Cưng nựng, trêu ghẹo quá đà cũng là hành vi sàm sỡ trẻ

Sự kiện: Giáo dục

Trong nỗ lực bảo vệ con trước vấn nạn xâm hại tình dục, nhiều phụ huynh đã vô tình khoét sâu sự tổn thương của trẻ.

Xung quanh vấn đề về xâm hại tình dục trẻ em đang khiến dư luận phẫn nộ và lo lắng, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Thạc sĩ tâm lý học, chuyên gia giáo dục Ngô Thị Kim Chi để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như cách phòng tránh cho trẻ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.

Cưng nựng, trêu ghẹo quá đà cũng là hành vi sàm sỡ trẻ - 1

Thạc sĩ tâm lý học, chuyên gia giáo dục Ngô Thị Kim Chi

Là một nhà tâm lý học, chị có thể cho biết những biểu hiện rõ nét nhất để biết được trẻ em đã bị xâm hại tình dục?

Việc phát hiện con em mình có bị xâm hại tình dục hay không, đầu tiên là dựa vào việc ăn uống, sinh hoạt của con có sự bất thường. Ví dụ: Con vốn là trẻ ham ăn thì đột ngột bỏ ăn, tỏ ra sợ sệt lo lắng. Và ngay cả việc con trẻ ở trong nhà tắm quá lâu cũng là một nét đặc thù của trẻ em bị xâm hại vì cháu muốn xóa đi "vết nhơ" đó trên chính cơ thể của mình.

Bên cạnh đấy, khi đột nhiên thấy con né tránh nguời khác giới, không gần gũi như bình thường mà có phần sợ hãi các mẹ nên đặt câu hỏi ngay lập tức về việc con bị xâm hại hay không.

Vậy chúng ta nên xử lý thế nào nếu như con em mình bị xâm hại tình dục, thưa chị?

Nếu phát hiện con đã bị xâm hại, việc cư xử của cha mẹ đối với con như thế nào cũng rất quan trọng. Sự thật là nhiều cha mẹ đã giấu kín vì muốn giữ hình ảnh đẹp đẽ cho gia đình mình. Có người thì sợ bất ổn, sợ cãi vã căng thẳng vì kẻ xâm hại con mình là người thân quen. Với suy nghĩ “không để trẻ con làm mất lòng người lớn, tốt khoe xấu che”, nhiều cha mẹ cấm con nói ra sự thật.

Nhưng thái độ này của cha mẹ sẽ khiến con thêm lo lắng và thất vọng.  Theo tôi nếu cha mẹ cấm con nói ra sự thật thì lại càng nguy hiểm và làm tổn thương con trẻ. Việc tố cáo tội phạm, khuyên nhủ để con kể lại câu chuyện đó cho mình nghe là việc mà cha mẹ bắt buộc phải làm. Các em sẽ yên tâm hơn và sẽ nhanh chóng lấy lại tinh thần hơn.

Với một đứa trẻ bị xâm hại, cho dù sau đó, con có được chữa chạy về cơ thể, về tâm lý đến đâu vẫn còn vết sẹo trong tâm hồn. Khi phát hiện con bị xâm hại cha mẹ nên tố cáo kẻ phạm tội nhưng cần quan tâm đến tâm lý, tương lai của con sau này.

Bắt buộc nhờ pháp luật can thiệp nhưng tuyệt đối không nên đưa vấn đề riêng tư của con lên mạng xã hội để nhận được sự thương cảm, đồng cảm của mọi người và lên án kẻ phạm tội. Vì như vậy vô tình làm trẻ thêm tổn thương và dẫn con đến tâm lý mặc cảm, xấu hổ ra đường không dám gặp ai. Đã có những trường hợp gia đình phải đem con bỏ đi biệt xứ, nhiều em bé bị rối loạn tâm thần dẫn đến trầm cảm tự tử.

Theo kết quả khảo sát năm 2011 của UNICEF, có đến 60% trẻ em sau khi bị xâm hại tình dục đều trở nên không bình thường, luôn có cảm giác xấu hổ, tội lỗi hoặc sống trong sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, hoảng loạn; không tập trung, không chú ý trong giao tiếp và học tập; hoài nghi, không tin tưởng và tìm cách xa lánh mọi người.

Một số trẻ bị nặng, mắc bệnh trầm cảm, muốn tự tử hoặc xa lánh tất cả mọi người, kể cả người thân trong thời gian dài. Vì vậy vấn đề quan trọng của gia đình và xã hội lúc này là phải giúp trẻ ổn định tâm lý, đưa trẻ về cuộc sống bình thường.

Cưng nựng, trêu ghẹo quá đà cũng là hành vi sàm sỡ trẻ - 2

Ngày càng nhiều trẻ bị xâm hại

Có ý kiến cho rằng, ngay cả người thân thiết như các bậc cha mẹ cũng không nên cưng nựng, vuốt ve và tắm rửa quá kỹ cho “vùng đồ lót” của con. Chị có đồng ý với ý kiến này?

Điều này là hoàn toàn chính xác. Chính hành động cưng nựng, trêu ghẹo quá đà này cũng bị xếp vào hành vi sàm sỡ trẻ. Việc liên tục bị như vậy sẽ khiến trẻ mất đi thói quen phòng vệ và dễ dàng trở thành “miếng mồi ngon cho kẻ xấu”.

Đối với việc giáo dục giới tính nói chung cho trẻ, chắc hẳn cũng phân theo từng độ tuổi. Theo chị, ở mỗi độ tuổi khác nhau thì nên có cách giáo dục thế nào cho phù hợp?

Theo tôi, khi trẻ ở độ tuổi mầm non thì nên dạy con quy tắc đồ lót. Khi con lên 6 tuổi nên giải đáp cho chúng về quá trình hình thành phát triển của trẻ. Sau đó, mỗi năm, bài học giới tính sẽ được tăng dần mức độ khó và giải đáp các thắc mắc của con theo khoa học.

Đến khi con dậy thì, cha mẹ cần đề cập nghiêm túc hơn về các vấn đề giới tính và tình dục, đặc biệt cần phải nói rõ các hậu quả có thể gặp phải khi quan hệ tình dục quá sớm.

Việc giáo dục giới tính là một trong những bài học quan trọng mà trẻ cần phải học để giúp trẻ phát triển an toàn, hình thành nhân cách và phòng vệ. Các phụ huynh cần trang bị kiến thức cho con về những biểu hiện bất thường của những người xung quanh để giúp con có thể tự phòng vệ, né tránh những hành vi quấy rối.

 Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN