Lại phải sửa quy chế tuyển sinh?

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng kỳ thi “ba chung” nên duy trì nhưng quy chế tuyển sinh cần phải tiếp tục được điều chỉnh để tránh bất cập khi áp dụng vào thực tế.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh nêu quan điểm: Quy chế tuyển sinh cần phải được giữ ổn định để tránh làm khó cho trường và thí sinh (TS). Tuy nhiên, trước việc quy chế tuyển sinh năm 2012 sửa đổi một số điều gây bất cập, đại diện nhiều trường cho rằng quy chế tuyển sinh năm 2013 sẽ phải tiếp tục được xem xét sửa đổi.

Xem xét lại điều 33

Việc Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa có văn bản gửi Bộ GD-ĐT đề nghị cho phép các trường ĐH ngoài công lập tại ĐBSCL được vận dụng điều 33 trong quy chế tuyển sinh cũ, là một minh chứng cho thấy quy chế tuyển sinh năm 2012 với việc bỏ quy định tại điều 33 (cho phép các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ và đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1 điểm) đã làm cho các trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập tại các tỉnh chới với.

Các trường ĐH ngoài công lập tại khu vực ĐBSCL chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu. Đó là nguyên nhân khiến Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phải có đề nghị tréo ngoe này.

Tuy nhiên, không chỉ ở ĐBSCL, nhiều trường ĐH ở các tỉnh khác cũng vì quy chế 33 sửa đổi mà khó khăn lại càng chồng chất. Đại diện một trường ĐH ở Đồng Nai cho biết các năm trước khi được áp dụng quy chế 33, trường có thể gọi được khoảng 30%-40% chỉ tiêu từ diện này năm nay dù kéo dài thời gian xét tuyển nhưng vẫn như “cảnh chợ chiều”. “Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ kiến nghị như vậy là hợp lý, bởi vì nếu không có một chính sách ưu tiên nào trong tuyển sinh đối với các trường tỉnh, thì TS không dại gì vào các trường này mà sẽ chọn các trường ở TP lớn” - vị này nói.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên áp dụng lại quy định cho phép nới điểm sàn. Tiến sĩ Ngô Đức Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TPHCM, cho rằng điểm sàn hiện nay là vừa tầm, không thể vì tuyển sinh không được mà xin nới điểm theo quy chế cũ. Nếu TS không đủ điểm vào ĐH thì nên chuyển hướng vào CĐ hoặc CĐ nghề để bảo đảm chất lượng đầu vào.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng việc bộ điều chỉnh quy định tại điều 33 của Quy chế tuyển sinh 2012 có điểm phải xem xét lại vì chưa rõ ràng. Đó là quy định tuyển thẳng TS ở 62 huyện nghèo. Theo ông Tuấn, việc phải đào tạo 1 năm dự bị cho đối tượng này trường không thể “gánh” được vì số lượng TS này không nhiều; bộ cũng không quy định rõ TS thuộc diện này có được miễn học phí hay không nên việc áp dụng rất rối.

Tiến sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cũng cho rằng bộ cần có quy định chi tiết hơn, tránh kẽ hở để trường tự đặt ra những rào cản khác nhau khiến TS diện này mất cơ hội.

Cụ thể để tránh “chọi” nhau

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho rằng năm nay, bộ không quy định rõ thời gian bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung mà các trường tự quy định khiến việc xét tuyển “loạn” cả lên. Ngày 8-8, bộ định điểm sàn mà có trường nhận hồ sơ từ ngày 10-8, trong khi các trường phải mất ít nhất 1-2 tuần mới định điểm chuẩn và gửi xong giấy báo điểm cho TS. Điều chỉnh này gây bất lợi lớn cho TS, do đó thay vì quy định thời hạn kết thúc nhận hồ sơ thì nên quy định mốc bắt đầu nhận hồ sơ.

Ngoài ra, đại diện các trường cũng cho rằng việc bộ không rõ ràng trong việc cho phép TS đưa vật dụng vào phòng thi đã khiến các trường gặp rất nhiều rắc rối trong công tác tổ chức thi. Do vậy, năm tới, bộ cần có những quy định rõ ràng, kịp thời để không đẩy trường và TS vào thế khó như năm vừa qua.

Theo tiến sĩ Phạm Thái Sơn, việc bộ không phát hành cuốn Những điều cần biết… là một trong những yếu tố khiến khâu tuyển sinh thêm chệch choạc. Ông Sơn cho biết năm nay TS ghi hồ sơ sai rất nhiều, nhất là sai mã ngành chỉ vì TS không có một tài liệu mang tính pháp lý rõ ràng. Nhiều thông tin từ các nguồn khác nhau, trong đó có nhiều nguồn thông tin không chính xác khiến cho TS cũng sai theo. Do vậy, bộ cần xem xét phát hành lại cuốn Những điều cần biết… để TS tránh sai sót và thuận lợi cho trường trong việc điều chỉnh hồ sơ.

Tổ hợp môn thi

Ngoài điều chỉnh quy chế tuyển sinh, một số chuyên gia cho rằng nên tổ chức lại kỳ thi ba chung theo hướng gọn nhẹ hơn. “Thay vì tổ chức 3 đợt, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ chỉ nên tổ chức 1 đợt và kéo dài 3-4 ngày, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và áp lực. Ví dụ thay vì thi theo khối và 2 ngày, 3 môn như hiện nay thì có thể gom lại 6 môn thi trong 3 ngày. Thí sinh nào thi khối D thì thi toán - văn - ngoại ngữ; nếu thi thêm khối A thì thi thêm 2 môn lý - hóa và lấy kết quả môn toán của khối D để tổ hợp điểm. Tương tự, các khối B, C cũng vậy. Bằng cách tổ hợp điểm các môn thi, khối thi vẫn duy trì mà kỳ thi lại trở nên rất gọn nhẹ” - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, đề xuất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Vinh (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN