Điều kiện để sinh viên được học 2 trường

Bộ Giáo dục vừa công bố thông tư về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Theo đó, sinh viên muốn học hai trường song song điều kiện ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất.

Cụ thể hơn, sau khi đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất và sinh viên không thuộc diện xếp hạng học lực yếu. Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 2,00 thì phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo. Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất.

Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất. Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về số lượng tín chỉ ở từng bậc học. Theo đó, ở bậc đại học 6 năm, khối lượng của mỗi chương trình không dưới 180 tín chỉ, với khóa đại học 5 năm không dưới 150 tín chỉ, khóa đại học 4 năm không dưới 120 tín chỉ, khóa cao đẳng 3 năm không dưới 60 tín chỉ. Khối lượng tín chỉ tùy theo bậc học do Hiệu trưởng ban hành.

Điều kiện để sinh viên được học 2 trường - 1

Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất (Ảnh minh họa)

Thông tư cũng nêu rõ, chương trình đào tạo cần thể hiện rõ: trình độ đào tạo; đối tượng đào tạo, điều kiện nhập học và điều kiện tốt nghiệp; mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học khi tốt nghiệp; khối lượng kiến thức lý thuyết, thực hành, thực tập; kế hoạch đào tạo theo thời gian thiết kế; phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập; các điều kiện thực hiện chương trình. 

Trong Quy định mới về đào tạo theo tín chỉ, sau mỗi học kỳ, căn cứ vào khối lượng kiến thức tích lũy, sinh viên được xếp hạng năm đào tạo: sinh viên năm thứ nhất, sinh viên năm thứ hai, sinh viên năm thứ ba, sinh viên năm thứ tư, sinh viên năm thứ năm, sinh viên năm thứ sáu. Tuỳ thuộc khối lượng của từng chương trình quy định, Hiệu trưởng quy định cụ thể giới hạn khối lượng kiến thức để chuyển xếp hạng năm đào tạo.

Trong Thông tư do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký nói rõ, điều kiện để cảnh báo về kết quả học tập, buộc thôi học đối với sinh viên ở những trường hợp sau: Điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai, dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khoá. Điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo. Tổng số tín chỉ của các học phần bị điểm F còn tồn đọng tính từ đầu khoá học đến thời điểm xét vượt quá 24 tín chỉ.

Buộc thôi học đối với sinh viên: Có số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá giới hạn theo quy định của Hiệu trưởng. Vượt quá thời gian tối đa được phép học tại trường. Bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ theo quy định.

Cách tính thời gian làm việc của giảng viên, thông tư cho biết, Hiệu trưởng quy định việc tính số giờ giảng dạy của giảng viên cho các học phần trên cơ sở số giờ giảng dạy trên lớp, số giờ thực hành, thực tập, số giờ chuẩn bị khối lượng tự học cho sinh viên, đánh giá kết quả tự học của sinh viên và số giờ tiếp xúc sinh viên ngoài giờ lên lớp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/2/ 2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Trung (Giáo dục Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN