Học sinh Phần Lan theo chân tuần lộc học tích hợp
Thay vì dạy riêng rẽ từng môn, nhiều trường phổ thông ở Phần Lan đã bắt đầu áp dụng phương pháp tích hợp nhiều môn học để việc học không chỉ gói gọn trong trường lớp mà gắn chặt với đời sống hàng ngày.
Trong kỳ đầu mùa thu, cứ mỗi chiều thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, các em học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 của trường trung học Utjoski không học tại lớp mà đến làm việc, học tập tại một trang trại tuần lộc của địa phương.
Trường Utjoski nằm ở cực Bắc tỉnh Lapland - miền Bắc Phần Lan, là nơi sinh sống của bộ tộc thiểu số Sami với nghề nuôi tuần lộc có truyền thống hàng ngàn năm qua. Ngày nay, các trang trại ở Phần Lan không chỉ nuôi tuần lộc để lấy thịt, lấy da mà còn phục vụ khách tham quan du lịch và bảo tồn nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Sami.
Hai giáo viên Eila và Taru là người chịu trách nhiệm chính cho toàn bộ chương trình kéo dài hai tuần này. Các cô trực tiếp lên kế hoạch, xin phép Hiệu trưởng, thảo luận với phụ huynh, liên hệ với trang trại và thảo luận với các giáo viên khác để cùng xây dựng chương trình học cho các em.
Các em học sinh trường Utjoski cùng nhân viên trang trại làm quen với đàn tuần lộc
Qua bốn buổi học tại trang trại, các em học sinh sẽ được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, học các kỹ năng mềm song song đó là hoàn thành mục tiêu học tập cho các môn như sinh học, toán, tiếng Anh, tiếng Thụy Điển (ngôn ngữ chính thức thứ 2 của Phần Lan), thể dục,âm nhạc, giáo dục sức khỏe, nghệ thuật thị giác (visual arts).
Ngoài ra, mỗi em còn phải hoàn thành một nhật ký học tập, ghi lại cảm nhận của riêng mình sau mỗi buổi. Nền giáo dục Phần Lan khuyến khích tự do học tập cao độ nên các em được thể hiện ý kiến, quan điểm trên mọi khía cạnh mà không phải làm theo bất cứ ý cho sẵn hay bài văn mẫu nào. Các em học sinh thoải mái phản biện, khen chê tùy ý mà không lo làm phật lòng cô giáo vì niềm vui học tập của các em chính là mục tiêu cao nhất của khóa học. Nếu các em không hài lòng, nhà trường chắc chắn sẽ nghiên cứu, cải tiến thêm.
Theo chân nhân viên trang trại, các em quan sát và ghi chép hoạt động của đàn tuần lộc ngoài tự nhiên
Buổi đầu tiên ở trang trại, các em sẽ tìm hiểu các kiến thức sinh học về tuần lộc và môi trường sống của chúng, baogồm chụp ảnh từng loại cây mà tuần lộc thường ăn, tìm tên của nó và thảo luận nhóm về các câu hỏi giáo viên đã giao.
Đến buổi thứ hai, các em học về những quy tắc an toàn cần tuân thủ khi làm việc tại trang trại. Đây là yêu cầu của môn giáo dục sức khỏe. Hoàn toàn không có bài giảng nào mà các em phải tự phỏng vấn các nhân viên của trang trại để tìm câu trả lời cho nhóm mình. Các em cũng được nghe và tìm hiểu về những bài hát dân ca được phát ở trang trại.
Buổi thứ ba được dành cho toán học. Các em cùng thảo luận xem hiểu biết toán học thì có ích lợi gì đối với nghề nuôi tuần lộc? Trong những trường hợp nào ở trang trại thì các em sẽ phải dùng đến toán và đó sẽ là những phép toán gì?
Các em thảo luận theo nhóm
Trong buổi học cuối cùng, các em được giao đề bài khá thử thách: “Hãy đến phỏng vấn một người lớn hơn các em 20 tuổi và hỏi họ một trong những vấn đề sau: Việc nuôi tuần lộc của người Sami ngày nay khác ngày xưa thế nào? Thay đổi trong luật chăn nuôi tuần lộc ảnh hưởng gì đến trang trại? Giấy tờ liên quan đến duy trì hoạt động trang trại tuần lộc có quá phức tạp không? Việc Phần Lan gia nhập EU có ảnh hưởng gì đến ngành này không?”
Các em được yêu cầu phải ghi âm lại cuộc phỏng vấn để làm “bằng chứng”. Ngoài ra, bài nộp cuối cùng các em có thể sáng tạo dưới dạng bài viết hoặc video clip tùy chọn. Đề bài khiến tác giả bài viết rất ngạc nhiên vì ở độ tuổi vị thành niên (13-15), các em đã bắt đầu tiếp xúc và suy nghĩ nghiêm túc đến những vấn đề vĩ mô phức tạp ở quy mô cộng đồng, đất nước và khu vực.
Hiện tại ở trường Utjoski, các khóa học theo chủ đề chỉ mới được tổ chức không thường xuyên, chưa thể thay thế hẳn các môn học riêng lẻ nhưng các giáo viên đang cố gắng xây dựng thêm nhiều khóa học tương tự vì nhận được phản hồi rất tích cực từ phía học sinh lẫn phụ huynh.
Hiệu trưởng trường Utsjoki, bà Eeva-Liisa Rasmus-Moilanen rất tự hào về chương trình: "Chúng tôi đã nghe nói rằng một số em đã bắt đầu chuẩn bị bài tập từ trước khi tham gia buổi học. Chúng tôi mong muốn đem đến cho các em những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống thực tế hàng ngày, hôm nay và tương lai, kết nối kiến thức với văn hoá và truyền thống gia đình của người Sami nói riêng và đất nước Phần Lan nói chung”.
Một số trường tiểu học khác tại thành phố Rovaniemi, tỉnh Lapland cũng đang tham gia một chương trình tích hợp tương tự. Môn thể dục kết hợp với nghệ thuật nghe nhìn thông qua dự án sáng tạo video clip trong đó các em học sinh và thầy cô vừa là đạo diễn, quay phim và kiêm luôn diễn viên. Mỗi video mô tả một hoạt động thể thao khác nhau như nhảy tập thể, bơi lội, chơi bóng chuyền, bóng rổ, trò chơi vận động…và sẽ được chia sẻ qua Facebook fanpage để các trường khác cùng xem. Mục tiêu của hoạt động này là khuyến khích các em học sinh tham gia tích cực hơn các hoạt động ngoài trời đồng thời làm chủ những công cụ truyền thông kỹ thuật số, những thứ đã, đang và sẽ gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của các em.
Phần Lan sẽ cần thêm nhiều thời gian và nghiên cứu để đánh giá và phát triển toàn diện phương pháp học tích hợp nhưng trước hết, tác động tích cực của nó đến thái độ học tập của các em học sinh là không thể phủ nhận. Niềm vui học tập, thói quen tìm tòi, suy nghĩ suốt đời chính là kết quả mà một nền giáo dục tiên tiến muốn hướng đến, chứ không phải là bảng điểm, bằng khen hay những danh hiệu nhất thời.
Giáo dục Phần Lan đang đổi mới từng ngày để chuẩn bị cho một thế hệ trẻ biết trân trọng quá khứ, các giá trị truyền thống cũng như thích nghi nhanh chóng với sự phát triển của cuộc sống kỹ thuật số trong tương lai.
Dù chỉ dành tối đa 30 phút cho bài tập về nhà mỗi ngày nhưng học sinh Phần Lan luôn nằm ở top đầu tại các kỳ thi trên...