Bữa ăn của học trò: Vì sao hao hụt?

Bữa ăn học trò đang phải “cõng” quá nhiều loại phí, trong đó ngoài phí nhân công, vận chuyển, hao mòn cơ sở vật chất... còn các khoản phí “chìm” như hoa hồng, bồi dưỡng, lại quả.

Điều lệ trường phổ thông không quy định các trường phải có bếp ăn. Việc tổ chức bán trú chỉ là đáp ứng theo yêu cầu của phụ huynh. Một số trường đưa ra lý do: phải tập trung cho chuyên môn là giảng dạy nên không còn sức lực và thời gian cho việc tổ chức bữa ăn. Một số hiệu trưởng viện vào những lý do trên để giao trách nhiệm “toàn quyền” cho các đơn vị cung cấp thức ăn, rồi nghiễm nhiên bỏ túi mức hoa hồng không hề ít.

Cắt xén không thương tiếc

Theo ghi nhận của chúng tôi, mức hoa hồng phổ biến mà các đơn vị cung cấp suất ăn lại quả cho nhà trường là 10% tổng số tiền ăn của học sinh. Cạnh tranh nhau, một số cơ sở còn “chơi sộp” chi riêng cho hiệu trưởng 10%, sau đó chi chung cho quỹ phúc lợi của trường thêm 10% nữa.

Thử làm một phép tính: mỗi ngày 30.000 đồng/học sinh (mức tiền ăn bình quân trong năm học này), nhà cung cấp bữa ăn đã phải chi 6.000 đồng hoa hồng, trong số 24.000 đồng còn lại học sinh vẫn không được hưởng hết mà phải mất ít nhất 4.000 - 6.000 đồng để nhà cung cấp bữa ăn chi trả lương nhân viên, phí vận chuyển, hao hụt cơ sở vật chất (bàn ghế, chén đĩa, dụng cụ nấu nướng...) và lợi nhuận.

Cô B., phó hiệu trưởng phụ trách bán trú một trường tiểu học, thừa nhận: “Ở trường tôi phụ huynh đóng 25.000 đồng/ngày gồm bữa trưa và bữa xế, thực chất suất ăn thật của học sinh là 20.000 đồng, còn lại 2.500 đồng chúng tôi phải chi cho đội ngũ phục vụ và 2.500 đồng cho các khoản khấu hao điện, nước, gas. Phần hoa hồng được trích và sử dụng ở mỗi trường mỗi khác. Có trường thuê nhà bếp ở bên ngoài nấu tại trường thì đơn vị được thuê sẽ được hưởng chiết khấu. Có trường nấu tại chỗ thì dành 10% hoa hồng đó để tăng lương cho nhân viên, cấp dưỡng... ”.

Bữa ăn của học trò: Vì sao hao hụt? - 1

Giờ ăn cơm buổi chiều của học sinh Trường THPT tư thục Hồng Đức, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại một trường tiểu học ở quận 10, nhà trường vừa chấm dứt hợp đồng với đơn vị tổ chức bếp ăn tại trường. Lý do là nhà bếp vẫn đảm bảo đủ các món trong thực đơn (do ban giám hiệu nhà trường yêu cầu) nhưng lượng ngày một ít đi, miếng thịt, cá nhỏ lại, gạo không còn là loại gạo ngon, canh thiếu rau củ, xương thịt... Nhận được phản ảnh của học sinh, nhà trường đành đi tìm đơn vị thầu bữa ăn mới thay thế đơn vị cũ.

Bếp ăn bán trú chỉ là giấc mơ

Đừng cố tổ chức bữa ăn

Nhà trường cần cân nhắc khi tổ chức bữa ăn bán trú. Chỉ những trường có đủ các điều kiện cần thiết mới nên tổ chức loại hình này, không nên cố “ép” tổ chức bữa ăn rồi lại nơm nớp lo lắng chuyện ngộ độc thực phẩm. Theo tôi, với bậc mầm non, tiểu học vẫn nên duy trì loại hình bữa ăn bán trú, còn bậc THCS và THPT các em có độ tuổi lớn rồi thì nên tiến dần đến việc để gia đình và học sinh tự vận động, giảm áp lực cho nhà trường. Mặt khác, các trường nên tổ chức nấu tại chỗ thay vì mang các suất cơm công nghiệp từ bên ngoài vào. Thống kê hằng năm của chúng tôi cho thấy đa số các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố bữa ăn đều do cơ sở bên ngoài mang vào.

BS NGUYỄN THỊ HUỲNH MAI
(phó chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM)

Mô hình thuận lợi và chất lượng nhất cho bữa ăn ở trường là thuê đơn vị nấu trực tiếp trong trường. Như vậy nhà trường kiểm tra được nguồn thực phẩm có tươi, sạch hay không, thức ăn nấu ra được chia ngay cho học sinh - vừa nóng sốt lại vừa đảm bảo vệ sinh do không mất thời gian chuyên chở. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có thể áp dụng mô hình này.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 9 cho biết: “Nhà trường chỉ có hơn 300 học sinh ăn trưa tại trường nên chúng tôi hợp đồng với một cơ sở để cung cấp bữa ăn cho học sinh. Thành thật mà nói nếu thực hiện bếp ăn tại trường thì học sinh sẽ được ăn ngon hơn, đỡ tốn kém khoản tiền chuyên chở, nhân công...

Tuy nhiên, việc thành lập một bếp ăn trải qua nhiều thủ tục rất nhiêu khê, mất thời gian trong khi trường cần tập trung vào công tác chuyên môn là giảng dạy. Lý tưởng nhất hiện nay là để một đơn vị nào đó vào trường mình trang bị bếp ăn rồi nấu ăn ngay trong trường nhưng do chúng tôi chỉ có 1/3 học sinh bán trú, số lượng ít nên chưa có đơn vị nào đầu tư”.

Với những trường chật hẹp, thiếu cơ sở vật chất, xây dựng bếp ăn bán trú là giấc mơ luôn canh cánh trong lòng. Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3, nơi có bếp ăn ngay trong trường, tâm sự: “Công bằng mà nói, nếu tổ chức được bếp ăn trong trường thì bữa ăn sẽ rất chất lượng, ít hao hụt.

Nhưng hồi hộp lắm, lỡ ngộ độc thì hiệu trưởng gánh hết trách nhiệm, chưa kể nguy cơ bị cắt thi đua. Cứ đợi đến 17g mỗi ngày, khi học sinh đã về hết lúc đó tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm, đến sáng hôm sau vào trường lại bắt đầu nỗi lo mới: bữa ăn có an toàn không, có em nào sau khi ăn bị đau bụng, khó thở không...”. Việc thiếu cơ sở vật chất cũng khiến bữa ăn tại một số trường không đảm bảo bởi nơi ăn thường được tận dụng từ hành lang, phòng học, các khu cải tạo lại...

Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện TP.HCM có gần 600.000 học sinh, tức hơn 80% học sinh ăn trưa tại trường nhưng đến giờ này Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế vẫn chưa có một hướng dẫn nào về việc thực hiện bếp ăn bán trú hay tổ chức ăn trưa tại trường cho học sinh. Trước thực tế số lượng học sinh học bán trú ngày càng tăng, ngành GD-ĐT và y tế phải dựa vào những văn bản, luật định chung về an toàn vệ sinh thực phẩm để quản lý. Tức là hiện nay, cơ quan quản lý mới chỉ quản lý về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm chứ chưa đi sâu vào chất lượng bữa ăn, sự cân bằng vi chất... cho học sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo H.Hương - L.Trang (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN