Bom tấn đắt nhất Trung Quốc bị chê không thương tiếc
Phim của Lưu Đức Hoa, Bành Vu Yến có kinh phí hơn 3.000 tỷ như bị cho là "đầu voi đuôi chuột".
Trailer Tử chiến trường thành.
Vạn Lý Trường Thành là công trình kiến trúc vĩ đại của người dân Trung Quốc, kỳ quan của thế giới cổ đại. Được xây dựng ròng rã qua nhiều thế kỷ với chiều dài hơn 8.000 km, xung quanh câu chuyện về bức trường thành kỳ vĩ này là bao nhiêu huyền thoại, truyền thuyết.
Lấy cảm hứng từ những câu chuyện ấy, Tử chiến trường thành đưa người xem đến với bối cảnh đất nước Trung Hoa thời phong kiến Bắc Tống. Đây là nơi đã thu hút biết bao nhiêu kẻ thèm khát, liều lĩnh đến từ phương Tây bởi một loại vũ khí mang tên hỏa dược, trong đó có William Garin (Matt Damon) và Pedro Tovar (Pedro Pascal).
Sau khi bị phát hiện và tống giam bên trong Vạn Lý Trường Thành, cả hai đã vô tình phát hiện ra những bí ẩn đáng sợ đằng sau công trình được coi là đệ nhất kỳ quan của thế giới. Bị cuốn vào cuộc chiến chống lại những con quái thú khát máu, những người lính đánh thuê này đã đứng chung một chiến tuyến với các tướng lĩnh tinh nhuệ của quân đội Bắc Tống trong cuộc chiến chống lại đối thủ với sức mạnh đáng sợ.
Garin đã thực sự trở thành một thủ lĩnh anh hùng trên Vạn Lý Trường Thành trong trận chiến cuối cùng để bảo vệ loài người.
Kỹ xảo mãn nhãn
Được đầu tư 150 triệu đô (hơn 3.000 tỷ) và được đạo diễn bởi Trương Nghệ Mưu, người từng đoạt 3 đề cử Oscar và 5 đề cử quả cầu vàng, Tử chiến trường thành còn quy tụ dàn sao nổi tiếng bậc nhất của Hollywood và điện ảnh Hoa ngữ như Matt Damon, Cảnh Điềm, Bành Vu Yến, Lưu Đức Hoa…
Sự kết hợp giữa dàn sao đình đám của Hollywood và điện ảnh Hoa ngữ.
Đoàn làm phim có số thành viên lên tới 1.300 người, tới từ 37 quốc gia trên thế giới. Riêng đội ngũ phiên dịch đã lên tới 80 người. Đặc biệt, để tái hiện lại đúng bối cảnh lịch sử thời kỳ Bắc Tống, đoàn làm phim đã huy động 500 diễn viên quần chúng, với trang phục được chuẩn bị kỹ lưỡng, đẹp mắt, giúp tái hiện một đội quân anh dũng, oai hùng.
Và quả thật, sự đầu tư và chuẩn bị đó đã không gây thất vọng.
Tử chiến trường thành đem đên sự cân bằng gần như tuyệt đối giữa văn hoá Đông - Tây. Nét Châu Á được thể hiện một cách rõ nét ngay từ mặt hình ảnh với bối cảnh Trung Quốc thời phong kiến, sử dụng kiến trúc và phục trang long phụng đặc trưng của phim kiếm hiệp.
Lồng vào đó một cách tinh tế chính là phong cách phim thần thoại phương Tây với tông màu vàng ấm gợi nhớ khán giả đến những tựa phim kinh điển như Chúa tể chiếc nhẫn hay mới đây nhất là The Hobbit.
Trương Nghệ Mưu khéo léo cân bằng 2 nét văn hóa Á - Âu
Xa hơn về mặt triết lý Đông phương, là sự hiện diện của ngũ hổ tướng với 5 cánh quân ngũ hành bình thiên hạ đặc trưng trong văn học cổ điển Trung Hoa, là sự "trung với vua, phụng với quốc", là chữ "tín" được xem là kim chỉ nam trong tim của mỗi tướng sĩ.
Cân bằng với triết lý Trung Hoa là những tình tiết lấy cảm hứng từ những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Hollywood. Có thể kể đến như Chúa tể của những chiếc nhẫn với hình ảnh chiến sĩ liều chết trên thành trước sự tấn công của quái vật, War World Z với cảnh quái vật giẫm đạp nhau leo lên tường thành và thậm chí là Pacific Rim với cách xây dựng hình tượng của những con quái vật Tào Thiết.
Thế giới đồ sộ và khổng lồ mang đậm chất giao thoa giữa 2 nền văn hóa Á – Âu được nhào nặn dưới bàn tay của Trương Nghệ Mưu thực sự đã khiến khán giả choáng ngợp.
Phim có những khung cảnh hoành tráng với góc quay đậm chất nghệ thuật
Tử chiến trường thành có những khung cảnh hoành tráng với góc quay đậm chất nghệ thuật. Cái chất Hollywood được thể hiện rõ nét và khiến người xem liên tưởng đến những hình ảnh trong chuỗi phim Star Wars.
Theo nhiều ý kiến đánh giá, bộ phim khác hẳn so với những sản phẩm điện ảnh thông thường của Trung Quốc và có thể sánh ngang với các bộ phim bom tấn Hollywood về mặt kỹ xảo. Tuy nhiên, nội dung cũng như chiều sâu của các nhân vật gặp không ít ý kiến chỉ trích.
Nhưng vẫn còn đó những tiếc nuối
Trong bài phỏng vấn với The Hollywood Reporter mới đây, Trương Nghệ Mưu nói đã đến thời điểm thực hiện bom tấn vì “bây giờ người ta chỉ bàn về doanh thu” và “giới trẻ coi việc ra rạp là nhu cầu thiết yếu”.
Trương Nghệ Mưu còn nhấn mạnh, ngày nay người ta không thích xem những phim quá nặng nề mà chuộng những đề tài đơn giản.
Phim bị đánh giá thừa giải trí, thiếu nghệ thuật mang thương hiệu Trương Nghệ Mưu.
Và quả thật, tuy đã phần nào thành công về mặt giải trí nhưng Tử chiến trường thành lại thiếu đi chất nghệ thuật như nhiều bộ phim mang thương hiệu Trương Nghệ Mưu trước đó.
Truyền thông Trung Quốc đã "rộn ràng" mổ sẻ sau khi bộ phim ra rạp ở nước này hồi cuối năm ngoái.
“Vấn đề lớn nhất của bộ phim này là kịch bản được chia ra nhiều phần nhàm chán, nhân vật phẳng lì, câu chuyện “thiểu năng” và quá thiếu trí tưởng tượng” một nhà phê bình gay gắt.
Một cây bút khác viết: “Sử dụng các yếu tố của văn hóa Trung Quốc như đèn trời, áo giáp, các chiến binh thời Tần..., nhưng hầu như bộ phim không thúc đẩy được những giá trị văn hóa của chúng. Trương Nghệ Mưu đã đạo diễn một bộ phim “bắp rang bơ” kiểu Hollywood như cách ông ta từng đạo diễn Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008: sử dụng thật nhiều tiền, thật phô trương”.
“Chúc mừng Trương Nghệ Mưu, cuối cùng ông đã hoàn thành một mớ hỗn độn, trống rỗng, phi logic”... - là những lời chỉ trích nặng nề khác.
Một điểm trừ nữa trong bom tấn lần này đó là sự nhạt nhòa của dàn sao Trung Quốc. Những cái tên đầy trọng lượng Lưu Đức Hoa, Trương Hàm Dư, Bành Vu Yến, Lâm Canh Tân…, nhưng họ chỉ được sắm vai phụ, với đất diễn rất ít ỏi và không được đầu tư xây dựng đúng mức.
Cảnh Điềm gây thất vọng dù có nhiều đất diễn.
Trong khi đó, nhân vật của nữ diễn viên Cảnh Điềm được ưu ái dành cho nhiều đất diễn nhưng lại gây thất vọng. Sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, ưa nhìn, nhưng khả năng biểu cảm cùng trình độ diễn xuất còn hạn chế khiến “mỹ nhân Bắc Kinh” bị la ó ngay tại quê hương khi phim khởi chiếu.