Bài toán khó khi... đậu nhiều trường

Năm nay, với những quy định mới của Bộ GD&ĐT, thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều trường hơn. Điều đó trở thành bài toán khó của nhiều gia đình trong việc chọn trường.

Không trúng tuyển vào trường ĐH, CĐ đã dự thi nhưng đã thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu có kết quả thi bằng hoặc lớn hơn điểm sàn CĐ, trong đó không có môn nào bị điểm 0, thí sinh được trường tổ chức thi cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi, có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường. Thí sinh dùng hai giấy này để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.

Lưu ý hồ sơ xét tuyển

Với một thí sinh, đậu hai ngành ở nguyện vọng ban đầu không nhiều. Nhưng trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển. Bởi ngoài hai giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, thí sinh còn được nhân bản giấy chứng nhận để nộp vào trường xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Cơ hội để trúng tuyển vào nhiều trường của những thí sinh có điểm thi cao sẽ rất nhiều.

Thêm vào đó, lợi thế năm nay các trường nhận hồ sơ sẽ công bố công khai hằng ngày trên trang thông tin điện tử của trường thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Do đó, nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ để chuyển sang ngành khác, trường khác. PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết: “Ít nhất trong kỳ thi này, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển cùng lúc vào hai trường. Tuy nhiên, để có thể trúng tuyển vào ngành phù hợp, thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ”.

Bài toán khó khi... đậu nhiều trường - 1

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. Ảnh: Quốc Dũng

Cân nhắc khi chọn ngành, chọn trường

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Khi đăng ký nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh nên cao hơn 2-3 điểm khi chọn vào các trường tốp giữa, 1-2 điểm ở các trường ĐH vùng, ĐH địa phương. Nên tham khảo thêm nhiều nguồn thông tin, vì có những trường chỉ lấy điểm trúng tuyển nguyện vọng bằng điểm sàn. Theo dõi hằng ngày trên website trường xét tuyển để biết ngành mình nộp hồ sơ có điểm cao hơn nhiều không. Nếu thấy bất lợi thì nên rút hồ sơ để chuyển sang ngành, trường khác”.

TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), tư vấn: “Thường thì ngành tuyển nguyện vọng bổ sung ở các trường ĐH công lập không nhiều, cũng như chỉ tiêu tuyển hạn chế. Do đó, thí sinh nên cân nhắc ngành mình chọn xét tuyển có phù hợp với năng khiếu, sở trường, sở đoản của bản thân để khi trúng tuyển, trong quá trình học tập thí sinh thấy hào hứng học tập”. Ông Hạ cũng khuyên thí sinh tránh việc chọn bừa một ngành để tìm chỗ dừng tạm, vì có trúng tuyển cũng sẽ vất vả khi học.

Trong khi đó, ThS Tạ Quang Lâm, Quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khuyên thí sinh nên căn cứ vào cả hoàn cảnh cụ thể, điều kiện kinh tế của gia đình để chọn ngành, chọn trường... “Chẳng hạn thí sinh ở Cần Thơ muốn xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin ở trường chúng tôi. Thực tế ngành này ở Trường ĐH Cần Thơ cũng tuyển, thí sinh nên chọn trường gần nhà hơn thay vì đến TP.HCM học. Vì đi xa sẽ tốn kém hơn rất nhiều trong ăn ở, đi lại, sinh hoạt... trong khi bằng cấp có giá trị như nhau”.

Nên xem học phí khi chọn trường xét tuyển

Một điều quan trọng khi chọn trường nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh nên tìm hiểu mức học phí của trường mà mình muốn nộp hồ sơ. Học phí của các trường ĐH có ba loại, đó là trường công lập, trường công lập tự chủ tài chính và trường ngoài công lập. Nghị định 49 của Thủ tướng Chính phủ, mức trần học phí đối với đào tạo ĐH tại trường công lập phân chia theo ba nhóm ngành đào tạo chương trình đại trà. Học phí nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản: 4,2 triệu đồng/năm; nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch: 4,8 triệu đồng/năm; nhóm ngành y dược: 5,7 triệu đồng/năm.

Như vậy, năm nay học phí của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có mức dao động từ 4,2 đến 4,8 triệu đồng/năm. Còn các trường tự chủ tài chính, học phí không áp theo mức trần. Chẳng hạn học phí của Trường ĐH Tài chính-Marketing là 5,5 triệu đồng/năm (chưa tính học phí giáo dục quốc phòng).

Trong khi đó, trường ngoài công lập tự quyết định mức học phí nên học phí tương đối cao với mức học phí từ 9 triệu đến 119 triệu đồng/năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TPHCM)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN