Sự quyến rũ của đá

Dọc bờ biển miền duyên hải, bên cạnh những bãi tắm, du khách sẽ bắt gặp vô số bãi đá tuyệt đẹp. Đến Phú Yên có ghềnh đá đĩa, Bình Thuận có Cổ Thạch...

Mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng phải nói là vẻ đẹp tự nhiên của đá có sức hút ghê gớm...

Du khách lần đầu đến gành (ghềnh) đá đĩa ở tỉnh Phú Yên đều không khỏi trầm trồ trước tạo tác kỳ lạ của thiên nhiên: từng mặt đá hình đĩa đều tăm tắp chồng lên nhau như có bàn tay ai sắp xếp tỉ mỉ, liền khít thành dốc chạy dài đến mí nước. Bạn muốn nhấc lên một đĩa để xem như thế nào ư? Không thể. Từng viên đá được thít chặt vào nhau tạo thành một ghềnh đá đĩa rộng lớn. Qua nhiều thế kỷ, sóng biển xâm thực đã tạo nên nét đẹp tuyệt vời của đá ở nơi này.

Sống cùng đá

Ghềnh đá đĩa ở Phú Yên hằng năm thu hút hàng nghìn du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ lạ của thiên nhiên. Tuy nhiên, ở đây không chỉ có ghềnh đá đĩa mà cư dân sống dưới chân núi huyện Tuy An còn biết sử dụng đá núi tạo nên những công trình bằng đá: nhà ở, bậc tam cấp, thềm nhà, chuồng bò, giếng nước, mộ đá, bờ đê… mà không phải gọt đẽo gắn kết bằng vôi vữa. Đá làm nhà, chuồng gia súc, giếng nước… là đá thiên nhiên do núi lở chôn vùi dưới đất. Trong quá trình cày ải canh tác, nông dân nhặt lên làm nên những công trình bằng đá đặc trưng, vừa bền chắc vừa ít tốn kém chi phí.

Sự quyến rũ của đá - 1
 
“Bãi đá bảy màu” ở biển Cổ Thạch (Tuy Phong, Bình Thuận) đẹp đến... nín thở.

Ông Vã Ruộng ở ấp 6, xã An Ninh Đông cho biết không khí trong ngôi nhà làm bằng đá núi luôn mát lạnh, tinh khiết, không phương tiện hiện đại (quạt máy, máy lạnh) nào sánh được. Nhà bằng đá còn là nhà chống bão, chưa có cơn bão nào gây sập nhà bằng đá ở đây. Vùng đất này sẽ khiến du khách kinh ngạc với những công trình kiến trúc độc đáo và đặc trưng.

Lung linh màu sắc, đa dạng hình

Đến Cổ Thạch, ngoài vãn cảnh chùa và hàng chục công trình kiến trúc chạy dài ven bãi biển nối tiếp nhau như điện Phật, tổ đường, tháp tổ… phải kể đến những tảng đá lớn nhiều hình thù khác nhau và nhiều hang động luồn sâu trong núi đầy huyền bí và hấp dẫn. Sau khi tham quan chùa Cổ Thạch, trước mắt du khách sẽ hiện ra bãi đá lung linh nhiều màu sắc.

Bãi đá này nằm trên cung đường biển dài hơn 1km với vô số hòn đá đủ kích thước, từ màu đen, trắng đến lam, tím, vàng… tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động. Cả khu vực rộng lớn vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ diễm lệ. Dân gian hay gọi nơi đây là “bãi đá bảy màu”, những viên đá nhỏ ấy trồi từ lòng biển, nhô lên bờ do sự tác động của địa hình, thiên nhiên. Du khách đến đây thường nhặt vài viên đá xinh xinh về làm bộ sưu tập nhỏ để kỷ niệm chuyến đi. Điều lạ là với hàng chục vạn khách du lịch như thế mỗi người dăm ba viên nhưng số lượng trên bãi dường như không bao giờ giảm.

Cũng trên cung đường này, du khách lại bắt gặp một bãi đá mang sắc thái khác. Đó là những khối đá khổng lồ nhấp nhô, nhìn từ xa tựa như thành quách cổ. Người dân ở đây có thể kể cho bạn nghe vô số truyền thuyết từ xa xưa về những bãi đá này như chuyện đàn thủy quái bị tiêu diệt và hóa đá đến tận bây giờ.

Thật sự khi ngắm nhìn những khối đá muôn hình vạn trạng ở đây, bạn hoàn toàn có thể “thấy” hình hài nàng tiên cá e thẹn nấp bên tảng đá lớn, một chú gấu vươn vai hay một con voi giơ vòi phun nước, thậm chí một bàn tay cầm gươm chỉ thẳng ra đại dương như truyền một thông điệp cho kẻ thù: hãy coi chừng… Tất cả đều phụ thuộc vào tâm trạng của bạn lúc đó đang lãng mạn, tự tình với người thân hay đang một mình suy tư chuyện thời sự đất nước.

Lội bộ cả ngày trên những bãi đá, sự mệt mỏi rã rời của bạn sẽ tan biến nhanh chóng nếu được thư giãn trong những bồn tắm bùn ở Vĩnh Hảo, cách Cổ Thạch chừng 5-10 phút đi xe. Và sau đó, dạ dày của bạn sẽ hết ý kiến vì được thết đãi những món đặc sản biển tươi rói, ngọt và mặn đan xen đến cháy lưỡi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN