Tượng Nữ thần Tự do bị nghi ngờ là đàn ông
Nhiều giả thiết huyễn hoặc chưa dừng lại quanh chủ đề về công trình biểu tượng của New York, biểu tượng của nước Mỹ. Một nhà báo cho rằng người làm mẫu tượng không phải phụ nữ, mà là đàn ông.
Tượng Nữ thần Tự do tiếp tục gây tranh cãi về nguyên mẫu.
Trong cuốn sách mới nhất Ngọn đuốc của Nữ thần Tự do: Cuộc phiêu lưu vĩ đại để dựng tượng Nữ thần Tự do, nhà báo Elizabeth Mitchell khẳng định, người làm mẫu cho bức tượng này là đàn ông.
Theo giai thoại kể lại, nghệ sỹ người Pháp Frédéric- Auguste Bartholdi lấy cảm hứng từ gương mặt của người mẹ, bà Charlotte để dựng tượng. “Trong khi chăm chú quan sát tượng Nữ thần Tự do, tôi nhận thấy gương mặt Nữ thần không giống với gương mặt người mẹ”, nữ nhà báo nói với New York Post. “Tôi nhìn gương mặt thấy trẻ hơn, đôi lông mày cong hơn, mũi thanh thoát và đôi môi mỏng hơn”, Elizabeth nói thêm.
Vậy nàng thơ của tác giả là ai? Anh trai tác giả- đó là giả thiết nhà báo đưa ra sau khi quan sát tỉ mỉ những bức ảnh lưu trữ về Charles-người anh cả trong gia đình nghệ sỹ Bartholdi. Gương mặt anh trai Bartholdi gợi nhắc gương mặt của Nữ thần Tự do-đặt tại đảo Liberty, cảng New York.
Anh trai của Bartholdi bị loạn trí khi trưởng thành, phải sống quãng đời còn lại trong bệnh viện. Frédéric- Auguste Bartholdi thăm anh mình mỗi tuần một lần, và được cho là thường xuyên quan sát anh mình vì không thể nói chuyện do Charles bị câm. Những cuộc thăm viếng lâu dài này khiến tác giả nảy sinh cảm hứng cho bức tượng Nữ thần tự do soi sáng thế giới.
Người mẫu khiến mọi người bất ngờ này theo Elizabeth có thể giải thích cho những nét nam tính trên gương mặt của Nữ thần Tự do. Chi tiết của giả định này và nhiều bí mật khác về bức tượng được tiết lộ trong phần đầu chương trình Bí mật những địa điểm ưa thích của nước Mỹ, phát sóng hôm 3/7.
Có thể nói từ khi ra đời minh chứng cho tình hữu nghị giữa Pháp và Mỹ, tượng Nữ thần Tự do không ngừng tạo ra huyền thoại. Năm ngoái, Viện Smithsonian-điều hành nhiều bảo tàng lớn của Mỹ- cũng đưa giả thiết Frédéric- Auguste Bartholdi lấy cảm hứng từ một nông dân Ai Cập. Họ cho rằng sau khi du lịch Ai Cập từ 1855-1856, Bartholdi “có niềm đam mê với các công trình công cộng có quy mô lớn, cấu trúc khổng lồ”.
Trong công bố Viện Smithsonian nhắc đến, nhà điêu khắc Pháp đưa ra nhiều bản vẽ trong đó bức tượng được làm giống với nông dân Ai Cập hoặc nông dân Ả Rập với mạng che mặt, sau đó phát triển dần tới kích cỡ khổng lồ như khi hoàn thành.