Bày cách kiếm cơm cho thanh niên nghèo
Lớp học dành cho thanh, thiếu niên đường phố từ 17-24 tuổi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đã nghỉ học và muốn được làm lại cuộc đời.
Lớp học ở hẻm 126/8 đường Phạm Thế Hiển, phường 2, quận 8 (TP.HCM). Mỗi tuần, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều thứ Ba đến thứ Bảy các em đều đặn đến lớp để học tiếng Anh và vi tính.
Nếu nghỉ học ở đây, em sẽ hư người mất…
Duy Khang nghỉ học sau bốn tháng đến đây học tập. Dù tìm mọi cách liên lạc nhưng Lena (tình nguyện viên người Pháp) vẫn không thể nào biết Khang đang ở đâu và làm gì. “Tôi tìm cách liên lạc với cậu ấy nhưng thật khó. Gọi điện thoại nhưng bạn không bắt máy, tìm cách liên lạc với mẹ của Khang, ra sức thuyết phục vẫn không được. Tôi kiên trì nhắn tin cho Khang qua Facebook. Khi tôi nghĩ không còn cách nào nữa thì đột nhiên Khang đến gặp tôi và đồng ý quay lại lớp học” - Lena nói.
Khang tâm sự: “Vì thấy chán, không biết học đến bao giờ mới ra lớp được nên em nghỉ học, đi làm để kiếm thêm tiền. Theo nhiều đám bạn rồi em sa vào ăn chơi, thấy mình ngày càng hư. Em quyết định quay lại để được học hành đàng hoàng”.
Đình Tuyên vốn là một thiếu niên giang hồ, thuyết phục Tuyên đến lớp học là cả sự nỗ lực của các tình nguyện viên. Quen cách nói chuyện giang hồ, Tuyên thường có lời nói thô lỗ khiến các bạn cùng lớp sợ. Nhưng sau đó cả tình nguyện viên lẫn các bạn lại quý mến vì nghị lực vượt khó của em.
Tuyên bảo em muốn xóa bỏ hình xăm trên người mình như cách để quên đi quãng thời gian trước đó và bắt đầu làm lại cuộc đời, không muốn sa chân vào con đường giang hồ như trước nữa.
Các em đang được tình nguyện viên dạy kỹ năng nói và giao tiếp bằng tiếng Anh. Ảnh: THANH TUYỀN
Bỏ giang hồ, tìm việc nuôi thân
Để thuyết phục các bạn đến lớp, các tình nguyện viên đã phải kiên nhẫn để giải thích nhưng không phải khi nào cũng nhận được sự đồng ý.
Minh là một trong những thanh niên mà tình nguyện viên Mỹ Hạnh đã kiên trì để vận động tham gia vào lớp học. Trước đó, dù nhiều lần đến nhà để thuyết phục nhưng chị Hạnh vẫn bị từ chối. Chính sự nhiệt tình của chị Hạnh khiến Minh quyết định thử.
Hiện nay Minh đang là nhân viên của một cửa hàng thức ăn, có sử dụng Anh văn và vi tính, mức lương đủ để em tự lo cho mình. “Hồi đó tham gia lớp em không nghĩ mình sẽ theo đến cùng và nghỉ suốt mấy tháng trời. Chính chị Hạnh và chị Nga động viên em quay trở lại. Đến nay, nhờ học ở đó mà em đã có công việc ổn định. Ba mẹ em mừng lắm” - Minh nói.
Ngày đến với lớp, Nhi chỉ mới 17 tuổi, ôm theo một đứa con 18 tháng vừa miệt mài học vừa chăm con. Hôm qua, Nhi hớn hở khoe: “Kết thúc khóa học, em tìm được việc và trở thành thợ làm bánh mì của một khách sạn năm sao ở quận 1, không còn lo lắng chuyện lấy tiền đâu mua sữa cho con mỗi tháng nữa. Hồi trước vì nghèo và cũng dại quá nên em bỏ học, tưởng đời mình chìm luôn. Quyết định đi học trở lại là cột mốc lớn của cuộc đời em”. Tấm gương của Nhi trở thành động lực cho các bạn đồng cảnh khác.
Rất nhiều thanh niên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt đang ngày ngày miệt mài học tập ở lớp học do tổ chức phi chính phủ Life Project for Youth thực hiện với ước mong được trở thành người có ích. Ngoài quận 8, trên địa bàn TP.HCM còn có một lớp học tương tự ở quận Gò Vấp, nơi đây không giới hạn thanh niên trên địa bàn quận mà thanh niên ở các quận, huyện lân cận vẫn có thể đến học.
Nên hỗ trợ thêm trẻ đường phố nhỏ tuổi hơn Đây là một trong những mô hình hay, hết sức có ý nghĩa. Một khi đánh giá được các em có sở thích gì, nguyện vọng ra sao, khả năng như thế nào thì các anh chị quản lý trong dự án sẽ thiết kế các chương trình can thiệp và hỗ trợ phù hợp. Nếu sở thích và nguyện vọng của các em nằm ngoài khả năng can thiệp và hỗ trợ của mình thì dự án sẽ kết nối với các tổ chức khác có khả năng để cùng hỗ trợ. Nhu cầu được tiếp cận của thanh thiếu niên với mô hình này rất nhiều, nhất là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Nếu có thể thay vì chỉ tiếp nhận các đối tượng trẻ em từ 17 tuổi trở lên thì dự án có thể mở rộng tiếp nhận thêm các đối tượng trẻ em từ 15 tuổi trở lên vì trên thực tế đây là độ tuổi theo Bộ luật Lao động các em đã được phép tham gia vào một số loại hình lao động phù hợp với độ tuổi và sức khỏe. Nếu chỉ tiếp cận ở độ tuổi từ 17 thì sẽ hạn chế cơ hội với những em từ 15 đến 16 tuổi - lứa tuổi cần có sự định hướng, can thiệp để vượt qua khó khăn. Ông PHẠM ĐÌNH NGHINH, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) ___________________________________ Tụi mình đi tìm rồi nói chuyện với mấy em lang thang ngoài đường, có em đang trong băng nhóm giang hồ. Nhiều người lớn nghĩ tụi mình đi buôn người. Thậm chí còn có ý định gọi cảnh sát đến bắt. Một lần không được thì lần hai, rồi lần ba… cứ kiên trì cho đến khi các em và gia đình thấy được sự chân thành của tụi mình. Chị HOÀNG NGA, tình nguyện viên của lớp học Tôi đến đây ngay sau khi hoàn thành khóa học của mình. Tôi muốn kết nối và cùng chia sẻ với các bạn thanh niên về những khó khăn mà họ đang mắc phải. Khi hướng dẫn các bạn, nhìn thấy các bạn trưởng thành hơn qua từng ngày, tôi thấy rõ trách nhiệm của mình. Có bạn còn khiến tôi cảm thấy xúc động, nể phục và tôi lấy đó làm động lực để đi tiếp. Chị LENA, tình nguyện viên Pháp gần hai năm nay của lớp học |