Mái ấm của những mảnh đời khuyết tật

Từ Trung tâm Vì ngày mai do bà Lê Minh Hiền làm Giám đốc, nhiều thế hệ học trò khuyết tật đã trưởng thành, làm chủ cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội. “Dù khuyết đi một phần cơ thể, nhưng chúng ta vẫn còn trái tim và khối óc”, bà Hiền thường dạy những đứa trẻ khuyết tật ở trung tâm của mình như thế.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từ nhỏ Lê Minh Hiền luôn là niềm tự hào của cả gia đình vì kết quả học tập xuất sắc. Một tai nạn bất ngờ xảy ra khi cô đang đi thực tế cơ sở để chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Tai nạn khiến cô bị dập nát cả chân và tay, mất đi 81% sức khỏe, một chân bị hỏng hoàn toàn, việc di chuyển phải dựa vào cây nạng và chiếc xe ba bánh dành cho người khuyết tật. Thế nhưng bằng nỗ lực của bản thân, cô vẫn hoàn thành tốt khóa học và được Sở Quản lý ăn uống và Dịch vụ Hà Nội (nay là Sở Công thương) nhận vào công tác. 

Mái ấm của những mảnh đời khuyết tật - 1

Các bạn trẻ khuyết tật đang được hướng dẫn học nghề tại Trung tâm

Sau 20 năm công tác trong ngành, bà Hiền nghỉ hưu và tích cực tham gia các công việc ở địa phương. Vốn giỏi nữ công gia chánh, bà nhận làm gia công các sản phẩm quà tặng tại nhà, vừa để có thêm thu nhập và cũng là để có điều kiện thực hiện tâm nguyện của mình – giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Ban đầu, dăm ba bạn trẻ khuyết tật hàng xóm sang chơi và làm cùng. Rồi cứ thế, các bạn trẻ khuyết tật nối nhau tìm đến nhà cô xin học nghề. Cùng cảnh ngộ, cô Hiền tận tình hướng dẫn, truyền nghề, san sẻ bớt công việc để tạo thêm thu nhập cho các em. Dần dần, bà quyết định thành lập cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật.  

"Từ ngôi nhà Vì ngày mai này, các em đã có nghề nghiệp, đã tự tạo được thu nhập cho bản thân, nhiều em đã tách ra và nỗ lực khẳng định được thành công trên đường đời. Từ Trung tâm, 30 cặp bạn trẻ đã nên duyên vợ chồng. Các em là niềm tự hào, niềm vui của cả Trung tâm. Thật hạnh phúc khi thấy những đứa con của mình biết vượt qua những mặc cảm, số phận để thành những người có ích cho xã hội”.

Cô Lê Minh Hiền
Giám đốc Trung tâm Vì Ngày mai

Đến năm 2002, cơ sở chính thức đổi thành Trung tâm Vì ngày mai. Sau hơn 10 năm hoạt động, Trung tâm đã đào tạo nghề được cho gần 600 thanh niên và trẻ khuyết tật. Bà Hiền cho biết: “Đa số người khuyết tật đến với Trung tâm thường mặc cảm, thiếu tự tin, lại theo nếp sống tự do không chịu ép mình vào kỷ luật, thích thì làm bằng được nhưng không thích là bỏ. Vì vậy, việc đào tạo để họ có một nghề ổn định, tự nuôi sống bản thân gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, thời gian đào tạo cho người khuyết tật thường lâu gấp 3, 4 lần người bình thường”.

Để Trung tâm tồn tại và phát triển, 11 năm qua, bà Hiền phải bươn chải khắp nơi tìm nguồn tài trợ cho các hoạt động. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Sau bao nỗ lực, cuối cùng những nỗ lực của bà đã được đền đáp khi Trung tâm ngày càng phát triển, liên tiếp được nhận nhiều bằng khen của Bộ LĐ, TB&XH; Hiệp hội Các làng nghề Việt Nam; Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật Việt Nam; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam… Năm 2008, Trung tâm nhận “Giải băng xanh” do tổ chức Bree trao tặng; năm 2009, được xếp hạng là 1 trong 10 tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tốt nhất Việt Nam; năm 2010, Trung tâm trở thành thành viên của Tổ chức Công bằng Thương mại thế giới; năm 2011, Trung tâm là đơn vị đầu tiên đại diện Việt Nam nhận giải Vì cộng đồng của Hàn Quốc; năm 2013, Trung tâm lọt vào top 50 đơn vị, thương hiệu sản phẩm và dịch vụ nổi tiếng... 

Mái ấm của những mảnh đời khuyết tật - 2

Cô Lê Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm Vì Ngày mai

Nhưng với bà Hiền, quan trọng nhất, Trung tâm đã thực sự trở thành mái nhà chung cho những trẻ em khuyết tật

Trong khuôn viên rộng chừng 2ha số 96, tổ 19B Cổ Nhuế của Trung tâm Vì ngày mai có xưởng học nghề, xưởng sản xuất, nơi ăn ở và sinh hoạt của hơn 60 học viên khuyết tật. Theo anh Thái Văn Tặng - Phó giám đốc Trung tâm, sau 1 năm học nghề, các bạn khuyết tật sẽ tham gia vào tổ sản xuất và tự tạo ra thu nhập cho bản thân. Nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, khéo léo, chẳng mấy ai nghĩ nó được làm ra từ những đôi bàn tay co quắp, dị tật, từ những con người chẳng bao giờ được nhìn thấy ánh sáng… 

Từ ngôi nhà Vì ngày mai này, hàng trăm các bạn trẻ khuyết tật đã trưởng thành, nhiều bạn trẻ đã thành công như Đặng Trần Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ “Người điếc 5 màu” có trụ sở tại đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Đặng Trần Thành là thành viên của Trung tâm, được sự giúp đỡ của bà Hiền đã tách ra, tự kinh doanh. Hay như em Nguyễn Thu Thương - người mang căn bệnh xương thủy tinh trước khi đến với trung tâm luôn mang mặc cảm, tự ti bệnh tật, thế nhưng giờ Thương đã trưởng thành và nổi tiếng với thương hiệu đồ handmade Thương Thương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Chi (Báo Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN