Giấc mơ rồng bay vào bầu trời khoa học

Với dáng người cao ráo, thư sinh, cặp kính dày cộp cùng với nụ cười thường trực khi nói chuyện… Ít ai biết, cậu bé vàng Ngô Phi Long đã mang về cho Việt Nam 3 HCV, 1 HCB trong 4 lần “mang chuông đi đánh xứ người” và được Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương lao động hạng Ba.

Chinh phục các đỉnh cao

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống khi cả bố và mẹ đều là giáo viên dạy Vật lý tại trường THPT chuyên Sơn La, nhưng cậu bé Vàng Vật lý lại là một học sinh lớp chuyên Toán.

Lý giải cho sự thú vị này, Long tươi cười: Bố mẹ khuyên em học chuyên Toán để nắm vững những nguyên lý cơ bản như tích phân, vi phân… qua đó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho môn Vật lý.

Suốt những năm học trên ghế nhà trường, Long được thầy cô ở trường, bố mẹ ở nhà kèm cặp, chăm chút nên khi bước vào các cuộc thi quốc gia hay quốc tế, cậu đã có một nền tảng rất cơ bản và vững chắc.

Tại Trại hè Hùng Vương lần thứ VII vào năm 2011, với tâm lý thoải mái, Long coi đó như một cuộc giao lưu, học hỏi của các bạn cùng trang lứa và Huy chương Vàng (HCV) năm đó như một kỷ niệm của tuổi học trò đối với Long.

“Em cũng chưa hiểu hết ý nghĩa về Huân chương Lao động được Thủ tướng Chính phủ trao tặng, nhưng em sẽ coi đó như một trọng trách và động lực để em tiếp tục phấn đấu!”.

Ngô Phi Long chia sẻ

Năm lớp 11, lần đầu tiên tham dự một cuộc thi cấp quốc gia, Long không khỏi bỡ ngỡ và có phần tự ti so với các bạn do mình chỉ là một cậu học sinh tỉnh lẻ. Nhưng, cũng chính tại cuộc thi năm đó, cậu đã khẳng định được bản thân với giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia môn Vật lý năm 2012.

Tiếp mạch chiến thắng, Long vào đội tuyển Vật lý và đại diện cho Việt Nam dành liên tiếp HCV Olympic Quốc tế và Huy chương Bạc Olympic châu Á môn Vật Lý.

Với thành tích xuất sắc, đầu năm 2013, Long được bình chọn là Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc về lĩnh vực học tập năm 2012. Cùng với trọng trách đó, Long không ngừng ôn luyện để tiếp tục đại diện cho Việt Nam tham dự các cuộc thi quốc tế.

Và năm nay, Long đã xuất sắc bảo vệ thành công HCV Olympic Vật lý quốc tế năm 2013 và đổi màu thành công, giành cả HCV Olympic Vật lý Châu Á năm 2013 (điều mà năm ngoái Long chưa làm được).

Chia sẻ về quá trình học tập, Phi Long cho biết: “Ban đầu em học hoàn toàn bằng sách giáo khoa phổ thông cùng với tham khảo một số tài liệu mà bố mẹ sưu tầm được từ các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia những năm trước. Nhưng em làm nhiều lần, thậm chí em có thể thuộc lòng các đề thi đó!”.

Chỉ đến khi chính thức vào đội tuyển quốc gia, Long mới được làm quen với những quyển sách mà cậu chưa bao giờ biết đến. “Em không hiểu tại sao Long có thể giành được giải cao khi chỉ tiếp xúc với những quyển sách đó trong thời gian ngắn?!” – Bảo, cậu bạn ở cùng phòng với Phi Long thán phục.

Thầy Cầm Duy Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Sơn La, người đồng nghiệp và cũng từng là thầy giáo của bố mẹ Phi Long cho biết: Những học sinh giỏi thường có nhược điểm chung là ít tham gia các hoạt động phong trào, không biết chơi thể thao, ít đi chơi với bạn bè, chỉ biết học và học… 

Nhưng Long không thuộc tuýp đó. Tôi vẫn thấy Long nhiệt tình tham gia các hoạt động chung của nhà trường và thường đến trường chơi cầu lông vào các buổi chiều. Và theo các bạn học của Long, em rất hòa đồng, gần gũi và chan hòa với bạn bè.

Từng bước đến ước mơ

Những ngày cuối năm 2013, sau khi kết thúc kỳ thi tiếng Anh Toefl để hoàn thiện hồ sơ nộp vào trường Đại học Chicago (Mỹ), Long khá rảnh rỗi và có thời gian chia sẻ với Tiền Phong về ước mơ và những dự định sắp tới.

“Lĩnh vực em quan tâm và muốn nghiên cứu là Vật lý lượng tử, đây là bộ môn khá mới mẻ và ít được ứng dụng ở Việt Nam nên em muốn thử sức” - Long thể hiện rõ tham vọng sức trẻ. Long cho biết thêm: Thực ra, hiện tại Việt Nam vẫn có những người thầy, người anh của Long đang nghiên cứu và tham gia giảng dạy về bộ môn này ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới, nhưng đóng góp cho nước nhà thì chưa xứng tầm.

Chia sẻ với Tiền Phong, Long không giấu ước mơ sẽ đưa Vật lý lượng tử vào các thiết bị đơn giản, thực tế hơn như máy tính, các thiết bị điện tử gia dụng để phục vụ cho cuộc sống của mọi người chứ không chỉ áp dụng cho các thiết bị công nghệ cao, phức tạp như hiện nay.

“Tôi tin tưởng và trông chờ những thành tích mới của Long. Với tố chất sẵn có cộng với niềm đam mê, tôi tin “con rồng nhỏ” của núi rừng Tây Bắc sẽ có ngày cất cánh bay cao trên bầu trời tri thức nhân loại” - thầy Thịnh khẳng định.

Thầy Thịnh chia sẻ thêm: Trong thời đại toàn cầu hóa, việc Long về Việt Nam hay ở nước ngoài làm việc không mấy quan trọng. Nếu như điều kiện làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài phát huy được hết khả năng của em thì em có thể ở lại.

Điều quan trọng hơn cả là dù ở bất cứ đâu, mục tiêu nghiên cứu và hoạt động khoa học của Long luôn hướng về Việt Nam. Như một danh nhân đã từng nói: “Học vấn không có quê hương nhưng người học phải có Tổ quốc”.

Với những thành tích xuất sắc mang về cho Việt Nam, Ngô Phi Long đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao bằng khen và Huân chương Lao động hạng Ba khi vừa rời ghế nhà trường. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN