Hàng loạt giáo viên sắp bị sa thải

Hàng loạt giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng tại 33 trường tiểu học trên địa bàn TP.Thái Nguyên đang đứng trước nguy cơ mất việc vì một quyết định... đánh đố!

Theo công văn số 551/UBND-NV ra ngày 22.5.2012 của UBND TP.Thái Nguyên về việc xét tuyển viên chức đối với các trường MN, TH, THCS công lập trên địa bàn thành phố, thì một trong hai điều kiện mà giáo viên Tiếng Anh khối TH, THCS phải có để được nộp hồ sơ dự tuyển là có một trong 3 chứng chỉ sau: chứng chỉ FCE tối thiểu 60 điểm, chứng chỉ TOEFL 500 điểm, chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.0 điểm theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

“Vắt chân lên cổ” cũng không kịp

Cô Ngô Thị Xuyến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Thành II (Thái Nguyên), cho biết các trường phải duyệt kế hoạch xét tuyển viên chức với UBND TP vào 26 - 27.5.2012. Sau khi kế hoạch đã được duyệt và thông tin tuyển dụng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì việc nhận hồ sơ của các trường TH bắt buộc phải được tiến hành từ 18 - 29.6.2012. Trong khi đó, các giáo viên tiểu học trên địa bàn TP.Thái Nguyên đang được tham gia lớp bồi dưỡng luyện thi FCE do Sở GD-ĐT TP tổ chức. “Đến ngày 24.6 khóa học mới kết thúc. Ngày 23.8 chúng tôi mới được thi và sau ít nhất một tháng mới biết kết quả, nhưng ngày 29.6 này đã hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển. Như vậy, chúng tôi lấy đâu ra chứng chỉ để nộp dự thi”, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Bình, Trường tiểu học Lương Sơn, TP. Thái Nguyên, nói.

Theo cô Bình, người có thâm niên 15 năm giảng dạy tiếng Anh, và các giáo viên đang tham dự khóa học bồi dưỡng, trước đây Việt Nam không hề có quy định yêu cầu giáo viên tiếng Anh phải có chứng chỉ IELTS, TOEFL hoặc FCE. Yêu cầu này mới chỉ được nêu ra trong Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020. “Trong đợt thi khảo sát đầu tiên (12.2011) chỉ có giáo viên của 8 trường được tham dự, còn lại giáo viên các trường khác chưa được thi. Vậy mà đột nhiên họ yêu cầu chúng tôi phải có chứng chỉ ngay thì làm sao thi kịp?”, cô Bình nói.

Giáo viên Tiếng Anh của các trường tiểu học thuộc Phòng Giáo dục TP.Thái Nguyên, cho biết không phản đối việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá trình độ giáo viên, nhưng việc thực hiện cần có lộ trình, các giáo viên cần có thời gian chuẩn bị để luyện và thi. “Chúng tôi đang cố gắng tự bồi dưỡng và cố gắng hết mình để đáp ứng yêu cầu đề ra”, cô Bình tâm sự.

Hàng loạt giáo viên sắp bị sa thải - 1

Công văn gây khó cho giáo viên

Cầm chắc thất nghiệp

Theo các giáo viên, việc đột ngột yêu cầu giáo viên phải có một trong ba chứng chỉ này mới được nộp hồ sơ dự tuyển viên chức thì không khác gì đánh đố, đồng nghĩa với việc hàng loạt giáo viên sẽ mất việc, vì nếu đợt này họ không nộp hồ sơ thì các trường sẽ tuyển một loạt giáo viên mới. Các giáo viên đều đã có thâm niên giảng dạy 6 - 17 năm, nên phần lớn trong số họ đều đã quá tuổi thi công chức, do vậy không còn cơ hội để thi vào cơ quan khác nữa.

Các giáo viên cho biết trong suốt quá trình giảng dạy vừa qua họ đã phải chịu thiệt thòi hơn các giáo viên biên chế, vì Tiếng Anh trong các trường TH ở đây chỉ là môn tự chọn. Họ không được đóng bảo hiểm xã hội và hưởng bất kỳ quyền lợi nào, và mãi tới tháng 12.2011 mới được ký hợp đồng không thời hạn cũng như được đóng bảo hiểm bằng nguồn thu từ quỹ phụ huynh chứ không phải nguồn ngân sách. Ngoài ra, họ cũng chỉ nhận được mức lương “còm” 1.500.000 - 2.000.000 đồng/tháng. “Tất cả chúng tôi đều vô cùng sửng sốt và tuyệt vọng vì biết chắc sắp bị đuổi việc”, cô Trần Thị Dậu, giáo viên Trường tiểu học Tân Thành II, nói.

Theo các giáo viên, dù hiện nay họ chưa có chứng chỉ IELTS, TOEFL, hay FCE, nhưng trong quá trình công tác họ vẫn đào tạo ra những học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích tại cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên mạng. “Năm vừa rồi 21 học sinh của tôi đã đạt giải cuộc thi Tiếng Anh trên mạng. Vì thế, chưa thể khẳng định tôi chưa có chứng chỉ thì chất lượng đào tạo của tôi có vấn đề”, cô giáo Nguyễn Thanh Hương, giáo viên trường tiểu học Đội Cấn, thổ lộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN