Ngày tết Nyepi không âm thanh ở Indonesia

Hãy nhắm mắt lại và nghĩ đến một ngày hoàn toàn im lặng ở Bali khi không có âm thanh nổi loạn của những chiếc xe hơi trên đường phố, hay âm thanh lao xao của những chiếc tivi, tiếng vu vu của những chiếc xe gắn máy trong các ngõ phố hẹp, hoặc âm thanh xé nát bầu trời của những chiếc máy bay… Ngày đó chỉ có thể là ngày Nyepi – ngày tết cổ truyền của người Bali theo lịch Saka.

Tôi trở lại Bali sau tám năm, mặc kệ những lời đồn đại ở Việt Nam về sự chặt chém ở hòn đảo này. Bali trong tôi vẫn còn tinh nguyên màu xanh của rừng và những thửa ruộng bậc thang Ubud. Hòn đảo có một chút thay đổi diện mạo khi thời gian lướt qua với sân bay Ngurah Rai đang mở rộng diện tích để đón thêm khách du lịch. Giá cả có nhích lên một tí, nhưng vẫn không có ý nghĩa khi cơn bão kinh tế đang quét toàn cầu.

Ngày im lặng

Tôi ghé qua Ubud để thăm lại một vài điểm và “cố tình” để được ăn món đặc sản babi guling. Đó là những miếng thịt heo được xẻo từ một chú heo nhỏ với lớp da dày đủ độ béo giòn hoà quyện trong hương thơm tự nhiên của thịt khi được xiên quay trên bếp lửa hồng. Những cây tre cao được tết nhiều hoa và hình nộm treo khắp nơi trước các cổng nhà làm không khí nơi đây rất lạ. Hỏi ra mới biết, chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày Nyepi – một ngày tết cổ truyền của người Bali. Dường như có một chút nhộn nhịp và hối hả trong cuộc sống của những người Bali trước ngày Nyepi.

Nyepi còn được gọi là ngày “im lặng” của người Bali. Theo lịch Saka, nó thường rơi vào tháng 3 hàng năm và có nghĩa là ngày “ma quỷ” ra đường. Ít có một nơi nào đó trên trái đất dám ngưng các chuyến bay đến và đi ở sân bay quốc tế, khách du lịch không được phép đi dạo xung quanh, không ánh sáng, không nấu nướng và không đùa giỡn trong vòng 24 giờ… Điều đó chỉ có ở Bali vào ngày đầu tiên của tết Nyepi.

Ngày tết Nyepi không âm thanh ở Indonesia - 1

Chuẩn bị lễ hội Nyepi với những chúa quỷ Ogoh – Ogoh

Hơn cho sự “sợ hãi”, Nyepi là những ngày kết nối tình thân giữa gia quyến và cộng đồng với nhau trong không khí hoà bình và những nghi thức được bảo tồn theo thời gian. Điều đặc biệt hơn, ngày Nyepi còn giúp cho mỗi công dân Bali hiểu được rằng mình cần phải nỗ lực như thế nào để cân bằng giữa tâm linh, cộng đồng và môi trường sinh thái của thế giới.

Anh Putu, chủ quán cho tôi biết rằng: “Theo số liệu tổng kết của sở Du lịch, có ít nhất 20.000 tấn gas không được sử dụng trong ngày Nyepi nên lượng khí CO2 thải ra giảm đi rất nhiều”. Một con số thật ấn tượng ở hòn đảo nhỏ bé này.

Ngày tết Nyepi không âm thanh ở Indonesia - 2

Lễ hội đường phố Nyepi ở Bali

Lễ hội Nyepi

Tôi vẫn ghé lại Ubud và đến thị trấn Tawar Agung trước một ngày Nyepi để xem nghi thức của lễ hội. Theo truyền thuyết Hindu của người Bali, vài ngày trước lễ, chúa quỷ Bhuta Kala sẽ xuống trần gian và lang thang khắp nơi để tìm người tế lễ. Không một ai dám ra đường bởi sẽ bị Bhuta Kala bắt. Để tránh Bhuta Kala quấy phá đến cuộc sống nhân loại, mọi người đều phải làm lễ để cúng vị chúa quỷ này. Lễ cầu nguyện được tổ chức vào ban đêm trong sự im lặng tuyệt đối. Những người lớn tuổi Bali vẫn còn giữ nghi thức không cho phép người thân bước ra khỏi nhà từ lúc 6 giờ tối. Ngày lễ tế quỷ Bhuta Kala được gọi là Bhuta Yadnya theo tiếng địa phương.

Ở mọi nẻo đường của Ubud trước ngày Nyepi trở thành caraval đường phố đúng nghĩa. Những hình nộm chúa quỷ Bhuta Kala (tiếng địa phương Ogoh – Ogoh) với hai chiếc răng nanh to lớn được mang đi khắp đường phố. Không hình nộm nào giống hình nộm nào bởi ai cũng có thể tự hình dung ra vị chúa quỷ cho riêng mình, miễn sao hình nộm đó với khuôn mặt thật đáng sợ. Đoàn người trong trang phục trắng toát với những chiếc kèn hay trống hộ tống cùng với các Ogoh – Ogoh đi vòng quanh khắp nơi và tạo ra sự náo nhiệt khắp cả phố.

Ngày tết Nyepi không âm thanh ở Indonesia - 3

Ngôi đền linh thiêng Tanah Lot ở Bali

Tôi hỏi ông Komang – chủ khách sạn nơi tôi ở vịnh Kuta: “Trước ngày Nyepi, mỗi gia đình cần phải chuẩn bị gì cho những ngày lễ đặc biệt này?” Ông cho biết: “Đó là những ngày tết vô cùng đặc biệt ở Bali, những người trẻ vô cùng phấn khích bởi họ phải mài công tìm kiếm vật liệu và suy nghĩ để tạo ra Ogoh – Ogoh sao cho thật đặc biệt. Với những người lớn tuổi họ cần phải chuẩn bị lễ vật đặc biệt để cúng vào ban đêm. Hai cây tre cao được đặt trước nhà có tác dụng xua đuổi ma quỷ. Cũng cần phải chuẩn bị một số món ăn truyền thống để gia đình quay quần bên nhau…”

Theo ngôn ngữ Malayo – Polynesian của người Bali, Bhuta có nghĩa là “các thành phần của tự nhiên”, Yadnya có nghĩa là “lễ tế thần” và Kala có nghĩa là “năng lượng”. Mặc dù là lễ hội tâm linh lớn của người Bali và có nhiều thay đổi trong nghi thức khoảng 50 năm nay, nhưng người Bali đặt tên các nhân vật hay lễ hội để nhắm đến việc ý thức bảo vệ môi trường để hòn đảo đã xanh càng xanh hơn.

Tôi tận hưởng ngày Nyepi ở Bali bằng việc ngủ muộn và cuộn tròn mình trong chiếc chăn ấm áp. Bên ngoài im phăng phắc và chỉ nghe tiếng động của một vài chiếc lá rụng bên thềm nhà. Ngày hôm qua, tôi đã mua sẵn một ít cơm được gói chặt trong chiếc lá chuối xanh, những miếng babi guling có cứng và khô hơn một chút, nhưng nó vẫn còn béo ngậy và thơm…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Chí Linh (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN