Chưa có bằng THPT vẫn làm hiệu trưởng

Mặc dù chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam vẫn “ưu ái” cho hơn 200 giáo viên tiểu học đi học Trung cấp sư phạm (hệ 12+2) và CĐ sư phạm (12+3), rồi về làm…sếp”.

Vẫn biết là trái với quy định của Bộ GD-ĐT nhưng lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Nam cho rằng, việc làm trên nhằm “chuẩn hóa” đội ngũ giáo viên tiểu học ở các huyện miền núi.

Sáng học lớp 10, tối học CĐ

Theo tìm hiểu của PV, vào năm 1996 - 1997, Sở GD-ĐT Quảng Nam có chủ trương liên kết với trường CĐ sư phạm Quảng Ngãi (nay là trường ĐH Phạm Văn Đồng) đào tạo các lớp CĐSP tiểu học gồm 12+2 (Trung cấp sư phạm) và 12+3 (CĐSP) cho 203 giáo viên tiểu học. Trong đó, huyện Nam Giang có 85 học viên, Núi Thành có 42 học viên và huyện Tiên Phước có 76 học viên. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, điều kiện tối thiểu để trúng tuyển hệ 12+2 phải là những TS đã có bằng tốt nghiệp PTTH và đối với hệ 12+3 là những người đã tốt nghiệp 12+2. Tuy nhiên, trong số hơn 200 học viên nói trên thì phần lớn không đủ điều kiện do chưa có bằng tốt nghiệp 12, thậm chí, có nhiều người chỉ mới tốt nghiệp lớp 9. Để hợp thức hóa sồ sơ, ngành GD-ĐT Quảng Nam “lách luật” bằng cách ưu ái cho TS nợ bằng tốt nghiệp PTTH. Đối với những giáo viên mới có bằng lớp 9 thì sáng đi học Trung cấp hoặc CĐ, tối đi học chương trình PTTH hệ bổ túc.

Đến năm 2000, khi đã học xong chương trình 12+2 và 12+3 nhưng có đến gần 60 TS vẫn chưa có bằng tốt nghiệp PTTH, nhưng trường CĐSP Quảng Ngãi vẫn công nhận tốt nghiệp cho tất cả các học viên. Trao đổi với Đất Việt, nhiều chuyên gia giáo dục cho biết, việc các TS chưa có bằng lớp 12 mà được đi học Trung cấp và CĐ là sai quy định của Bộ GD-ĐT. Trường CĐSP Quảng Ngãi (nay là ĐH Phạm Văn Đồng) khi đó cấp bằng tốt nghiệp cho các học viên là sai phạm nghiêm trọng.

Chưa có bằng THPT vẫn làm hiệu trưởng - 1

Học sinh miền núi Quảng Nam chịu nhiều thiệt thòi do giáo viên chưa đảm bảo chất lượng

Chuẩn hóa sai

“Theo quy định, người học chương trình lớp 12+2 phải có bằng tốt nghiệp PTTH nhưng do quá ít giáo viên đủ điều kiện nên ngành giáo dục tỉnh nhà phải mở rộng đối tượng bằng cách cho nợ bằng lớp 12. Vẫn biết là sai quy định của Bộ nhưng để “chuẩn hóa” giáo viên, địa phương không còn cách nào khác”, Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng GD huyện Nam Giang, Quảng Nam.

Theo lý giải của ngành giáo dục Quảng Nam, việc làm trên là bất đắc dĩ và do những năm trước có quá ít giáo viên có trình độ nghiệp vụ sư phạm, nhất là các huyện miền núi nên việc cử các giáo viên trên đi học là để chuẩn hóa đội ngũ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những người chỉ có trình độ lớp 9 thì có đủ kiến thức để theo học chương trình Trung cấp và CĐ theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT?

Điều đáng nói hơn, sau khi có được các tấm bằng Trung cấp sư phạm hoặc CĐSP, các giáo viên trở về địa phương và trong thời gian ngắn nhiều người đã được bổ nhiệm làm hiệu phó, hiệu trưởng và thậm chí là các chức vụ cao hơn. Đơn cử như trường hợp của bà Lê Thị Đào (hiện là hiệu trưởng trường Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) là một ví dụ. Năm 1997, bà Đào mới có có bằng tốt nghiệp lớp 9 nhưng vẫn được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho đi học chương trình CĐSP ở Quảng Ngãi. Buổi sáng bà Đào đi học chương trình lớp 10, buổi chiều và tối bà Đào đi học chương trình cao đẳng. Năm 2000, có trong tay bằng tốt nghiệp CĐSP do trường CĐSP Quảng Ngãi cấp, bà Đào trở về Nam Giang để làm giáo viên trong thời gian ngắn rồi ngay lập tức được bổ nhiệm làm hiệu phó rồi hiệu trưởng trường tiểu học Thạnh Mỹ. Dư luận đặt câu hỏi, hiện có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ĐHSP ra trường chưa có việc làm thì những người trình độ “chắp vá” như vậy lại được bổ nhiệm vào các chức danh quản lý như hiệu phó, hiệu trưởng… liệu có hợp tình, hợp lý?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đoàn Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN