Giáo viên nhận định: Môn Địa lý dễ dàng “ăn” điểm

“Đề thi môn Địa lý tương đối dễ, vừa sức với trình độ của học sinh, nội dung các câu nằm hoàn toàn trong chương trình sách giáo khoa, thí sinh dễ dàng “ăn" điểm.

"Đề vừa sức với học sinh"

Cô Phùng Thanh Thảo, Tổ trưởng Tổ Xã hội, trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận định.

Theo cô Thảo, đây là đề thi hợp lý cả về kiến thức và kỹ năng, thích hợp để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học. Đề có cấu trúc như đề thi minh họa, nhưng sắp xếp lại rõ ràng mạch lạc hơn. Nhìn chung đây là đề thi dễ, giảm học thuộc lòng của thí sinh.

Giáo viên nhận định: Môn Địa lý dễ dàng “ăn” điểm - 1

 Đề thi môn Địa lý

Cụ thể: Câu 1: Kiến thức nằm hoàn toàn trong SGK, câu hỏi dễ, không cần phải tư duy để trả lời.

Câu 2: Câu trả lời dựa hoàn toàn vào Atlat, các em chỉ cần thành thạo kĩ năng đọc bản đồ đã có thể trả lời rất dễ dàng và đây là câu “ăn điểm” tuyệt đối cho các em.

Câu 3: Đề thi yêu cầu rất rõ ràng: Vẽ biểu đồ kết hợp (giữa cột chồng và đường) nên học sinh sẽ đạt điểm tuyệt đối ở câu này nếu các em vẽ đúng, rõ ràng và khoa học.

Ngoài ra, phần nhận xét và giải thích tình hình phát triển của ngành trồng cây công nghiệp dựa vào biểu đồ kết hợp kiến thức đã học trong chương trình Địa lý 12. Với những em có kĩ năng thực hành tốt thì đây là việc đơn giản.

Câu 4: Câu này đòi hỏi các em cần có tư duy, logic, kết hợp cả kiến thức có trong SGK và kiến thức thực tế để trả lời. Đây là câu hỏi hay, đánh giá được năng lực của học sinh.

Câu 4 cũng đề cập đến vấn đề biển đảo. Đây là vấn đề xã hội đang rất quan tâm. Bên cạnh đó, bảo vệ biển đảo đã được ra trong đề thi môn văn học nên đây là nội dung không gây bất ngờ cho các em và dễ dàng cho các em “ăn điểm”.

“Kiến thức bao quát các nội dung trong chương trình SGK. Đề thi vừa sức với trình độ của học sinh, nội dung các câu hỏi không khó và nằm hoàn toàn trong chương trình SGK, chỉ cần HS ôn luyện chăm chỉ thì bài làm sẽ đạt trên 70%. Đề thi năm nay tương đối dễ”, cô Thảo cho hay.

Thạc sĩ Trần Thị Hồng Thúy, giáo viên môn Địa lý trường Lê Hồng Phong (Nam Định) cho biết, đề thi môn Địa lý năm nay bám sát chương trình học, đảm bảo được hai mục tiêu là thí sinh xét tốt nghiệp và xét vào đại học. Một số câu hỏi có sự phân hóa cao.

Theo cô Thúy, trong đề thi vẫn có câu hỏi dạng mở, nhằm kiểm tra tư duy của học sinh đối với những vấn đề kinh tế, xã hội hiện tại. Ví dụ: Ở ý 2 của câu hỏi 4, có hỏi hãy giải thích tại sao tài nguyên biển đảo có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước.

Câu hỏi dạng này cũng đưa ra yêu cầu khá rõ, do vậy, thí sinh cần nêu bật được ý đảm bảo an ninh quốc phòng, đồng nghĩa với việc khẳng định chủ quyền biển đảo, góp phần bảo vệ an ninh của đất nước.

Ý hỏi về phát triển kinh tế: Học sinh phải nêu bật được việc phát triển kinh tế biển đảo nó giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên biển đảo; giúp đa dạng hóa cơ cấu kinh tế; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân…

Trong khi đó, cô Trần Thị Hương Huyền, giáo viên Địa lý trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình (Hà Nội) đánh giá đề thi năm nay không quá khó và bất ngờ. Kiến thức đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình địa lý lớp 12, cấu trúc đề thi tương đương như cấu trúc đề mẫu nên về cơ bản. Đề thi hoàn toàn định hướng và chủ động làm các nội dung được phân phối ở trong đề.

Trong đề thi môn Địa Lý, học sinh nếu biết sử dụng Atlat đều có thể làm được.

Cô Trần Thị Hương Huyền cũng đánh giá, đề có tình phân loại phù hợp với từng đối tượng học sinh. Với học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp thì câu Atlat, vẽ biểu đồ các em có thể làm được (đối với học sinh thành phố được luyện nhiều).

Giáo viên nhận định: Môn Địa lý dễ dàng “ăn” điểm - 2

Thí sinh làm bài thi môn Địa lý

Học sinh trung bình có thể đạt 7 điểm

Theo phân tích của cô  Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên THPT Bùi Thị Xuân (Q.1):

Cấu trúc đề thi Địa lý năm nay tương tự như cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, nội dung nằm trọn vẹn trong chương trình lớp 12. Đề thi khó hơn đề thi tú tài mọi năm một chút nhưng dễ hơn đề thi đại học khối C.

Một điều thuận lợi mới cho các học sinh chọn môn Địa lý để thi THPT Quốc gia 2015 là được sử dụng Atlat. Hàng năm học sinh thi đại học khối C không được sử dụng Atlat.

Câu 1: Câu này chú trọng tới mức độ nhận biết như: đặc điểm sông ngòi Việt Nam và đặc điểm của nguồn lao động.

Câu 2: Câu này yêu cầu thí sinh xác định các tỉnh nước ta có đường biên giới trên đất liền chung với Trung Quốc và kể tên các trung tâm công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, câu này thí sinh được sự dụng Atlat nên đa số học sinh làm được.

Câu 3: Câu này yêu cầu thí sinh vẽ biểu đồ kết hợp giữa cột chồng và đường. Thí sinh có thể tham khảo loại biểu đồ này trong Atlat địa lý Việt Nam. Câu này dành cho học sinh khá.

Câu 4: Câu này yêu cầu thí sinh trình bày được thế mạnh về tự nhiên để phát triển công nghiệp khai thác than, dầu khí; đồng thời hiểu được vì sao Trung du miền núi Bắc bộ tập trung nhiều nhà máy thủy điện có công suất hàng đầu của nước ta. Câu này có sự phân hóa, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy và học kỹ về môn địa lý. Câu này dành cho học sinh giỏi.

Tóm lại, đề thi địa lý năm nay có sự sắp xếp câu hỏi từ dễ đến khó. Chỉ với 2 câu đầu, thí sinh có thể dễ dàng đạt 3-4 điểm. Câu vẽ biểu đồ dù kết hợp giữa cột chồng và đường nhưng cũng không làm khó học sinh. Riêng câu 4 là câu khó có tính phân loại học sinh vì yêu cầu học sinh phải nắm vững kiến thức để phân tích và chứng minh cho luận điểm.

Với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt điểm 7.

Hà Nội: Xuất hiện phao thi sau giờ thi môn Địa Lý

Sau giờ thi môn Địa Lý, tại Hà Nội, nhiều phao thi vất rải rác ở nhà gửi xe, ven đường, quán trà đá gần cổng trường, bến xe buýt…

Sáng nay (3.7), thí sinh trên cả nước tiếp tục bước vào làm bài thi môn Địa Lý với thời gian 180 phút. Ghi nhận của phóng viên, sau giờ thi tại một số điểm thi ở Hà Nội xuất hiện phao vất rải rác ở ven đường, quán trà đá gần cổng trường, bến xe buýt…

Tại điểm thi trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, sáng 3.7, có 4.152 thí sinh dự thi trên tổng 4.219 thí sinh đăng ký. Ngay sau khi vừa hết 2/3 thời gian làm bài (khoảng 10h), một số thí sinh ra ngoài sớm.

Đến khoảng 10h40 phút, phóng viên ghi nhận được phao thi bỏ trắng xóa ở ven đường, trong nhà xe gửi ở bên phải cổng trường, đường vào cổng phụ trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, gần bến xe buýt…

Giáo viên nhận định: Môn Địa lý dễ dàng “ăn” điểm - 3

Phao thi vứt cạnh hàng rào gần trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Phao thi được thiết kế với đủ loại hình vuông, hình chữ nhật với kích thước từ 4cm-6cm có thể cho gọn vào trong lòng bàn tay. Nội dung trong phao thi đều nói về kiến thức liên quan đến môn Địa Lý.

Tại điểm thi trường Đại học Thủy Lợi, phóng viên cũng ghi nhận hiện tượng phao thi vất ở quán trà đá ngay cổng trường sau giờ thi môn Địa Lý. Tại điểm thi này, phao thi to hơn lòng bàn tay vất trắng trên nền đường.

Giáo viên nhận định: Môn Địa lý dễ dàng “ăn” điểm - 4

Phao thi vất bừa bãi ở ngay gần cổng trường Đại học Thủy Lợi 

PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh trên báo chí về việc thí sinh mang phao thi, Bộ GD-ĐT đã cho xác minh thông tin. “Cũng có thể “phao thi” để bên ngoài phòng thi, sau khi thi xong thí sinh vứt, tuy nhiên đó là hình ảnh không đẹp, gây phản cảm. Chúng tôi đang yêu cầu xác minh” – ông Trinh nói.

Theo ông Trinh, ngay lập tức Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các cụm thi tăng cường công tác an ninh, an toàn coi thi không chỉ trong phòng thi mà cả bên ngoài phòng thi, không để hiện tượng gian lận thi cử xảy ra.

Nguyễn Đức- Công Phương – Diệu Thu

Để nhận ngay ĐÁP ÁN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT QG năm 2015, soạn tin:

DATN > gửi 8702

VD: Thí sinh thi môn Hóa học, mã đề 123 soạn tin:

DATN HOA 123 gửi 8702

Xem chi tiết Bấm đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu- Nguyễn Đức -Thiên Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN