Những vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015

Kỳ thi TPHT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức; môn Lịch sử “suýt” bị xóa sổ; cấm thi tuyển vào lớp 6… là những sự kiện giáo dục khiến dư luận xôn xao trong năm qua.

Kỳ thi THPT quốc gia

Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần đầu tiên với rất nhiều điều mới lạ trong cách thức tổ chức cũng như quy chế thi. Kỳ thi hướng tới mục đích “2 trong 1”- dùng kết quả để công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ để tuyển sinh  ĐHCĐ.

Những vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015 - 1

Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐHCĐ (ảnh: Nguyễn Lý)

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 được tổ chức trong 4 ngày (từ 1 - 4.7) ngày với 8 môn thi. Trong đó, mỗi thí sinh phải thi tối thiểu 4 môn, gồm: 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong các môn còn lại. Thí sinh dự thi theo 38 cụm đóng tại 23 tỉnh thành trên cả nước.

Kỳ thi THPT quốc gia cũng đánh dấu sự thay đổi lớn trong phương thức tuyển sinh ĐHCĐ.

Theo đó, sau khi các trường công bố điểm ngưỡng nộp hồ sơ, đã xảy ra một cuộc chạy đua rút-nộp hồ sơ căng thẳng chưa từng có trong lịch sử tuyển sinh ĐHCĐ. Khoảng thời gian rút – nộp hồ sơ kéo dài trong 20 ngày đã gây ra hỗn loạn trong công tác tuyển sinh tại một số trường. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm và đưa ra phương án khắc phục cho kỳ thi năm sau.

Cấm thi tuyển vào lớp 6

Chiều 17.3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký công văn gửi các sở giáo dục, chỉ đạo không tổ chức thi tuyển vào lớp 6.

Chỉ thị này đã khiến các sở lúng túng, trường bàng hoàng còn phụ huynh thì lo ngại một làn sóng "làm đẹp học bạ" sẽ diễn ra...

Những vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015 - 2

Cấm thi tuyển vào lớp 6 đã khiến nhiều trường bối rối (ảnh: Báo Giao thông)

Một số trường sau đó đã trình phương án tuyển sinh dựa trên chỉ số IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc) nhưng cũng không được chấp thuận.

Đúng như lo lắng của các trường trọng điểm, cuộc chạy đua vào lớp 6 căng thẳng ngay từ khâu bán hồ sơ xét tuyển. Phụ huynh xếp hàng dài, mướt hôi để mua hồ sơ xét tuyển cho con rồi lại tiếp tục như vậy ở ngày nộp hồ sơ… Phía các nhà trường cũng toát mồ hôi hột lo “sập cổng trường” và đưa ra tầng tầng lớp lớp các tiêu chí xét tuyển.

Tranh cãi nảy lửa tích hợp môn Lịch sử

Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc".

Sau khi dự thảo được đưa ra đã nổi lên một làn sóng tranh luận gay gắt về số phận môn Lịch sử. Cuối cùng, sau rất nhiều cuộc hổi thảo, các buổi tranh luận… chiều 27.11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết trong đó yêu cầu “tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình SGK mới”.

Theo đó, Lịch sử được tích hợp ở cấp một, nhưng là môn độc lập tại bậc THPT. Thí sinh dự thi đại học môn này sẽ chọn chương trình nâng cao.

Những vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015 - 3

Môn Lịch sử sẽ được tích hợp ở tiểu học và là môn độc lập ở bậc THPT (ảnh minh họa)

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đạo tạo Y Dược

Ngày 19.11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT- Bùi Văn Ga ký quyết định cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, ngành Y đa khoa và Dược học.

Những vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015 - 4

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (ảnh: Tất Định)

Thông tin về văn bản này được rất nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, cùng các ý kiến khác nhau. Ngay cả những người hoạt động trong ngành y cũng tỏ ra lo ngại trường này có đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên để đào tạo một ngành đặc thù như y dược hay không.

Trước những băn khoăn đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra việc trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có thực hiện các yêu cầu, đảm bảo các điều kiện cần thiết theo đúng kết luận tại Biên bản của Đoàn thẩm định (liên ngành Giáo dục – đào tạo – Y tế tổ chức trước khi Bộ GD-ĐT quyết định cho phép trường mở ngành) hay không.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, đoàn kiểm tra vẫn chưa làm việc được với ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Đà Nẵng kiện “nhân tài”

Được cử đi học tập ở nước ngoài, nhưng những “nhân tài” đã không trở về cống hiến cho thành phố như đã hứa. Cực chẳng đã, chính quyền Đà Nẵng phải khởi kiện hàng loạt “nhân tài” ra toà nhằm thu lại chi phí mà nhà nước đã bỏ ra…

Những vấn đề giáo dục gây tranh cãi năm 2015 - 5

Một phiên xét xử "nhân tài" ở Đà Nẵng (ảnh: Oanh Trần)

Ngày 26.11, TAND TP Đà Nẵng trong phiên xử sơ thẩm vụ kiện dân sự đã buộc bị đơn Lê Tuấn Anh (29 tuổi), học viên thuộc Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (Đề án 922) của thành phố Đà Nẵng, phải bồi hoàn hơn 1,768 tỷ đồng cho thành phố.

Trước đó, từ tháng 10.2014 đến tháng 9.2015, Đà Nẵng đã kiện 15 nhân tài vi phạm hợp đồng ra tòa. TAND TP Đà Nẵng đã xét xử sơ thẩm 9 vụ, buộc các học viên phải bồi thường hơn 10 tỷ đồng cho ngân sách thành phố. Mới đây bảy “nhân tài” đã kháng cáo sau khi thua kiện Đà Nẵng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Lý (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Sự kiện nổi bật năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN