Đạm Cà Mau báo lãi kỷ lục hơn 1.800 tỷ đồng năm 2021

Dù vậy, DCM vẫn đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm lần lượt 10% và 72% so với năm 2021.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã chứng khoán: DCM) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh năm 2021 và kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Theo đó, sản lương sản xuất ước đạt 898 nghìn tấn ure quy đổi, vượt 3% so với kế hoạch đề ra. Sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp ước đạt 1.017 nghìn tấn, đạt 99% kế hoạch năm.

Về kết quả kinh doanh năm 2021, Đạm Cà Mau ước tính doanh thu đạt 10.011 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế  đạt 1.823 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 175% so với mức thực hiện năm 2020. Đơn vị cho biết đây là kết quả doanh thu, lợi nhuận cao nhất đạt được trong 10 năm hoạt động.  

Vào cuối năm qua, doanh nghiệp tăng chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất từ 7.839 tỷ đồng lên 9.168 tỷ đồng (tăng 18%); lợi nhuận sau thuế từ 197 tỷ lên 867,5 tỷ đồng (gấp 4,4 lần). So với kế hoạch điều chỉnh, Đạm Cà Mau vượt 9% mục tiêu về doanh thu và vượt 110% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Được biết, lợi nhuận khởi sắc của Đạm Cà Mau xuất phát từ việc giá bán sản phẩm ure liên tục tăng cao trong thời gian qua. Xét riêng quý III, giá bán bình quân sản phẩm ure đã tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng này được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón trên toàn cầu và các chính sách hạn chế xuất khẩu của các quốc gia như Trung Quốc, Nga. Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau đã đưa vào vận hành chính thức nhà máy phân bón NPK với công suất 300.000 tấn/năm (bắt đầu sản xuất thử nghiệm từ tháng 4/2021), giúp cải thiện đáng kể sản lượng sản xuất trong năm.

Bước sang năm 2022, Đạm Cà Mau đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh với sản lượng sản xuất 860 nghìn tấn ure quy đổi, 80 nghìn tấn NPK. Về chỉ tiêu kinh doanh, DCM đặt kế hoạch doanh thu 9.017 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 512 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 72% so với năm 2021.

Những mục tiêu này dù thấp hơn kế hoạch năm 2021 mới điều chỉnh nhưng các năm gần đây, Đạm Cà Mau có xu hướng đề ra kế hoạch kinh doanh năm sau thấp hơn thực hiện năm trước và sau đó vượt mạnh.

Nhìn lại năm 2021 vừa qua, giá phân bón liên tục leo thang giữa lúc dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, có những loại tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến cổ phiếu DCM có chuỗi tăng mạnh nhờ hưởng lợi từ việc giá phân bón tăng.

Phiên ngày 10/1, cổ phiếu DCM đạt mức 32.750 đồng/cổ phiếu. (Ảnh: FireAnt)

Phiên ngày 10/1, cổ phiếu DCM đạt mức 32.750 đồng/cổ phiếu. (Ảnh: FireAnt)

Những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu này đang có đợt điều chỉnh. Phiên ngày 10/1, cổ phiếu DCM lùi về mức 32.750 đồng/cổ phiếu, giảm 18% so với vùng đỉnh 40.050 đồng/cổ phiếu thiết lập vào hồi cuối tháng 12.

Nguồn: [Link nguồn]

Mạo hiểm đầu tư vào Apple, Warren Buffett đã lãi bao nhiêu?

5% cổ phần của Apple mà Berkshire Hathaway mua lại vào năm 2018 với giá 36 tỷ USD hiện trị giá 160 tỷ USD khi gã khổng lồ công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Thu Thảo ([Tên nguồn])
Tin tức doanh nghiệp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN