Bảng kê khiến hàng vạn sinh viên “khóc thét”

Một bảng kê tại Hà Nội dường như đã dội “gáo nước lạnh” vào các sinh viên hệ đại học. Bảng kê này cũng cho thấy thực trạng cánh cửa đại học chưa chắc đã tạo ra “con đường sáng” cho các bạn trẻ.

Ngày 14/1, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội (Trung Kính, Hà Nội) đã niêm yết số lượng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn.

“Soi” các số liệu trên bảng kê này cho thấy, nhu cầu về lao động trình độ cao như Đại học chỉ chiểm một tỉ lệ quá nhỏ so với lao động nghề.

Cụ thể, trong phiên giao dịch việc làm tuần 3 tháng 1 năm 2016 có 21 đơn vị tham gia tuyển dụng.

Tổng nhu cầu vị trí việc làm của 21 doanh nghiệp này là 423 chỉ tiêu. Số chỉ tiêu dành cho lao động có trình độ đại học chỉ có 42 vị trí, chiếm chưa đến 10% tổng số nhu cầu.

Trong khi đó, số nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng cao gần gấp đôi trình độ đại học với 75 vị trí việc làm.

Và nhu cầu lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông chiếm đa số với 306 vị trí việc làm.

Bảng kê khiến hàng vạn sinh viên “khóc thét” - 1

Bảng thống kê nhu cầu việc làm của doanh nghiệp niêm yết tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội khiến sinh viên đại học không khỏi mủi lòng. Ảnh C. Tâm

Theo Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, đây là thực trạng đã diễn ra từ lâu bởi nhu cầu tuyển dụng lao động khá chênh lệch.

Trong khi nhu cầu lao động phổ thông, công nhân kỹ thuật có lượng tuyển dụng cao còn nhu cầu về lao động có trình độ đại học khá èo uột.

Thực trạng này là minh chứng cho bức tranh thừa thầy, thiếu thợ trên thị trường nhân lực Việt Nam.

Thực tế tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội cho thấy, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đã phải chấp nhận ứng tuyển vào các vị trí dành cho lao động có trình độ công nhân kỹ thuật và trung cấp.

Sáng 14/1, tại phòng phỏng vấn của nhà phân phối bánh Minh Nguyệt, hai sinh viên một sắp ra trường và một đã tốt nghiệp đại học của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội và trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh (Hưng Yên) đã nộp đơn để xin việc làm thời vụ.

Bảng kê khiến hàng vạn sinh viên “khóc thét” - 2

Không ít sinh viên đại học phải chấp nhận ứng tuyển vào các vị trí việc làm thời vụ dành cho lao động trình độ thấp. Ảnh C. Tâm

Số sinh viên này cho biết họ đang có nhu cầu việc làm cho thời gian rảnh rỗi để vừa có thu nhập và có thêm kinh nghiệp để tìm được những vị trí việc làm tốt hơn.

Sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm nên khó bước qua “cửa tuyển dụng” của các doanh nghiệp, đơn vị khi đi phỏng vấn.

Theo tổng kết của Phòng thông tin thị trường lao động (Sàn giao dịch việc làm Hà Nội) cho thấy, năm 2015 vừa qua trong khi người đi tìm việc chủ yếu có trình độ đại học thì nhà tuyển dụng lại cần ứng viên có tay nghề từ các trường trung cấp, công nhân kỹ thuật.

“Đa phần người tìm việc có trình độ đại học, cao đẳng nhưng doanh nghiệp chỉ tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật hoặc lao động phổ thông.

Thực trạng này đã khiến không ít lao động có trình độ đại học, cao đẳng phải chấp nhận làm việc của nhóm lao động có trình độ trung cấp, công nhân.

Có doanh nghiệp chỉ tuyển 5 vị trí việc làm yêu cầu trình độ đại học nhưng lại tuyển đến trên 100 lao động trung cấp, công nhân kỹ thuật hoặc lao động phổ thông.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp cần lượng lớn lao động trực tiếp sản xuất hơn là lao động gián tiếp vốn là lao động có trình độ cao” – bà Vũ Thị Thanh Liễu, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Sàn giao dịch việc làm Hà Nội cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Anh (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN