổng điều tra trình độ giáo dục độ tuổi từ 0 đến 60. Chúng tôi sẽ rà soát và tiếp tục vận động ra lớp những trường hợp còn lại.

Bà NGUYỄN THỊ HIẾU, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Bình Thạnh

Lớp học tình thương Sở Thùng có 30 trẻ là con em của lao động nghèo ở xóm rác Sở Thùng. Trong đó có sáu trẻ đã vào lớp phổ cập giáo dục phường 12 (Trường Bình Hòa); 22 trẻ có hoàn cảnh gia đình phức tạp, khó khăn, không có điều kiện đi học thêm; hai trẻ đã quá tuổi nhưng không đến đường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN