Cần quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học
Thí sinh đang ở đâu? Đó là câu hỏi của các trường đại học (ĐH) trong mùa tuyển sinh những năm vừa qua. Khó tuyển sinh không chỉ là câu chuyện các trường ngoài công lập mà thực trạng đó năm 2015 còn “lây” sang cả các trường ĐH công lập, nhất là các ĐH vùng. Tại sao?
Theo dự báo, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay ít hơn năm 2015.
Tuyển từ học bạ
Năm 2015, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội đã thực sự “choáng váng” khi nguyện vọng 1, trường chỉ tuyển được 30% trong tổng số 3.000 chỉ tiêu. Điều này chưa từng có trong “tiền lệ” lịch sử tuyển sinh của trường. Trường đã phải xét tuyển bổ sung đến đợt 2. ĐH Mỏ địa chất cũng phải tuyển trên 2.000 chỉ tiêu trong xét bổ sung đợt 1.
Mùa tuyển sinh năm 2015, kết thúc đợt 1 xét tuyển, chỉ có một số trường ĐH tốp đầu tuyển đủ chỉ tiêu như ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Sư phạm TPHCM... Còn lại, các trường đều phải tuyển nguyện vọng bổ sung mới đủ chỉ tiêu, nhất là các ĐH vùng.
Lấy điểm trúng tuyển từ ngưỡng chất lượng tối thiểu của Bộ GD&ĐT, nhưng nhiều trường thành viên của ĐH Thái Nguyên không thể tuyển đủ chỉ tiêu sau khi kết thúc xét tuyển đợt 1, phải tuyển thêm trên 3.000 chỉ tiêu ở các nguyện vọng bổ sung sau.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm nay, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia giảm chừng 10-15% so với năm 2015. Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH cũng ít hơn so với năm trước.
GS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, có trường phải tuyển đến nguyện vọng 3. Nhận thức được vấn đề này từ những mùa tuyển sinh trước nên từ năm 2015, một số ngành trong các trường ĐH thành viên tuyển sinh theo hai hình thức là xét học bạ THPT và lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, trong năm 2015, các trường ĐH thành viên vẫn tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng hai trường CĐ Công nghệ và CĐ Công nghệ thông tin trực thuộc ĐH Đà Nẵng thì gặp khó khăn. Mùa tuyển sinh năm ngoái, trường CĐ Công nghệ thông tin chỉ tuyển được 30% chỉ tiêu. Còn CĐ Công nghệ chỉ đạt 80% chỉ tiêu. “Hiện nay, chỉ cần đạt điểm sàn hoặc chỉ xét học bạ cũng có cơ hội học ĐH nên thí sinh không còn mặn mà học CĐ” - PGS Đoàn Quang Vinh nhấn mạnh. PGS Vinh dự tính, năm 2016, tình hình tuyển sinh của hai trường CĐ này khó khả thi hơn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm nay, số lượng thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia giảm chừng 10-15% so với năm 2015. Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH cũng ít hơn so với năm trước. |
Cần quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ
Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, thực trạng khó tuyển sinh sẽ vẫn tiếp tục và thậm chí còn khốc liệt hơn so với những năm trước. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết thời gian gần đây, Tập đoàn Sam Sung - Thái Nguyên đi đến từng trường THPT của tỉnh để mời giáo viên, phụ huynh đến tham quan chỗ ăn, chỗ ở, nơi làm việc tại nhà máy. Nhu cầu tuyển dụng của họ cũng chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Ngay tại Hà Nội, số lượng thí sinh năm nay dự thi tại cụm thi địa phương cũng tăng lên 5.000 em. Điều này cho thấy đã có sự chuyển hướng trong nhận thức của người học. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, qua kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình, có đến trên 60% thí sinh của hai tỉnh này lựa chọn thi tại cụm thi địa phương, chỉ gần 40% thí sinh lựa chọn thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì.
Dưới góc độ quản lý một ĐH vùng, GS Đặng Kim Vui cho hay có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trường ĐH, nhất là ĐH vùng càng ngày càng khó tuyển sinh. Thứ nhất do đặc thù của vùng là trung du miền núi phía Bắc, sinh viên có đủ điều kiện về kinh tế, kiến thức để có thể học tập tại các trường ĐH là không lớn. Mặt khác, số lượng trường ĐH, CĐ vừa qua tăng mạnh. Ở khu vực phía Bắc có các trường ĐH Tây Bắc, ĐH Tân Trào, ĐH Nông lâm Bắc Giang...
“Chính vì vậy, mùa tuyển sinh năm nay về cơ bản vẫn khó khăn. Một số ngành trong các trường ĐH Kinh tế, ĐH Khoa học, ĐH Nông lâm sẽ vẫn tuyển sinh cả hai hình thức: Xét tuyển kết quả kỳ thi THPT và xét học bạ” - GS Vui nói. Tính riêng tỉnh Thái Nguyên, số lượng các trường ĐH, CĐ phải chiếm đến con số vài chục. ĐH Thái Nguyên có 10 trường ĐH, CĐ, khoa trực thuộc, các bộ ngành khác cũng có trường, chưa kể đến phân hiệu của các trường ĐH như ĐH Công nghệ giao thông vận tải…
Còn tại ĐH Đà Nẵng, PGS.TS Đoàn Quang Vinh đưa ra phương án trong thời gian tới cũng sẽ quy hoạch lại hai trường CĐ. Có thể sẽ sáp nhập hoặc nâng cấp thành trường ĐH trực thuộc. Trước đây, ĐH Đà Nẵng là ĐH vùng để đào tạo nhân lực cho các tỉnh miền Trung. Nhưng hiện nay, mỗi tỉnh đều có trung bình một trường ĐH. Đó còn chưa kể liền kề với Đà Nẵng, ĐH Huế cũng là ĐH vùng với nhiều trường ĐH trực thuộc. Cung nhiều hơn cầu, ắt dẫn đến tình trạng trường thừa, thí sinh thiếu.
Mới đây, TP Cần Thơ lại đề xuất thành lập thêm 5 trường ĐH. Trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này, GS Đỗ Văn Xê, Phó giám đốc ĐH Cần Thơ cho biết, đó là đề xuất của thành phố, không liên quan đến trường. “Họ muốn thành lập thì cứ thành lập, nhưng tuyển sinh được hay không phải dựa vào thương hiệu của từng trường” - GS Đỗ Văn Xê nhấn mạnh.